TTCT - Năm 2021, các chính phủ vẫn phải tập trung cho việc chống trả đại dịch COVID. Chỉ vài nơi hiếm hoi khống chế được dịch, nhân đó mà mở rộng ảnh hưởng, tạo ra những hình thái địa chính trị mới... Bức ảnh chụp Tổng thống Mỹ Joe Biden, mặt mũi đeo “kín” khẩu trang, ngồi trước bàn giấy, phía sau là lò sưởi trang trí Giáng sinh - minh họa cho mẩu tin của NBC News hôm thứ bảy 18-12 loan báo ông sẽ có bài phát biểu vào tuần sau về biến thể Omicron và các hành động mới của Chính phủ Mỹ - cũng có thể là ảnh chụp nhiều nguyên thủ quốc gia khác vào dịp cuối năm 2021 này. Họ phải căng mình chống dịch COVID, đang sắp bước qua năm thứ ba. Đúng hẹn, sáng thứ ba 21-12, ông Biden lên tivi nói sẽ mua 500 triệu kit xét nghiệm để đối phó khả năng tăng nhiễm vì Omicron. Ông cũng tâm sự rằng chính sách cưỡng bách chích ngừa của ông không được lòng dân lắm song phải vậy thôi: miễn là hiệu quả và hợp pháp. Ba tiếng sau, tờ New York Post “phang” ngay: “Diễn văn của Joe Biden về Omicron cho thấy ông vẫn chưa đè được dịch COVID”. Mà đó là ông Biden còn được rộng quyền rộng tiền lắm rồi. Năm thứ hai chống dịchTrong bối cảnh dịch giã, dữ kiện thống kê không hề là những con số vô tri vô giác, càng không thể nghĩ đến chuyện lược bớt thông tin về số ca nhiễm mới và tử vong mỗi ngày khi mà số liệu cứ tăng cao. Cách CDC Mỹ công bố số liệu dịch COVID hằng ngày có thể xem như khuôn mẫu: Thống kê là thống kê chớ không phải công cụ để đánh bóng hay bảo vệ uy tín của chính phủ.Ở Mỹ, tính tới 18-12, đã có 50,7 triệu người nhiễm COVID, hơn 800.000 người thiệt mạng. Hôm 18-12 đó, số lượt xét nghiệm tăng 52% (gần 1,5 triệu lượt), phát hiện gần 130.000 ca nhiễm mới (bình quân 50 ca/100.000 người), số ca nhập viện tăng 18% (70.000 người), và thêm 1.296 ca tử vong (bình quân 1,5 ca/100.000 người), số liệu chi tiết New York Times cập nhật từng ngày.Dễ hiểu là sau 2 năm vật lộn, dân tình bắt đầu chán ngán. CNN 20-12 than thở về năm COVID thứ ba đang tới gần: “Theo các dữ liệu của Đại học Johns Hopkins, nước Mỹ hiện phải đối mặt với một đợt bùng phát virus corona trở lại khi đại dịch bước sang năm thứ ba”.Còn ở Pháp, tờ báo được xem là thế giá nhất, Le Monde, sáng 20-12 chạy một tít hết sức dân dã: “Không ai có thể nói “Tôi ổn!””. Tờ báo giải thích “sự mệt mỏi” vì COVID: “Người ta đã chích ngừa rồi, xét nghiệm đủ cả rồi. Chán quá rồi, mệt mỏi trước một đại dịch không chịu dừng!”.Các xã hội trên phản ứng trong tâm thế dẫu sao cũng tạm đủ về mặt an sinh với các loại trợ cấp hậu hĩnh, nên tình cảnh của các xã hội mà dân chúng chưa được “che phủ” đầy đủ, có “la làng” cũng chẳng ai giúp được, như thế nào, không nói ra cũng hiểu.Cai trị là tiên liệuMột năm dịch giã, mới càng thấm câu cửa miệng “cai trị là tiên liệu”. Lo xa thì mới có thể chuẩn bị những kế hoạch cần thiết, trong đó chích ngừa là tối quan trọng, như một áo giáp mấy lớp bảo vệ. Lo xa thì mới hiểu cuộc chiến này không chỉ là y tế, mà còn là xã hội - sự sống còn không chỉ trước COVID mà còn để đảm bảo cái ăn cái mặc cho lớp lớp thường dân.Trực tiếp nhất minh họa cho câu “cai trị là tiên liệu” là lời cảnh báo của tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hôm 20-12 vừa qua ở Geneva: “Chắc chắn rằng giao tiếp xã hội tăng lên trong thời gian nghỉ lễ ở nhiều quốc gia sẽ dẫn đến gia tăng các ca bệnh, hệ thống y tế quá tải và nhiều ca tử vong hơn”.Trẻ đi học lớp 1 ở North Carolina, Mỹ. Ảnh: Tom Lotshaw Ông muốn mọi chính phủ và cá nhân cân nhắc thiệt hơn khi đưa ra những quyết định “năm hết Tết đến”: “Tất cả chúng ta đều muốn dành thời gian cho bạn bè và gia đình. Ai cũng muốn trở lại bình thường. Cách nhanh nhất để làm điều đó là tất cả - những nhà lãnh đạo và mỗi cá nhân - hãy đưa ra những quyết định khó khăn nhưng cần thiết để bảo vệ bản thân và người khác". "Trong một số trường hợp, điều đó có nghĩa là phải hủy bỏ hoặc trì hoãn các sự kiện - giống như chúng tôi đã hủy buổi chiêu đãi dự kiến hôm nay”.Số là 18 tháng qua, WHO đã “đóng cửa” các cuộc họp báo trực tiếp, hôm 20-12 vừa rồi mới tổ chức lại, nên cũng có định chiêu đãi các nhà báo, song cuối cùng đã hủy. Sợ chưa được hiểu, người đứng đầu WHO nhắc lại, có phần chua chát: “Một sự kiện bị hủy sẽ tốt hơn là một mạng sống mất đi”.Cai trị - tiên liệu còn là nhắm đến những mục tiêu bền vững, lâu dài, thay vì những vinh quang “chói chang” trước mắt. Vậy “bền vững” trong chống dịch là gì? Tổng giám đốc WHO giải thích: “Năm 2022 phải là năm chúng ta chấm dứt đại dịch này. Nhưng đó cũng phải là năm mà tất cả các quốc gia đầu tư vào việc ngăn chặn một thảm họa trong tương lai ở quy mô như vậy”.Cuộc chiến vắc xinTrong một năm đại dịch, dễ hiểu khi ngoại giao vắc xin và vắc xin như một phương tiện để gây thanh thế trở thành chủ điểm của tình hình quốc tế.Nếu như các hãng vắc xin đang rậm rịch loan báo về tính hiệu quả các sản phẩm của họ trước biến chủng Omicron, thì Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng làm vậy với vắc xin Sputnik của nước ông. Phát biểu tại Đại hội Các nhà công nghiệp và doanh nghiệp Nga hôm 17-12, ông Putin thông báo: “Sputnik V của Nga hoạt động tốt và thậm chí có thể chống lại Omicron tốt hơn so với các vắc xin hiện đang được sử dụng”.Phải nhìn nhận rằng ông Putin có diễm phúc mà không mấy lãnh đạo quốc gia đương thời có: là tổng thống một nước sản xuất vắc xin. Vắc xin Trung Quốc hỗ trợ Syria. Ảnh: Tân Hoa xã Để so sánh, dù ông Tổng thống Pháp Emmanuel Macron có mong muốn tới đâu, thì Hãng Sanofi của nước ông, trước giờ vẫn là một “ông lớn” trên thị trường vắc xin thế giới nhờ hơn người với hệ thống Viện Pasteur toàn cầu, tới giờ này cũng đành “ngậm cán bút” do không tìm ra được vắc xin.Chuyện gì không biết, chứ lăng xê cho nước Nga thì không ai có thể chê ông Putin. Ngay từ hôm 10-8-2020, ông đã làm cả thế giới “hết hồn” khi loan tin Nga phát triển được vắc xin ngừa COVID “miễn nhiễm bền vững”. Để minh họa cho tính xác thực của tin này, ông cho biết một cô con gái của ông đã chủng ngừa bằng Sputnik V. Nghiệt một nỗi, dù đích thân ông Putin trong năm 2021 đã hai lần chích ngừa biểu diễn Sputnik V, dân Nga vẫn cứ thờ ơ (chỉ 36% chích ngừa tính tới 18-11-2021), chứ chưa nói đến các quốc gia khác, nơi đang lưu hành đủ loại vắc xin khác nhau.Thêm nữa, trong khi vắc xin của Nga “vất vả” tìm kiếm sự phê chuẩn của WHO, thì các vắc xin của Ấn Độ và Trung Quốc đã giành được sự tín nhiệm này. Ấn Độ hôm 17-12 được WHO phê duyệt quy chế trong danh sách sử dụng khẩn cấp (EUL) một loại vắc xin nữa, CovovaxTM, do Viện Huyết thanh Ấn Độ sản xuất theo giấy phép của Novavax.Quy trình EUL của WHO đánh giá chất lượng, độ an toàn và hiệu quả của vắc xin COVID-19, là điều kiện tiên quyết để cung cấp vắc xin cho COVAX, và cho phép các quốc gia xúc tiến việc phê duyệt nhập khẩu và quản lý vắc xin. Covavax mới được WHO phê duyệt sử dụng khẩn cấp là vắc xin thứ 9 trong diện này: Comirnaty (thường gọi là Pfizer), Vaxzevria (AstraZeneca), Covishield (tên địa phương của AstraZeneca tại Ấn Độ), Janssen (của Bỉ - Hà Lan), Spikevax (Moderna), Verocell (Trung Quốc), Covaxin (Ấn Độ), Nuvaxovid (Novavax), và Covavax.Trên cơ sở sản xuất được vắc xin hay tiềm lực tài chính, các nước lớn mở ra một cục diện ngoại giao hoàn toàn mới chỉ có trong thời dịch bệnh: uy tín đi kèm với số vắc xin cho tặng. Tháng 9-2021, CNBC dẫn thống kê của UNICEF cho biết Mỹ đã chuyển giao hơn 114 triệu liều vắc xin cho khoảng 80 nước, hầu hết là các nước đang phát triển ở châu Á, châu Phi và Mỹ Latin. Con số đó nhiều hơn gấp ba lần so với 34 triệu liều mà Trung Quốc, nước xếp thứ hai, đã đóng góp. Thứ ba là Nhật Bản với 23,3 triệu liều.Về các nước nhận thì châu Á đứng đầu, với Bangladesh, Philippines, Indonesia, và Pakistan đều đã nhận hơn 10 triệu liều. Tuy nhiên, tính tổng cộng thì lượng vắc xin cho tặng mới là 207 triệu liều, còn thấp hơn nhiều so với mức khuyến nghị của WHO đưa ra hồi tháng 5, theo đó các nước thu nhập cao cần tái phân phối ít nhất 1 tỉ liều vắc xin trong 9 tháng đầu năm 2021 và 1 tỉ liều nữa tới giữa năm 2022 thì mới có hy vọng kết thúc đại dịch vào năm tới.Trong hoàn cảnh vắc xin trở thành một đòn bẩy ngoại giao, việc sản xuất cũng đang được đẩy mạnh chưa từng thấy ở nhiều nước. Chẳng hạn hôm 21-12, Tân Hoa xã cho biết năng lực sản xuất vắc xin của Trung Quốc đã đạt 7 tỉ liều mỗi năm. Dân Pháp biểu tình chống các biện pháp áp đặt vắc xin. Ảnh: Reuters Phản ứng của dân chúngChuyện dân Âu - Mỹ phản đối vắc xin đã quá “quen thuộc”, nhưng nay lại có thêm dân Nga cũng “chê” hàng nội địa Sputnik V, dù đại dịch vẫn đang hoành hành ở đó. Hôm 21-12, Moscow News tóm tắt tình hình: “Nga đã xác nhận 10.267.719 trường hợp nhiễm virus corona và 299.249 trường hợp tử vong, theo trung tâm thông tin virus corona quốc gia”.Đáng nói, trong khi nhiều nước Âu - Mỹ áp các kiểu ràng buộc khác nhau để ép người dân chích ngừa, ông Putin lại đang tỏ ra rất cởi mở trong chuyện này. Hôm 24-11, ông nhắc lại lập trường của ông rằng việc chích ngừa COVID nên là tự nguyện.Ở thái cực bên kia là chính sách vắc xin của Trung Quốc. Hồi tháng 8, báo Mỹ The Los Angeles Times kể lại một câu chuyện ở tỉnh Hồ Nam khi một người đàn ông đã bị/được cảnh sát điều xe đến tận nhà và chở vào bệnh viện chích vắc xin. Cũng bởi kiểu làm mạnh tay như vậy mà tính tới 21-12, 2,68 tỉ liều vắc xin đã được triển khai ở Trung Quốc đại lục, coi như phủ kín toàn bộ đối tượng dân chúng cần tiêm, Tân Hoa xã dẫn thông tin từ Ủy ban Y tế quốc gia.Một vấn đề khác khiến dân chúng phản ứng trong công cuộc chống dịch một năm qua là tình trạng thừa nước đục thả câu của những kẻ trục lợi nhờ COVID-19. Ở nhiều nước, cuộc chiến với con virus tạo điều kiện cho sự vi phạm các tiêu chuẩn chống tham nhũng, tỉ như cắt giảm quy trình mua sắm, hoặc những người nắm quyền lợi dụng cuộc khủng hoảng để tư túi.Ở cấp độ điều hành, các quan chức quản lý có thể thông đồng với nhà sản xuất và hãng phân phối bằng cách cung cấp giấy chứng nhận hoặc phê duyệt sản phẩm không đủ điều kiện, trì hoãn phê duyệt sản phẩm của đối thủ cạnh tranh, hoặc thông đồng với các nhà cung cấp “ma”. Chuyện này đã xảy ra ở hầu khắp các nước châu Á, đặc biệt là Nam Á và Đông Nam Á, tới mức ở Ấn Độ, Tổ chức Minh bạch quốc tế (TI) đã cảnh báo rằng tham nhũng trở thành một “đại dịch thứ hai” nguy hiểm không kém dịch COVID.Thiếu sự tuân thủ nghiêm ngặt các thủ tục quy định với nghiên cứu và phát triển thuốc và sản phẩm y tế, trong đó việc ra quyết định phê duyệt không được giám sát chặt chẽ để đảm bảo lợi ích công cộng và sự tiếp cận bình đẳng sẽ còn là một vấn nạn lâu dài của công cuộc chống dịch.Cũng theo TI, tham nhũng liên quan đến năng lực quản trị nhà nước yếu kém trong 5 lĩnh vực quan trọng: sản xuất và phân phối các sản phẩm mua sắm công, quy định xét duyệt, quy trình mua sắm, quản trị ở cấp cao và năng lực đội ngũ y tế. Tham nhũng không chỉ khiến quốc gia tổn thất, nó còn ảnh hưởng tới chất lượng thuốc men, tạo điều kiện cho sản phẩm y tế giả mạo, và khiến công cuộc chống dịch vốn đã khó càng thêm khó.Vì vậy, các chính phủ nhất thiết phải có lập trường dứt khoát và mạnh mẽ trước hành vi tham nhũng trong quá trình ứng phó đại dịch. Làn sóng các vụ tham nhũng liên quan đến dịch bệnh nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp tục và tăng cường các nỗ lực minh bạch, lôi kéo truyền thông báo chí, các tổ chức xã hội tham gia giám sát kết quả chống dịch và hệ thống mua sắm công, theo dõi chi tiêu ngân sách và phản ánh nguyện vọng của người sử dụng y tế công cộng...Muốn hay không thì năm COVID thứ ba cũng đã đến trước ngõ. Các bản đồ dịch tễ ở châu Âu và Bắc Mỹ hiện lại đang đỏ rực, và để tiên liệu tình hình, có ba câu hỏi mà mọi chính phủ đều phải tự đặt ra: (1) Người dân tin chính phủ được bao nhiêu? (2) Vì sao? Và (3) có thể làm gì khác hơn, tốt hơn không? Sát thủ mớiTối thứ hai 20-12 (giờ địa phương) các hãng tin Mỹ như NBC hay NPR đồng loạt báo động: “Biến thể Omicron chiếm đến 73% số ca nhiễm mới”, kèm chi tiết buồn: “Ca tử vong liên quan đến Omicron đầu tiên tại Mỹ được báo cáo ở Texas”. Nạn nhân ngoài 50 tuổi, không chích ngừa, và đã hai lần nhiễm virus corona.Tin này được đưa ra hơn một ngày sau khi bác sĩ Anthony Fauci, “tổng quản” phòng chống COVID ở Mỹ, cảnh báo trên CNN rằng Hoa Kỳ sẽ trải qua một mùa đông khó khăn khi biến thể Omicron lan truyền nhanh chóng. Những gì đang diễn ra ở Mỹ cũng có thể diễn ra tại các nước khác, nên việc tiếp tục chích ngừa, nhất là mũi 3, càng cần thiết cho một khả năng phòng bị tối thiểu, cùng với tuân thủ “5K”, như chính ông sếp của CDC Mỹ nhấn mạnh. Tags: Tham nhũngCOVID-19Cai trị2021Tiên liệu
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Tổng Bí thư Tô Lâm: Việt Nam và Malaysia chia sẻ những lợi ích chiến lược trong thế giới biến động THANH HIỀN 22/11/2024 Sáng 22-11, Tổng Bí thư Tô Lâm đã đến thăm và phát biểu tại trường đại học lâu đời và danh tiếng nhất của Malaysia.
Rộ tin tướng cấp cao Triều Tiên bị thương do tên lửa Storm Shadow UYÊN PHƯƠNG 22/11/2024 Các quan chức phương Tây cho biết một tướng cấp cao Triều Tiên đã bị thương trong cuộc tấn công của quân đội Ukraine tại vùng Kursk.
Độc lạ Đồng Nai: Treo ô tô cũ trước cổng nhà làm kỷ niệm A LỘC 22/11/2024 Một gia đình ở Đồng Nai treo ô tô cũ trước cổng nhà làm kỷ niệm khiến cộng đồng mạng xôn xao.
Đại biểu Quốc hội: Điều hòa dân nghèo cũng sử dụng, sao xem là xa xỉ để áp thuế tiêu thụ đặc biệt TIẾN LONG 22/11/2024 Người lao động nghèo ở nhà trọ cũng lắp máy điều hòa, không hiểu sao lại đưa mặt hàng này vào hàng hóa xa xỉ để đánh thuế tiêu thụ đặc biệt.