15/04/2012 07:01 GMT+7

"Người cá" ở đảo Jeju

NGA LINH
NGA LINH

TT - Không chỉ có vẻ đẹp của biển và những viện bảo tàng chuyên đề tình dục học, sôcôla, gấu bông Teddy... đảo Jeju (Hàn Quốc) trở nên thu hút hơn nhiều với câu chuyện về haenyo - những “hải nữ”.

kjpDg5NF.jpgPhóng to
Các haenyo bắt đầu công việc - Ảnh: Nga Linh

Bãi biển lô nhô đá đen, dù thời tiết rất xấu nhiều du khách vẫn tụ tập dưới chân đỉnh Seongsan Ilchulbong chờ xem các haenyo “ra khơi”.

Thách thức đại dương

Không phải những “nàng tiên cá” với dáng vóc mỹ miều, haenyo trẻ nhất ở đây nay đã ngoài 50. Tập trung trên bờ, theo bắt nhịp của nhóm trưởng Song Geoung Ja (70 tuổi), cả nhóm 15 người cùng nhau hát một bài dân ca, cũng là cách để giãn phổi trước khi vào cuộc.

Chỉ ít phút nữa những người đã lên chức bà nội, bà ngoại này sẽ chứng tỏ sự dẻo dai, sức mạnh thể chất khi đầm mình trong sóng nước, dưới chân là những tầng đá badan, trước mặt sương mù ảm đạm. Một số du khách bản địa có vẻ sành điệu, trên tay còn cầm sẵn bát đũa sạch bởi vài tiếng nữa họ sẽ kéo về chiếc lưới đầy ắp tôm, ốc, bào ngư... tươi ngon.

Dù sự xuất hiện của những haenyo xung đột với văn hóa Nho giáo, vốn xem phụ nữ ở hàng thấp hơn, haenyo đã giữ một địa vị đặc biệt trong xã hội Hàn Quốc. Từng bị ngăn cản dưới thời phong kiến, với lý do không được phô bày cơ thể dưới nước, đến nay người ta vẫn nhắc đến “dấu ấn của các haenyo” vì họ đã đấu tranh thành công, trở thành trụ cột trong nhiều hộ gia đình, đạt được quyền tự chủ, độc lập kinh tế, đặc biệt mạnh mẽ trong những năm 1970.

Cho đến hôm nay những gì các haenyo mặc lên người vẫn chỉ là những thiết bị lặn cơ bản: bộ đồ lặn biển đen bóng, một lưới đánh cá có gắn phao trắng... Trong điều kiện khắc nghiệt và không hề có sự trợ giúp của các thiết bị thở, nhóm trưởng Song nói có những phụ nữ có thể lặn sâu kỷ lục tới 20m để thu lượm những thứ dưới đáy biển.

Nhóm trưởng Song đề nghị các haenyo kiểm tra lưới, mắt kính, chân nhái lặn biển... trước khi hô lên những hiệu lệnh theo tiếng địa phương để các haenyo nhanh chóng xuống biển theo cặp. Bóng những “người cá” đen láy dần mất dạng, chỉ còn những chiếc phao cao su trắng nhấp nhô trên mặt nước.

Phải buộc những vòng dây dọi quanh eo, ngực và lưng được cột vào phao để bảo đảm an toàn, nhưng họ vẫn phải chịu thêm sức nặng của dây dọi lên tới 7-10kg.

“Thợ lặn trẻ sử dụng tay và chân để lặn sâu xuống nhưng điều đó thật sự khó khăn cho những phụ nữ lớn tuổi” - nhóm trưởng Song, dù đã lặn hơn năm thập kỷ qua, vẫn phải quấn dây quanh mình. Bà là người cuối cùng xuống biển trong khi du khách trên bờ bắt đầu tính thời gian, trung bình cứ khoảng gần hai phút nhóm trưởng lại ngoi lên mặt nước để thở.

J1MiB6gM.jpgPhóng to

Du khách có thể thưởng thức hải sản tươi sống do các haenyo lặn bắt ngay trên bãi biển - Ảnh: Nga Linh

Ngành du lịch khai thác triệt để haenyo

Haenyo đang dần mất đi

Theo số liệu của Tổng cục Du lịch Hàn Quốc, vào những năm 1960 có khoảng 30.000 haenyo lặn hằng ngày tại đảo Jeju. Sau hơn bốn thập niên, con số còn khoảng vài nghìn người, 2/3 trong đó đã trên 60 tuổi.

“Haenyo đang ngày càng già đi và không có thế hệ kế cận do phụ nữ trẻ phần đông muốn lên thành phố hoặc muốn làm một công việc bình thường - tờ Korean Times nhận định - Tương lai câu chuyện về các haenyo sẽ chỉ còn trên sách báo, phim ảnh...”.

Không mấy xa lạ với công việc mò cua bắt ốc hay ngụp lặn bắt hải sản, nhưng đối với khách du lịch châu Á, tính chuyên nghiệp và cách sử dụng hình ảnh haenyo để làm đẹp cho Jeju mới là điều đáng học hỏi.

Tràn ngập ở Jeju là những món đồ lưu niệm, bánh kẹo, băng đĩa... hình haenyo. Những hải nữ luôn tỏ ra rất dễ thương và chuyên nghiệp khi giao lưu với du khách. Nhóm trưởng Song Geoung Ja vui vẻ chụp hình kỷ niệm, hễ có câu hỏi lại cầm micro trả lời nhiệt tình, du khách say sưa nghe và gật gù...

Cũng giống như mẹ và bà ngoại, từ 7-8 tuổi bà Song đã phải trải qua quá trình luyện thở khắc nghiệt để kéo dài thời gian lặn dưới biển, học cách nhận biết dòng nước xoáy, tránh sự tấn công của cá mập, sứa cũng như lặn biển theo nhóm... Một tháng nhóm của bà lặn 18 ngày, nghỉ 12 ngày, mỗi ngày lặn kéo dài bốn giờ.

“Trừ bão, bất chấp giá rét chúng tôi cũng không bỏ việc” - bà Song nói. “Hay mưu sinh, bất đắc dĩ phải thế?”. “Không hẳn, với chúng tôi công việc này trở thành một nét truyền thống rồi, đó là việc mà đàn ông không được phép bước chân vào nên không bỏ được!” - hải nữ Kim Chum Ja, 58 tuổi - tiếp lời.

Tưởng sự nhiệt tình này kéo theo thu nhập lớn hay những hỗ trợ đặc biệt của chính phủ, song trên thực tế, theo bà Song, các haenyo không được trả lương hay bảo hiểm, và chỉ lập ra những hiệp hội nhỏ lẻ để hoạt động, bảo vệ lẫn nhau. Cuộc mưu sinh của các haenyo càng trở nên lạ lùng, hấp dẫn hơn qua cách kể ly kỳ của hướng dẫn viên bản địa... Như bí quyết sức khỏe của các haenyo được lý giải do họ chăm chỉ cầu nguyện thượng đế vào lúc tia nắng đầu tiên xuất hiện trên đỉnh Seongsan Ilchulbong - đỉnh Bình Minh.

NGA LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên