TTO - Từ rất xa xưa, con người tin dưới đại dương sâu thẳm có sinh vật nửa người nửa cá, gọi là người cá hay mỹ nhân ngư (mermaid).

Theo mô tả, người cá là nữ giới, rất xinh đẹp và có giọng hát du dương hút hồn người.

Sinh vật không chỉ trong truyền thuyết?

Nhiều dân tộc thời xưa ở các châu lục xa cách nhau đều thờ phụng các vị thần nửa người nửa cá, trong truyền thuyết của họ luôn đề cập đến một vị thần có hình dạng như thế xuất hiện từ biển sâu.

Cho đến ngày nay, vài đạo giáo trong đó có Ấn giáo và Candomble (một đạo có gốc gác Brazil-Phi châu) vẫn thờ cúng các vị thần nửa người, nửa cá.

Người cá xuất hiện trong nhiều giai thoại dân gian ở khắp các châu lục từ Âu sang Á và cả châu Phi. Nhà thơ nổi tiếng thời Hi Lạp cổ đại Homer cũng đề cập đến người cá trong quyển sử thi Odyssey của ông.

Thổ dân thời xưa ở Úc cũng có những giai thoại về người cá, mà họ gọi là yawkyawk, cái tên này xuất phát từ giọng hát mê hồn của người cá.

Tranh và tượng cổ mô tả người cá

Một phát hiện rất đáng chú là các nhà khảo cổ đã tìm thấy ở Ai Cập những hình vẽ của người tiền sử trong các hang động thuộc thời Đồ Đá (Paleolithic, cách nay 30.000 năm), mô tả những nhân vật có cái đuôi của loài cá, các hoạt động săn bắt cá dưới nước của giống người này.

Cạnh đó có cả những hình vẽ về cuộc chiến của con người đi hai chân với giống người có đuôi cá để tranh giành khu vực đánh bắt.

Trong lịch sử hàng hải của nhân loại, đã có rất nhiều ghi nhận về những vụ nhìn thấy người cá trên biển. Giới thủy thủ cho rằng nhìn thấy người cá sẽ mang đến vận rủi và có thể bị chết đuối vì bị giọng hát và sắc đẹp của người cá quyến rũ họ lao xuống biển và chết đuối.

Người cá có thật không? - Ảnh 2.

Nhà thám hiểm Colombus đã nhìn thấy người cá trong chuyến hải hành tìm châu Mỹ - Ảnh: Wikipedia

Ngay cả cướp biển cũng rất sợ gặp người cá. Thậm chí, gã hải tặc khét tiếng hồi thế kỷ 18 là Blackbeard (1680-1718), vốn là kẻ cực kỳ gan dạ, cũng đã phải nhiều lần thay đổi hải trình để tránh xa những vùng biển được cho là người cá hay xuất hiện.

Nhà thám hiểm Chistopher Columbus, người được cho là đã tìm ra châu Mỹ vào năm 1492, cũng kể lại là ông đã nhìn thấy ba người cá nữ ở vùng biển Caribbean trong chuyến hải hành đến châu Mỹ.

Ở Scotland, năm 1830, ở một ngôi làng gần biển, một cậu bé đã dùng đá ném chết một người cá có hình dạng nhỏ bé như một đứa trẻ 3 tuổi có cái đuôi cá. Dân làng đã làm đám tang cho người cá này và chôn cất rất chu đáo.

Năm 1840, ông chủ gánh xiếc nổi tiếng P.T Barnum, trong những chuyến lưu diễn khăp nước Mỹ, đã trưng bày một xác ướp người cá bắt được ở vùng biển Fiji.

Cái xác ướp khô quắt này đã gây xôn xao dư luận thời đó. Ông Barnum thu được khá tiền vì rất đông khách vào xem và mỗi người phải trả 50 cent để được nhìn thấy cái xác ướp.

Dù rằng đến nay khoa học không tìm thấy bằng chứng cụ thể nào về người cá, nhưng cho đến tận giờ vẫn có nhiều người báo cáo rằng họ đã nhìn thấy giống người bí ẩn này.

Một bản mô tả về bàn tay người cá của một bác sĩ người Ý ở thế kỷ 16 (ảnh phải) - Ảnh: Wikipedia

Trong các năm 1870, 1890 và mới nhất là vào 1967, ở Canada, người ta đã nhìn thấy người cá xuất hiện ở vùng biển gần Vancouver và Victoria.

Vào các năm 1990 và 1991, một vài tờ báo của Singapore và Trung Quốc đưa tin về việc người ta đã phát hiện ra một ngôi mộ cổ chôn xác người cá ở Sochi (Nga) và một bộ xương người cá hóa thạch 1.200 năm tuổi ở Nam Tư.

Tại Nhật, một ngôi đền ở Fukuoka được cho là còn lưu cất những mẫu xương của xác một người cá bị sóng đánh dạt vào bãi biển gần đó vào năm 1222. Suốt 800 năm nay, có rất nhiều khách thập phương đến đền để xem những mẫu xương còn sót lại của người cá.

Người cá bị che giấu?

Cuộc chiến giành ngư trường giữa người cá và loài người được khắc trên vách đá (phải) và hình ảnh được cho là người cá xuất hiện ở Kiryat Yam - Ảnh: Beyondsciencetv.com, Youtube

Gần đây, có những vụ việc gây xôn xao dư luận khắp thế giới, như vụ người cá xuất hiện ở bãi biển thị trấn Kiryat Yam, Israel vào tháng 8-2009. Vào mỗi độ chiều tà, cư dân ở đây thường thấy một người cá nữ phóng rất cao khỏi mặt nước, làm những cú nhào lộn trên không rất đẹp trước khi lặn trở xuống biển.

Một cư dân địa phương là anh Shlomo Cohen cho biết trong khi đang đi dạo cùng các bạn trên bãi biển, họ thấy một người phụ nữ đang nằm trên một tảng đá. Thoạt đầu, Cohen và các bạn cho đây là một người tắm biển đang nằm phơi nắng.

Khi họ đến gần, người phụ nữ nọ liền phóng ngay xuống nước và lặn mất tăm, họ rất bàng hoàng khi nhìn thấy người phụ nữ này có cái… đuôi cá.

Thông tin trên khiến rất nhiều du khách trong và ngoài nước đổ xô về thị trấn nhỏ này. Đã có hai du khách người Mỹ quay được đoạn video về một sinh vật có cái đuôi cá nằm trên tảng đá, nó phóng nhanh xuống nước khi thấy bóng người.

Đoạn video này được đăng lên YouTube và đã thu hút hàng triệu lượt xem. Chính quyền địa phương đã treo thưởng 1 triệu USD cho người nào đưa ra được những bằng chứng không thể phủ nhận về sự tồn tại của người cá.

Vào tháng 2-2012, các công nhân đang làm việc ở hồ trữ nước ngọt lớn gần Gokwe và Mutare ở Zimbabwe, châu Phi, nhìn thấy người cá xuất hiện trên mặt hồ. Người quản lý hồ đã báo cáo sự việc này lên cấp trên.

Những thước phim về người cá khiến dư luận xôn xao - Video: Animal Planet, YouTube 

Nhưng gây xôn xao dư luận nhất là khi hai kênh truyền hình khoa học Animal Planet và Discovery phát sóng tập 1 của bộ phim tư liệu về người cá, với tựa đề là "Mermaid: The Body Found" (Người cá: Đã tìm thấy xác). Tập phim được hai kênh nói trên phát sóng vào vào các ngày 27-5-2012 và 17-6-2012.

Nội dung tập phim là về cuộc điều tra của một số nhà khoa học để tìm hiểu xem người cá có thật không và lập luận về sự hiện hữu của người cá dựa trên thuyết tiến hóa "Khỉ nước" (Aquatic Ape Theory) của nhà khoa học người Anh Sir Alister Hardy (1896-1985) và giả thuyết tổ tiên loài người có nguồn gốc từ động vật dưới nước của Max Westenhofer (1871-1957).

Trong phim cũng đưa ra một số bằng chứng khá thuyết phục về sự tồn tại của người cá như các đoạn lao bằng xương kỳ lạ còn dính vào thân các con cá lớn do các ngư dân đánh cá biển khơi bắt được, cũng như cảnh người cá bị vướng vào lưới đánh cá.

Đến ngày 26-5-2013, kênh Animal Planet lại làm dư luận xôn xao khi phát sóng tiếp phần 2 của bộ phim tư liệu về người cá, có tựa đề là "Mermaid: The New Evidents" (Người cá: Những bằng chứng mới).

Nội dung phim có đoạn video quay vào tháng 3-2013 do các nhà địa chất Đan Mạch dùng tàu ngầm nhỏ lặn khảo sát đáy biển Greenland ở độ sâu 600 mét. Họ đã thu được hình ảnh một bàn tay năm ngón nhưng có màng giữa các ngón, đập mạnh vào ô cửa kính của chiếc tàu ngầm.

Một đoạn video khác, ghi ngày 16-6-2006, của các chuyên viên người Nga thu được khi họ dùng thiết bị lặn điều khiển từ xa ở độ sâu 526m cho thấy một đàn cá bơi trước camera của máy lặn. Bất thình lình, có một ngọn lao từ đâu phóng đến ghim sâu vào thân một con cá trong bầy.

Hai tập phim này đã thu hút 32 triệu lượt người xem ở Mỹ và hàng triệu người khác ở Anh. Đây là loạt phim có đông người xem nhất của từ trước đến nay của kênh Animal Planet.

Thậm chí sau khi xem phim, rất đông khán giả đã gọi điện đến Cơ quan Quản trị Khí quyển và Đại dương Quốc gia Hoa Kỳ (NOAA) để chất vấn. Họ cho rằng NOAA đã che giấu sự thật về người cá (tương tự như kiểu công chúng Mỹ hồ nghi rằng rằng Bộ Quốc phòng nước này che giấu sự thật về sự hiện hữu của dĩa bay và người ngoài hành tinh).

Trước phản ứng của công chúng, NOAA đã phải ra thông báo rằng cho đến nay cơ quan này vẫn chưa tìm thấy bằng chứng gì về sự tồn tại của người cá.

Vậy, sự thật là như thế nào? Và người cá có thật không hay chỉ là huyền thoại? Mời bạn đọc đón xem bài viết kỳ tới: Khoa học nói gì về người cá?

Người cá đã đi vào lịch sử nhân loại với những truyền thuyết, thơ, truyện, những tác phẩm nghệ thuật... Chỉ tính riêng về tượng đài, hiện đã có đến 130 bức tượng nổi tiếng về người cá ở các quốc gia trên khắp thế giới.

Một số tượng đã trở thành biểu tượng đại diện cho địa phương hoặc đất nước nơi có bức tượng đó và thu hút rất nhiều khách tham quan đến từ khắp nơi trên thế giới. Nổi tiếng nhất là tượng Tiểu Nhân Ngư (The Little Mermaid) ở vịnh biển thành phố Copenhagen của Đan Mạch.

ĐỒNG LỘC
Live Science, Discovery, NOAA
17/10/2018
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên