Người buôn gánh bán bưng vỉa hè có vay nợ cũng đã được ngân hàng đưa vào diện hỗ trợ - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Đã có NH giảm lãi cho người buôn gánh bán bưng như bán vé số, chạy xe ôm, bán quán nước, quán ăn...
Dồn dập công bố
Ngày 3-4, NH Kiên Long công bố giảm đến 25% tổng số tiền lãi phải thanh toán cho hơn 85.000 khách hàng đang vay vốn trả góp theo ngày tại NH trong thời gian từ 3-4 đến 30-6.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Trần Tuấn Anh - tổng giám đốc NH Kiên Long - cho biết đa số khách hàng vay vốn trả góp ngày là những người có thu nhập thấp như bán vé số, chạy xe ôm, bán quán nước, bán quán ăn hoặc buôn bán nhỏ lẻ… Số tiền vay phổ biến 3 triệu, 5 triệu, cao nhất cũng chỉ hơn 10 triệu đồng.
"Trong lúc cách ly xã hội, đóng cửa kinh doanh hàng loạt, không có cơ hội làm ăn, họ là đối tượng gặp khó khăn nhất và cần sự giúp đỡ. Mặt khác, hầu hết người vay trả góp theo dạng này sống tại các tỉnh miền Tây - địa phương đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi hạn mặn... Do vậy NH quyết định giảm lãi suất, chứ không triển khai gói cho vay mới", bà Tuấn Anh nói.
Hàng loạt NH khác cũng công bố giảm lãi vay. NH Bản Việt công bố giảm lãi vay lên đến 2,5%/năm cho các doanh nghiệp (DN) có hoạt động kinh doanh trong các ngành bị ảnh hưởng nặng bởi dịch COVID-19 và doanh thu chính từ hoạt động kinh doanh sụt giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước.
Trước đó, Vietcombank công bố giảm lãi suất với mức 2 - 2,5%/năm. Lãi suất cho vay sau khi giảm sẽ từ 4,5 - 5%/năm, thấp hơn so với lãi suất huy động. VietinBank giảm lãi suất cho vay từ 2 - 2,5%/năm, trước hết đối với các lĩnh vực thiết yếu. SHB giảm lãi suất cho các khoản vay cũ, lãi suất ưu đãi tối thiểu 2% cho các khách hàng hiện hữu gặp khó khăn bởi dịch…
Ông Nguyễn Quốc Hùng - vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NH Nhà nước - Ảnh: LÊ THANH
Khoản vay mà bị ảnh hưởng do dịch bệnh thì NH bắt buộc phải giảm lãi suất, giữ nguyên nhóm nợ, cơ cấu lại thời hạn trả nợ. Cố tình gây khó khăn cho doanh nghiệp, thực hiện không đúng quy định, NH Nhà nước sẽ yêu cầu kỷ luật.
Ông Nguyễn Quốc Hùng
Doanh nghiệp kêu, ngân hàng cũng gặp khó
Tuy nhiên, trên thực tế vẫn có DN kêu khó được giảm lãi suất, cơ cấu nợ. Tổng giám đốc một DN có trụ sở tại Q.1, TP.HCM cho biết đã liên tục liên hệ với NH nhưng được trả lời là "do trước đó đã được vay lãi suất ưu đãi 7%/năm nên không thể giảm thêm". Đề nghị kéo dài thời hạn khoản vay từ 9 tháng lên 12 tháng do dự báo trong tháng 4 và tháng 5 sẽ rất khó xoay xở dòng tiền trả nợ, nhưng NH chỉ nói rằng sẽ xem xét.
"NH quy định phải thuộc ngành bị ảnh hưởng trực tiếp, có làm ăn, xuất khẩu vào Trung Quốc. Tuy nhiên, hiện nay kinh doanh đình trệ nên NH cần đánh giá dựa trên doanh thu để có biện pháp hỗ trợ DN vì giảm 50% doanh thu là rất nghiêm trọng", DN này kiến nghị.
Trên thực tế, dù công bố giảm lãi suất cho vay nhưng không có nghĩa DN nào cũng được giảm, mà NH sẽ cân nhắc dựa trên các tiêu chí riêng.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, tổng giám đốc một NH cổ phần thừa nhận cái khó của NH khi cơ cấu nợ là không được tính lãi dự thu. Chi phí lương nhân viên, thuê hội sở, huy động vốn… vẫn phải chi trong khi lãi không được tính, nên nếu cơ cấu nợ đại trà NH khó tránh khỏi nguy cơ bị lỗ. Do vậy, ngay NH cũng chọn giải pháp tiết giảm chi phí để giảm lãi suất cho khách hàng, trong đó có giảm lương nhân viên.
Theo thông tin Tuổi Trẻ có được, một NH cổ phần có trụ sở trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (Q.1) đã thông báo nhân viên lương trên 10 triệu đồng đều bị giảm thấp nhất là 10% lương, lãnh đạo có lương trên 80 triệu đồng/tháng bị giảm 25%.
Một NH khác có trụ sở tại Q.3 ra thông báo thực hiện chế độ nghỉ không lương hoặc làm việc tại nhà luân phiên (chỉ được tính bằng 50% lương). Một NH lớn khác thì chỉ bố trí tối đa 50% nhân sự làm việc tại NH, 50% còn lại hưởng chế độ phép hoặc hưởng lương cơ bản.
Giám đốc vùng một NH cổ phần có trụ sở tại Hà Nội cho biết không phải DN nào kêu cũng được giảm lãi, cơ cấu nợ, mà NH sẽ xét theo từng trường hợp cụ thể. Khách hàng phải kinh doanh trong các ngành bị ảnh hưởng bởi dịch, trước đó không có nợ xấu, khoản vay của DN chưa được ưu đãi lãi suất. Nếu đã ưu đãi lãi suất thì NH sẽ không xét giảm nữa. Về cơ cấu, NH sẽ chỉ cơ cấu gốc cho DN trong thời gian 3-6 tháng, chứ không cơ cấu lãi vì ảnh hưởng đến lãi dự thu.
Nhiều ngân hàng tiếp tục hạ lãi suất huy động. Trong ảnh: Khách hàng giao dịch tại một chi nhánh ngân hàng tại TP.HCM - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Khoảng 100.000 tỉ đồng đã được giải ngân
Về lo lắng của DN nếu không được cơ cấu, kéo dài thời gian trả nợ thì khoản vay cũ sẽ bị chuyển nhóm nợ xấu và không thể vay được vốn NH, ông Nguyễn Quốc Hùng (vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế - NH Nhà nước) khẳng định không có khoản vay nào của DN bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 mà bị chuyển thành nợ xấu.
"Các NH đã có hướng dẫn và đang triển khai nhưng NH phải làm việc với từng DN. Từng khoản nợ cụ thể sẽ được đánh giá lại. Theo chỉ đạo của NH Nhà nước, khoản vay mà bị ảnh hưởng do dịch bệnh thì NH bắt buộc phải giảm lãi suất, giữ nguyên nhóm nợ, cơ cấu lại thời hạn trả nợ. Trường hợp nào cố tình gây khó khăn cho DN, thực hiện không đúng quy định thì NH Nhà nước sẽ yêu cầu NH kỷ luật nhân viên vi phạm" - ông Hùng nói.
Trước thông tin nhiều DN lo phá sản do không thể tiếp cận vốn NH, ông Hùng phản hồi NH sẵn sàng cho vay với những dự án khả thi, có khả năng trả nợ gốc và lãi. Nếu khách hàng có hợp đồng mới mà chứng minh được nguồn nguyên vật liệu đầu vào và thị trường tiêu thụ hiệu quả thì không NH nào từ chối cho vay. Hiện các NH không thiếu vốn. Khoảng 100.000 tỉ đồng đã được các NH giải ngân nhằm hỗ trợ các DN bị ảnh hưởng bởi COVID-19.
Lợi nhuận ngân hàng giảm
Ông Nghiêm Xuân Thành, chủ tịch Vietcombank, cho biết tổng dư nợ của các khách hàng gặp khó khăn tạm thời do bị ảnh hưởng bởi COVID-19 được giữ nguyên nhóm nợ từ đầu năm đến nay là trên 8.200 tỉ đồng. NH sẽ kéo dài việc giảm lãi suất 1 - 1,5%/năm đối với dư nợ hiện hữu đến hết tháng 9, thay vì đến tháng 4 như công bố trước đây. Ước tính với chính sách này khiến giảm lợi nhuận 300 tỉ đồng.
Ông Lê Đức Thọ, chủ tịch VietinBank, cho hay trong 2 tháng qua đã giải ngân khoảng 60.000 tỉ đồng cho gần 3.000 khách hàng với lãi suất giảm 0,5 - 1,5%/năm. Ngoài ra, NH cũng đã cơ cấu và xử lý nhóm nợ cho hơn 350 khách hàng với dư nợ gần 18.000 tỉ đồng…
1,8 - 2 triệu tỉ đồng
Đó là dư nợ bị ảnh hưởng bởi COVID-19 khiến khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn.
Nguồn: NHNN
Thêm nhiều hiệp hội đề xuất hỗ trợ tín dụng
Dịch bệnh diễn biến phức tạp, đến nay chưa biết điểm dừng. Ông Nguyễn Quốc Hùng cho hay DN vô cùng khó khăn. Ngày 3-4, NHNN tiếp tục nhận được đề xuất hỗ trợ tín dụng của một loạt hiệp hội ngành hàng như dệt may, da giày, thủy sản.
NHNN chưa đề xuất Chính phủ gói tín dụng như cấp bù lãi suất được áp dụng năm 2009 nhưng theo quan điểm cá nhân, ông Hùng cho rằng Chính phủ cũng nên có gói tín dụng để hỗ trợ DN.
Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu khuyến nghị Chính phủ có thể huy động thêm tiền để cứu DN. Còn như hiện nay, gói tín dụng khoảng 250.000 tỉ đồng do các NH cam kết hỗ trợ khách vay là chưa đủ vì khả năng của NH và DN đều có giới hạn.
"NH muốn hỗ trợ DN nhưng họ không thể cho vay thêm đối với DN, cá nhân vay vốn đang dần bị mất khả năng trả nợ. Chưa kể DN cũng không dám vay khi dịch bệnh chưa biết bao giờ kết thúc", ông Hiếu nói.
Ngân hàng giảm thêm lãi suất huy động
Nhiều ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất (LS) huy động trước sức ép phải giảm LS cho vay khi tín dụng tăng quá thấp. ACB công bố áp dụng LS huy động mới từ ngày 6-4 với mức giảm 0,1-0,2%/năm. Ngân hàng Bản Việt cũng chỉnh giảm LS huy động từ 0,2 - 0,6%/năm ở một số kỳ hạn.
Techcombank từ ngày 3-4 đã giảm LS huy động kỳ hạn 1 - 5 tháng dao động 4 - 4,5%/năm, tùy theo số tiền gửi và số tuổi của người gửi tiền. Kỳ hạn 6 tháng có mức LS 5,7 - 6,3%/năm, còn kỳ hạn 12 tháng LS 5,8 - 6,4%/năm.
Eximbank cũng giảm LS từ ngày 2-4, theo đó LS kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 5 tháng dao động 4,7-4,75%/năm, kỳ hạn 6 tháng LS ở mức 5,6%/năm.
Các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên có LS cao hơn, tuy nhiên mức LS cao nhất là 7,5-7,6%/năm. Muốn LS cao hơn, ngân hàng đòi hỏi phải gửi với mức vài trăm tỉ đồng.
Theo các ngân hàng, nhu cầu vốn huy động giảm. Mặt khác, Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu các ngân hàng tái cơ cấu nợ, giảm LS cho vay cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng do dịch COVID-19, nên các ngân hàng buộc phải giảm thêm LS huy động để giảm chi phí đầu vào.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận