Chuyến tham quan Bảo tàng TP.HCM của tiến sĩ Đoàn Thành Lộc sáng 26-12 - Ảnh: NVCC
Theo chia sẻ của tiến sĩ Đoàn Thành Lộc, sáng 26-12, anh và một số bạn trẻ đến Bảo tàng TP.HCM (65 Lý Tự Trọng, Q.1) để tìm hiểu các hiện vật lịch sử, văn hóa được trưng bày tại đây.
Thế nhưng, khi mua vé tham quan, một thành viên trong nhóm (đi một mình) bị nhân viên yêu cầu mua thêm vé chụp hình vì cho rằng người này đang mặc áo dài, tức là có đầu tư trang phục.
Nhân viên bán vé lập luận: "Người bình thường không ai mặc áo dài đi chơi. Có đầu tư về mặt trang phục là sẽ có chụp ảnh nên phải mua vé theo giá có chụp ảnh".
Chia sẻ với báo Tuổi Trẻ, tiến sĩ Đoàn Thành Lộc nói: "Cá nhân tôi hoàn toàn hiểu rằng bảo tàng có chính sách vé riêng dành cho khách tham quan bình thường và khách có nhu cầu chụp ảnh chuyên nghiệp.
Xét thấy nhóm tôi là những người khách tham quan bình thường, tôi đã yêu cầu cô ấy bán vé loại thường cho mỗi người trong nhóm. Tôi đề xuất cô có thể theo dõi hoạt động của mọi người qua camera bảo tàng. Tuy nhiên, cô ấy nhất quyết cho rằng nhóm sẽ lén lút chụp ảnh chuyên nghiệp.
Sau khi chúng tôi cương quyết mua vé loại thường và được giải quyết, phía bảo tàng đã cử người đi theo xuyên suốt chuyến tham quan để ghi hình. Cuối buổi, họ bắt chúng tôi đứng hàng ngang để chụp hình làm bằng chứng cứ như chúng tôi là tội phạm".
Thư tiến sĩ Đoàn Thành Lộc gửi giám đốc Bảo tàng TP.HCM - Ảnh: NVCC
Tiến sĩ Lộc cho biết vì muốn truyền tình yêu văn hóa cho người trẻ, anh luôn khuyến khích các bạn mặc áo dài ngũ thân để vinh danh và tiếp nối giá trị văn hóa cha ông. Tuy nhiên, vụ việc đã khiến nhiều người trẻ cảm thấy như mình có lỗi khi mặc cổ phục.
Ngay ngày 26-12, tiến sĩ Đoàn Thành Lộc đã gửi thư tường trình vấn đề đến giám đốc Bảo tàng TP.HCM để phản ánh sự vụ.
Tuy nhiên đến nay anh vẫn chưa nhận được phản hồi.
Những bạn trẻ tham gia trong chuyến tham quan của Đại Nam Hội Quán đều là những người yêu trang phục truyền thống Việt Nam - Ảnh: NVCC
Không chỉ riêng nhóm của tiến sĩ Đoàn Thành Lộc gặp tình trạng này. Trước đó, vào ngày 19-12, Đại Nam Hội Quán, một nhóm bạn trẻ yêu thích tìm hiểu văn hóa, cũng gặp chuyện tương tự. "Hiện nay, nhiều tỉnh thành tại Việt Nam khuyến khích người dân tham gia các sự kiện, hay tại Huế bận áo dài còn được giảm giá vé thì tại Bảo tàng TP.HCM lại xảy ra những vấn đề không mong muốn như vầy.
Hy vọng bảo tàng sẽ có những động thái tốt hơn nhằm tạo điều kiện cho các cá nhân tiếp xúc với các hiện vật văn hóa, tạo điều kiện để khách tham quan mặc áo dài cũng được đối xử công bằng như những người khác, chứ chúng tôi không cần bất cứ sự biệt đãi nào. Hãy để áo dài trở thành một trang phục đời thường" - đại diện nhóm chia sẻ.
Trong lúc mức giá dành cho các đoàn đám cưới chụp hình tại Bảo tàng TP.HCM là 400.000 đồng thì 12 thành viên Đại Nam Hội Quán phải mua vé nhóm với mức giá 1.000.000 đồng chỉ để vào cửa tham quan.
Khi phóng viên báo Tuổi Trẻ gọi đến xác minh, nhân viên bán vé trực tại Bảo tàng TP.HCM lại cho biết: "Bảo tàng không thu phí khi khách tham quan mặc áo dài. Khách mặc trang phục nào cũng chỉ cần mua theo giá vé niêm yết trên bảng. Giá vé tham quan của Bảo tàng TP.HCM là 30.000 đồng/người. Nếu chụp ảnh lưu niệm sẽ mua thêm vé 20.000 đồng/người".
Thế nhưng, lời giải đáp này vẫn chưa thỏa đáng. Trần Nguyên Tú (29 tuổi) cho biết anh thường xuyên mặc áo dài đi uống trà với bạn bè, đi dự tiệc, đám cưới… Là một người yêu tà áo dài truyền thống, anh đã rất bức xúc khi bị tính phí chụp ảnh 300.000 đồng khi vào Bảo tàng TP.HCM tham quan cách đây một năm dù anh chỉ đi một mình, không mang theo máy ảnh chuyên nghiệp. Chính Tú cũng đã từng nghe nhân viên bán vé nhắc đi nhắc lại: "Người bình thường không ai mặc áo dài ra đường".
Nguyên Tú cũng cho rằng lẽ ra bảo tàng phải là nơi cổ vũ, khuyến khích cho khách mặc trang phục truyền thống vì đây là không gian kết nối giá trị văn hóa.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận