Thi thể của ông Khin Maung Latt được trao trả cho gia đình chưa đầy 1 ngày sau khi ông bị bắt - Ảnh: REUTERS
Hãng tin Reuters của Anh đã có được những bức ảnh thi thể của ông Khin Maung Latt. Hình ảnh, được cho là chụp lúc ông này đã chết, cho thấy có một miếng vải lớn đầy máu quấn quanh đầu ông. Cảnh sát Myanmar không nói rõ nguyên nhân tử vong và từ chối bình luận.
Ông Sithu Maung, nghị sĩ thuộc NLD, xác nhận trên Facebook ông Khin Maung Latt là trợ lý của mình và bị bắt trong cuộc bố ráp của cảnh sát Myanmar nửa đêm 7-3 tại Yangon. Hàng loạt vụ bắt bớ đã được tiến hành ngay trong đêm 6-3, rạng sáng 7-3 ở Yangon. Người dân kể họ nghe thấy tiếng súng nổ tại nhiều địa điểm và không rõ lý do bắt người của cảnh sát.
"Họ đòi dẫn cha và anh tôi đi. Sao không ai giúp chúng tôi vậy? Các người không được đụng vào họ. Muốn bắt thì bắt hết cả nhà tôi này", một phụ nữ hét lên khi cảnh sát xông vào bắt giữ người nhà mình giữa khuya.
Bất chấp các vụ bắt bớ lúc nửa đêm, ít nhất 3 cuộc biểu tình với hàng chục ngàn người tham gia đã bùng phát ở Yangon từ sáng 7-3. Cũng giống như các cuộc biểu tình nhỏ hơn ở những nơi khác, người biểu tình tại Yangon đối mặt với các biện pháp mạnh tay của cảnh sát.
Hiệp hội Hỗ trợ tù nhân chính trị (AAPP) cho biết nhiều người khi bị bắt đã bị đánh, đấm đến hộc máu trên đường. Các video đăng trên trang tin Myanmar Now cho thấy cảnh lực lượng an ninh đánh đập những người bị bắt ngày 7-3.
"Họ đang giết người như giết con chim, con gà vậy", một thủ lĩnh biểu tình ở thành phố Dawei, phía nam Myanmar mô tả. "Chúng tôi phải làm gì nếu không nổi dậy chống lại họ? Chúng tôi phải nổi dậy đấu tranh", ông này tỏ ra cương quyết.
Người biểu tình dựng rào chắn chống đỡ cảnh sát ngày 7-3 - Ảnh: REUTERS
Tờ Global New Light Of Myanmar thân chính quyền quân sự Myanmar giải thích các vụ bắt bớ là một phần trong nỗ lực xử lý người biểu tình theo quy định của pháp luật. Tờ này tiếp tục bảo vệ hành động của cảnh sát, cho rằng lựu đạn gây choáng phải được sử dụng để giải tán đám đông bạo loạn cản trở đi lại.
Hãng tin Reuters dẫn thống kê không chính thức của một nhóm nhân quyền Myanmar cho biết tính đến ngày 6-3 đã có hơn 1.700 người bị bắt giữ, chưa bao gồm số người bị bắt rạng sáng 7-3. Phong trào biểu tình phản đối đảo chính quân sự ngày 1-2 đã bùng nổ mạnh mẽ hơn sau khi cảnh sát xả súng vào đám đông.
Các vụ "đàn áp" - theo cách gọi của truyền thông phương Tây - đã tạo ra sự phẫn nộ trên khắp thế giới. Mỹ và một số nước phương Tây đã áp đặt các biện pháp trừng phạt nhắm vào tướng lĩnh Myanmar.
Tuy nhiên, theo ông Thomas Andrews - báo cáo viên của Liên Hiệp Quốc về tình hình Myanmar, các lệnh trừng phạt này không có tác dụng gì. Vị này kế đó kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc áp lệnh cấm vận vũ khí để chấm dứt bạo lực.
Phản ứng trước các vụ bắt bớ và sử dụng vũ lực của cảnh sát, một liên minh các công đoàn Myanmar đã kêu gọi "tổng đình công" toàn quốc kể từ ngày 8-3. Lời kêu gọi có đoạn nhấn mạnh động thái này sẽ khiến nền kinh tế Myanmar "bị đóng cửa hoàn toàn, kéo dài" và sẽ làm thất bại cuộc đảo chính của quân đội.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận