20/10/2020 14:05 GMT+7

Người bị vùi ở Rào Trăng 3: 'Bùn phủ kín người, lúc đó tôi cứ nghĩ chết rồi'

PHƯỚC TUẦN
PHƯỚC TUẦN

TTO - Anh Nguyễn Văn Thoàng (quê Quảng Trị) bị bùn đất ngập lút người trong đêm sạt lở kinh hoàng ở Rào Trăng 3. Dù cố gắng vẫy vùng nhưng anh vẫn không ra được cho đến khi dòng nước lũ cuốn lớp đất trên mặt...

Người bị vùi ở Rào Trăng 3: Bùn phủ kín người, lúc đó tôi cứ nghĩ chết rồi - Ảnh 1.

Hiện trường vụ sạt lở Rào Trăng 3 - Ảnh: NHẬT LINH

Sáng 20-10, bác sĩ Phan Lê Minh Tuấn - giám đốc Bệnh viện đa khoa Bình Điền, thị xã Hương Trà, Thừa Thiên Huế - cho biết sau 5 ngày điều trị, bốn anh em đồng bào Vân Kiều gặp nạn trong vụ sạt lở thủy điện Rào Trăng 3 đã được xuất viện, về nhà tại huyện Đrakông, Quảng Trị.

Trước đó 1 công nhân ở Hà Tĩnh cũng được xuất viện về nhà.

Theo bác sĩ Tuấn, sức khỏe của bốn công nhân đã ổn định và mong muốn sớm về nhà nên bệnh viện cấp giấy xuất viện. Riêng anh Nguyễn Văn Triều (18 tuổi) vẫn còn đi lại bằng xe lăn do hai chân bị thương.

Anh ơi, cứu em với!

Trong những ngày ở Bệnh viện đa khoa Bình Điền, chúng tôi có dịp trò chuyện với bốn công nhân may mắn thoát nạn từ vụ sạt lở kinh hoàng thủy điện Rào Trăng 3 khiến 2 công nhân thiệt mạng, 15 người còn mất tích.

Họ là bốn anh em họ ở Quảng Trị cùng vào làm công nhân xây dựng tại thủy điện Rào Trăng 3 (xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, TT Huế) từ hơn một tháng nay.

Anh Nguyễn Văn Điều kể dù đã ổn định tâm lý nhưng lâu lâu vẫn ám ảnh cái đêm kinh hoàng ở Rào Trăng 3, nơi mà anh cùng 6 đồng nghiệp, trong đó có 4 anh em họ vật lộn với đất đá, trong đêm mưa tịch mịch giữa núi rừng để tìm đường sống.

Người bị vùi ở Rào Trăng 3: Bùn phủ kín người, lúc đó tôi cứ nghĩ chết rồi - Ảnh 2.

Nguyễn Văn Triều bị thương 2 chân do đất đá vùi lấp trong vụ sạt lở ở thủy điện Rào Trăng 3 - Ảnh: PHƯỚC TUẦN

Theo anh Điều, những ngày trước khu vực công trình thủy điện mưa to tầm tã, có nhiều vụ sạt lở đất nhỏ. Nhiều công nhân xin nghỉ về nhà nhưng đường 71 sạt lở không về được đành quay lại.

"Tối đó tôi thức để trực. Khi vừa lui sau lán buộc mái tôn thì bỗng nghe tiếng ầm từ trên núi, nước và bùn trên núi trượt xuống các lán. Trời tối, tôi chỉ kịp la lên rồi chạy. Phút chốc toàn bộ các lán và nhà điều hành bị vùi, đổ sập, lán tôi ngủ có 6 người chỉ vùi một phần.

Sau đó tôi chạy lại vào lán la lớn "mọi người ơi, Triều ơi, Thoàng ơi" thì nghe tiếng nói yếu ớt của Triều "anh ơi cứu em với". Người anh họ Nguyễn Văn Thoàng cũng nói vọng lại: "còn sống còn sống"", anh Điều kể.

Ngồi cạnh giường bệnh, anh Thoàng tiếp lời: "Đến giờ tụi tôi không tin mình còn sống. Kinh hoàng lắm".

Rồi Thoàng kể tiếp: "Lúc sạt lở, đất đá trôi ào ào theo nước vùi lấp nhà điều hành và các lán, mọi thứ trong lán đều đổ sập, đất, bùn vùi kín luôn người tôi. Kiểu như ngụp lặn dưới nước bùn, ngập cả đầu như bị chôn sống.

Tôi cố bật dậy nhưng không dậy nổi, cứ nghĩ chết rồi. Vẫy vùng một hồi thì may mắn dòng nước trên núi chảy cuốn phần đất bùn phía trên đầu, tôi ngoi người lên kêu cứu nhưng không thấy ai".

Sau khi vẫy vùng thoát khỏi bùn đất, anh Thoàng nghe giọng anh Điều và tiếng kêu cứu của Triều nhưng trời tối chỉ nghe chứ không thấy.

Dù chết cũng phải cứu em

Nguyễn Văn Triều bị đá, bùn và gỗ vùi lấp hai chân, hơn nửa đầu gối.

"May mắn lúc đó còn chiếc đèn pin điện thoại. Tôi và Điều cùng đứa em trai cố gắng kéo Triều nhưng không được. Lúc đầu dùng tay bới đất, sau dùng que sắt nhưng tuyệt vọng. Mọi thứ lúc đó hoang tàn, đêm tối thui.

Có thời điểm bất lực, mưa lớn, núi vẫn còn nguy cơ sạt. Nhưng dù có chết anh em chúng tôi cũng không thể bỏ Triều. May mắn, mọi người thấy cái xà beng gần đó nên dùng xà beng cạy đất đá, cứu được Triều ra khỏi đống đất đá đổ nát", anh Thoàng kể lại hai tiếng chạy đua cứu Triều.

Anh Điều nói: "Lúc đó chỉ kịp nghĩ dù có chết cũng phải cứu em. Tưởng cứu được Triều là suôn sẻ nhưng Triều hai chân bị thương rất nặng, đoạn đường thoát ra khỏi hiện trường bùn ngập đến đầu gối.

Sau đó ba anh em cùng cõng Triều đi lên rừng, tôi cõng hay chân, hai anh họ cõng hai vai. Do ai cũng bị thương nên không thể đi về Rào Trăng 4 được. Chúng tôi nghỉ ở rừng thêm một đêm, sau đó cả nhóm 7 người may mắn thoát khỏi khu vực sạt lở đi ghe về Rào Trăng 4".

Theo anh Điều, vụ sạt lở vùi lấp nhà điều hành và 3 lán trại, những lán trại khác ở cách điểm sạt lở cả vài trăm mét. Đêm kinh hoàng đó, khu vực sạt lở chỉ còn 7 người các anh sống.

Sau khi về Rào Trăng 4 nghỉ 2 ngày, nhóm được lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn đưa về Bệnh viện đa khoa Bình Điền bằng đường thủy.

Tăng cường làm việc xuyên đêm nhằm thông đường từ Rào Trăng 4 lên Rào Trăng 3 Tăng cường làm việc xuyên đêm nhằm thông đường từ Rào Trăng 4 lên Rào Trăng 3

TTO - Lực lượng tìm kiếm cứu nạn sẽ tận dụng thời tiết thuận lợi, cố gắng làm việc xuyên đêm để thông tuyến đường 71 từ thủy điện Rào Trăng 4 lên thủy điện Rào Trăng 3 đang bị chia cắt do sạt lở.

PHƯỚC TUẦN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên