Trái cây là nguồn thực phẩm dễ ăn, dễ kiếm và có thể đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng hàng ngày. Tuy nhiên, hầu hết chúng đều chứa đường. Điều này đã đặt ra câu hỏi về việc liệu trái cây có thích hợp cho những người mắc bệnh tiểu đường hay không.
Theo các chuyên gia tại Hiệp hội đái tháo đường Hoa Kỳ (American Diabetes Association) thì người bị bệnh tiểu đường có thể tiêu thụ bất kỳ trái cây nào, miễn là người đó không dị ứng với loại trái cây đó.
Thậm chí, các nghiên cứu của Trung Quốc vào năm 2017 còn phát hiện ra rằng, ăn nhiều trái cây hơn có liên quan đáng kể đến việc giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2.
Điều quan trọng nằm ở số lượng và chọn loại trái cây phù hợp.
Mối quan hệ của trái cây và chỉ số đường huyết
Không phải loại trái cây nào cũng tốt cho sức khỏe như nhau. Trái cây tươi hoặc đông lạnh tốt hơn trái cây chế biến, chẳng hạn như nước sốt táo và trái cây đóng hộp. Điều này là do trái cây trong lon, lọ hoặc cốc nhựa có thể chứa thêm đường, có thể khiến lượng đường trong máu của một người tăng đột biến.
Đối với bệnh nhân tiểu đường, một cách để chọn trái cây an toàn và phù hợp cũng như các loại thực phẩm giàu carbohydrate khác là kiểm tra giá trị của chúng trên chỉ số đường huyết (GI).
GI là đánh giá các loại thực phẩm trên thang điểm từ 1 đến 100. Điểm số này sẽ cho bệnh nhân biết thực phẩm đó có thể làm tăng lượng đường trong máu hay không và tốc độ nhanh như thế nào. Ví dụ, cơ thể hấp thụ thực phẩm có GI cao nhanh hơn so với thực phẩm có GI trung bình hoặc thấp. Thực phẩm có chỉ số GI thấp hơn sẽ giúp kiểm soát lượng đường trong máu tốt hơn.
Trái cây nào bệnh nhân tiểu đường nên tránh?
Những loại trái ây có chỉ số GI cao, không tốt cho người tiểu đường gồm có:
- Nhóm trái cây nhiều đường như chuối chín, chà là khô, dưa hấu, dứa...
- Nhóm trái cây chứa nhiều carb như táo, chuối, bưởi, việt quất…
Điều đáng chú ý là các loại trái cây dù được cho là có hàm lượng carb cao thì vẫn có ít carbohydrate hơn các món ăn nhẹ khác. Ví dụ, 1 quả chuối lớn chứa khoảng 30g carbohydrate, nhưng 1 chiếc bánh muffin sôcôla lại chứa khoảng 55g.
Do đó, bệnh nhân tiểu đường nên tập trung vào việc hạn chế ăn các loại thực phẩm giàu carb khác trước khi cắt bỏ trái cây.
Bệnh nhân tiểu đường nên ăn bao nhiêu trái cây?
Hầu hết các hướng dẫn của chuyên gia sức khỏe đều khuyến nghị người lớn và trẻ em ăn 5 phần trái cây và rau mỗi ngày. Điều này vẫn đúng với những người mắc bệnh tiểu đường. Cụ thể, cứ mỗi khẩu phần ăn thì nên có ít nhất 1/2 là rau quả.
Tuy nhiên, bệnh nhân tiểu đường nên chọn rau quả không chứa tinh bột, kết hợp các thực phẩm chứa nhiều protein và chất xơ, chẳng hạn như đậu hoặc ngũ cốc nguyên hạt. Bệnh nhân tiểu đường cũng nên bổ sung chất béo lành mạnh trong mỗi bữa ăn để tăng cảm giác no và tăng cường hấp thụ chất chống oxy hóa và vitamin.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận