● Tâm thần phân liệt, anh là ai?
Đây là bệnh tâm thần nặng, dây dưa cả đời. Thần thái của người bệnh gói gọn gồm “hoang tưởng + lạnh lùng + hành động kỳ dị + cảm xúc nghèo nàn + bất biến đúng sai”, có hoặc không kèm “sầu uất + xa lánh + sợ hãi”...
● “Thể hiện” trên facebook
Chuyện là, một nghiên cứu dùng thuật tóan bám theo “dấu chân ngôn ngữ” của người dùng trên facebook. Theo đó, từ các status, story, người ta nhận thấy chiếm số đông trong những người mau miệng chửi thề, sử dụng tần suất cao các từ kiểu như máu, đau đớn, buồn bã, chán nản..., là những con bệnh tâm thần phân liệt hoặc rối loạn tâm trạng!
● Chưa khảo đã khai
So ngang, kiểu 1-1, giữa triệu chứng bệnh và những gì để lộ trên mạng, không khó nhận ra quả là người tâm thần “chưa khảo đã khai”. Đơn cử, với chứng hoang tưởng tự đại + cứng đầu bất cần phải trái, thì có gì khó hiểu nếu các “bố đời” văng tục tung tóe trên các dòng trạng thái facebook.
● Ảo giác, ảo thanh
“Dấu chân ngôn ngữ” còn cho thấy người bệnh rất sính dùng các từ ám chỉ nhận thức như “nghe” , “thấy”, “cảm thấy”. Thú vị là mấy vị cũng rất khoái xài chấm câu hàm ý nhấn mạnh như ! ,? , mà phải !!! hay ???? mới chịu. Ảo thanh là triệu chứng nặng, người bệnh nghe thấy giọng nói hư vô, hoặc kể cả chê bai, chế giễu họ; hoặc bố tướng đe dọa, xin tí huyết họ. Chả trách, trên facebook, những vị này luôn nhại lại các từ trên ...
● Co rúm người
Nghiên cứu còn chỉ ra chi tiết ngộ nghĩnh là người tâm thần phân liệt thường đăng ảnh đại diện, ảnh minh họa, trong đó ảnh của mình hoặc chủ thể ở kích cỡ....bé tẹo. Không khó hiểu với bộ dáng xa lánh, lạnh lùng và co rúm của người tâm thần phân liệt.
● Câu sau chồm lên câu trước
Trên tất cả, bàng bạc trong các “dấu chân” mà người bệnh in trên mạng xã hội là sự rối loạn suy nghĩa. Các dòng trạng thái lộn xộn, khó hiểu, chuyện nọ xọ chuyện kia, câu sau chồm lên câu trước... Người dùng facebook hẳn thi thoảng nhìn thấy những bối rối kiểu này, và thường cho rằng đó là mấy chế cẩu thả, ít học, không rành tiếng Việt.
● Văn là người
Có thể có vài điểm hơi lố, chủ quan, gán ghép, nhưng không thâm sâu gì cũng rõ việc mạng xã hội là nơi người ta để lộ bệnh tật của mình, đặc biệt là sức khỏe hành vi. Văn là người, khổ thân, văn của người “hỏng bo mạch chủ”.
● Nhìn người ngẫm tới ta
Biết rồi thì giúp được gì hay chỉ nghe chơi rồi bỏ, hay chỉ cho mấy ngài bác sĩ tâm thần củng cố bệnh án? “Cứu 1 người bằng xây 7 bậc phù đồ”, còn gì bằng, nếu bạn giúp được bạn “phây” nhận ra bệnh tình, nhưng hay hơn nữa nếu bạn giúp ...chính mình!
Việt Nam là một “cường quốc” bệnh tâm thần, trong đó có tâm thần phân liệt, chứng bệnh mà thuở ban sơ rất hay được thể tất như một thói thường vĩ cuồng, khoác lác, khóc mướn thương vay, thậm chí tung hô là cá tính, thiên tài. Cây nào chẳng cần đất ươm. Lúc nào đó, có thể bạn nhận ra gần đây mình nhắc hơi nhiều tới từ “chết” và dùng vô tội vạ dấu chấm than (!) không dính gì tới ngữ cảnh...
● Một like, một share, coi chừng tạo nghiệp!
Thật ra, biết chuyện còn giúp chúng ta tránh...tạo nghiệp. Một like, share, follow, bạn gửi tới người tâm thần bất ổn, chẳng khác cổ vũ làm bệnh tình của họ thêm trầm trọng? Một ngày nọ, bạn nhận ra người bạn “điên điên” mà bạn từng like hào phóng bỗng biến mất khỏi facebook, thì rất có thể bởi anh ấy, chị ta đã...nhập viện tâm thần vì bệnh trở nặng, trong đó có “công” của bạn!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận