Đó là các vấn đề pháp lý đặt ra từ những vụ án “khó xử” xảy ra gần đây. Đơn cử như vụ anh Nguyễn Hùng Chiến (37 tuổi, ngụ tỉnh Tiền Giang) dưới đây...
Gây án khi đang bị tâm thần
Theo hồ sơ vụ án, năm 2001 Nguyễn Hùng Chiến bị chấn thương sọ não do tai nạn giao thông. Sau đó anh Chiến có biểu hiện rối loạn hành vi, thiếu kiềm chế.
Năm 2006, anh Chiến dùng dao chém vợ vì nghi vợ ngoại tình. Do anh Chiến có biểu hiện tâm thần nên Công an thị xã Gò Công ra quyết định trưng cầu giám định pháp y. Kết quả cho thấy anh Chiến bị rối loạn tâm thần phân liệt, không đủ năng lực trách nhiệm hành vi nên không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Sau đó gia đình đưa anh Chiến đến Bệnh viện Tâm thần trung ương II điều trị ngoại trú.
Trong thời gian này, anh Chiến lại gây án. Ngày 28-6-2012, anh Chiến uống bia tại nhà anh họ ở xã Bình Lộc (Long Khánh, Đồng Nai). Lúc này có ông Đặng Hiệp Thành đến chơi và nhậu chung. Trong lúc uống bia, anh Chiến và ông Thành xảy ra cự cãi. Ông Thành xông vào định đánh Chiến thì bị Chiến dùng rựa chém đứt lìa cổ tay trái, đứt vành tai trái...
Gây án xong, anh Chiến về thị xã Gò Công và được gia đình đưa ra đầu thú. Anh Chiến bị khởi tố, bắt giam về hành vi cố ý gây thương tích.
Rối vì mâu thuẫn kết quả giám định
Trong quá trình điều tra, Công an thị xã Long Khánh ra quyết định trưng cầu giám định tâm thần đối với anh Chiến. Viện Giám định pháp y tâm thần trung ương II kết luận anh Chiến bị “rối loạn nhân cách và hành vi thực tổn, tại thời điểm gây án và hiện nay anh Chiến có năng lực nhận thức và điều khiển hành vi nhưng bị hạn chế do bệnh”.
Để giải quyết vụ án, cơ quan tố tụng thị xã Long Khánh hướng dẫn ông Thành làm đơn đề nghị TAND thị xã Gò Công hủy bỏ quyết định mất năng lực hành vi dân sự của anh Chiến (liên quan trong vụ chém vợ trước đó).
Một lần nữa TAND thị xã Gò Công trưng cầu giám định về năng lực hành vi dân sự của anh Chiến tại Trung tâm giám định pháp y tâm thần (Sở Y tế tỉnh Tiền Giang). Kết luận giám định thể hiện anh Chiến bị “tâm thần phân liệt thể hoang tưởng, không đủ năng lực hành vi dân sự”.
Từ kết quả này, TAND thị xã Gò Công không chấp nhận yêu cầu của ông Thành. Ông Thành kháng cáo. TAND tỉnh Tiền Giang tuyên y án sơ thẩm, tức anh Chiến vẫn là người mất năng lực hành vi dân sự.
Ông Thành tiếp tục khiếu nại. Công an thị xã Long Khánh trưng cầu giám định pháp y tâm thần lần hai với anh Chiến tại Viện Giám định pháp y tâm thần trung ương II với kết quả vẫn như cũ.
Năm 2014, TAND thị xã Long Khánh xử sơ thẩm tuyên phạt anh Chiến 5 năm tù về tội cố ý gây thương tích. Sau đó, TAND tỉnh Đồng Nai hủy bản án sơ thẩm vì mâu thuẫn kết quả giám định của hai cơ quan giám định trên.
Bản án sơ thẩm lần hai của TAND thị xã Long Khánh nhận định anh Chiến có năng lực nhận thức và điều khiển hành vi nhưng bị hạn chế do bệnh nên phải chịu trách nhiệm hình sự đối với hành vi của mình. Tòa tuyên phạt anh Chiến 5 năm tù về tội cố ý gây thương tích. Đại diện hợp pháp của anh Chiến kháng cáo.
Không thể kết án người tâm thần
Theo ông Đinh Văn Quế - nguyên chánh tòa hình sự TAND tối cao, pháp luật quy định một người mất hành vi dân sự (khi đã có quyết định của tòa án có hiệu lực pháp luật) thì mọi hành vi của họ đều không bị truy cứu trách nhiệm hình sự, mà cơ quan tiến hành tố tụng chỉ có thể áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh.
Đối với anh Chiến đã có quyết định của TAND tỉnh Tiền Giang tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự thì việc các cơ quan tiến hành tố tụng ở Đồng Nai trưng cầu giám định tâm thần đối với anh là không cần thiết.
Mặt khác, TAND thị xã Gò Công và TAND tỉnh Tiền Giang không chấp nhận yêu cầu của ông Thành về việc đề nghị hủy bỏ quyết định mất năng lực hành vi dân sự của anh Chiến thì các cơ quan tiến hành tố tụng ở Long Khánh và tỉnh Đồng Nai phải tuân thủ quyết định trên, chứ không được trưng cầu giám định tâm thần đối với anh Chiến nữa.
Trừ trường hợp anh Chiến đã điều trị khỏi bệnh và có kết luận của hội đồng giám định tâm thần và TAND thị xã Gò Công, TAND tỉnh Tiền Giang hủy bỏ quyết định anh Chiến mất năng lực hành vi dân sự, lúc đó cơ quan tiến hành tố tụng Long Khánh mới được trưng cầu giám định tâm thần. Việc cơ quan tiến hành tố tụng Long Khánh và tỉnh Đồng Nai tiến hành trưng cầu giám định tâm thần đối với anh Chiến là trái pháp luật.
Do đó kết luận của hội đồng giám định tâm thần Viện Giám định pháp y tâm thần trung ương II kết luận anh Chiến bị “rối loạn nhân cách và hành vi thực tổn, tại thời điểm gây án và hiện nay anh Chiến có năng lực nhận thức và điều khiển hành vi nhưng bị hạn chế do bệnh” không có giá trị pháp luật.
Bản án sơ thẩm lần hai của TAND thị xã Long Khánh nhận định TAND tỉnh Tiền Giang tuyên bố anh Chiến mất năng lực hành vi dân sự, nghĩa là bị cáo chỉ bị mất khả năng xác lập, thực hiện quyền và nghĩa vụ dân sự và căn cứ vào kết luận giám định tâm thần của Viện Giám định pháp y tâm thần trung ương II để kết án anh Chiến là nhận thức không đúng thế nào là người mất năng lực dân sự.
Theo ông Quế, khi xét xử phúc thẩm, TAND tỉnh Đồng Nai phải hủy bản án sơ thẩm và quyết định buộc anh Chiến đi chữa bệnh.
Quản lý người bị mất năng lực hành vi dân sự Một người thuộc trường hợp quy định tại điều 13 Bộ luật hình sự khi gây án không phải chịu trách nhiệm hình sự nhưng phải áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh. Người này đi chữa bệnh theo quyết định của cơ quan điều tra nên cơ quan này có trách nhiệm giám sát việc thực hiện quyết định. Bên cạnh đó, người giám hộ và chính quyền địa phương cũng có trách nhiệm trong việc trông nom, giám sát đối tượng, tránh để người bệnh tiếp tục gây án. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận