Một bệnh nhân bị tai nạn bất tỉnh được phát hiện, đưa vào Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM điều trị. Đến nay người này tỉnh nhưng lại nói không có nhà, quê quán, người thân và không biết về đâu - Ảnh: HOÀNG LỘC
Khi tiếp cận bất cứ hồ sơ người bệnh vô danh nào, điều đầu tiên chúng tôi nghĩ tới là gia đình, gốc gác, quê quán của họ.
Ông NGUYỄN TRỌNG DŨNG
Ông Nguyễn Trọng Dũng, phó trưởng phòng công tác xã hội (CTXH) Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, bảo rằng khi tiếp cận bất cứ hồ sơ người bệnh vô danh nào, điều đầu tiên ông nghĩ tới là gia đình, gốc gác, quê quán của họ.
"Đó là trăn trở thôi thúc chúng tôi tìm kiếm, dù chỉ là hi vọng nhỏ nhoi. Mong muốn cuối cùng là để cho mỗi con người khi nhắm mắt xuôi tay có cơ hội đoàn tụ với gia đình" - ông nói.
Giao đúng thi thể cho người thân
Ông Dũng kể về trường hợp một bệnh nhân nữ ngoài 60 tuổi qua đời năm 2015 bởi căn bệnh ung thư trực tràng. Đây là một "ca khó" bởi có sự giành thi thể.
Trong hồ sơ bệnh án, bệnh nhân này khai chồng chết, không con, cha mẹ mất. Nhưng chỉ sau 14 giờ người này qua đời, bất ngờ có hai phụ nữ đến giới thiệu là người quen đưa một số giấy tờ xin nhận thi thể về mai táng.
Người duy nhất có thể nhận lại hợp pháp chỉ còn anh em ruột, nhưng hai người kia không thuộc thành phần đó. Ông Dũng quyết định: "Không được".
Không được nhận thi thể, hai người này chuyển qua xin nhận tro cốt sau khi hỏa thiêu nhưng ông Dũng từ chối luôn.
Những ngày sau đó, việc xác minh nhân thân cho người qua đời như mò kim đáy bể. Ở đâu có mối liên hệ đều được nhân viên phòng CTXH khai thác triệt để nhưng việc tìm kiếm vẫn đi vào ngõ cụt.
Họ chuyển hướng, cuối cùng chỉ còn tập trung vào địa điểm duy nhất, lưu trên tàng thư được Công an Q.5 cung cấp, đó là phường 17, Q.Bình Thạnh. Bệnh nhân được công an xác định từng có thời gian sống ở địa phương, hiện chỉ còn một người anh ruột lớn tuổi.
Nhưng khổ nỗi, việc chứng minh anh em lại vô cùng khó khăn, bởi trong giấy tờ hộ khẩu hiện tại của người anh không có tên em gái. Trong khi hồ sơ nhận thi thể buộc phải có giấy tờ chứng minh là anh em.
Trong lúc ông Dũng sốt ruột thì người anh tìm ra được hồ sơ khai sinh của gia đình trước đây ghi nhận hai người có chung cha mẹ.
"Đây chính là manh mối duy nhất để chúng tôi làm cơ sở bàn giao thi thể người bệnh xấu số về với gia đình" - ông Dũng chia sẻ.
Gặp cha khi còn nắm cốt
Phải sau hai năm ngày cha mình qua đời tại Bệnh viện Ung bướu vì ung thư gan, anh H.V.T. (44 tuổi, quê Đồng Tháp) mới nhận được hung tin. Và sau 27 năm xa cách, anh mới được trùng phùng với người cha, nay chỉ còn là nắm cốt.
Trong lá đơn gửi đến bệnh viện, anh T. cho biết 27 năm về trước cha anh là ông H.V.K. (sinh năm 1937) chia tay với mẹ anh. Suốt một thời gian dài, thỉnh thoảng cha anh gọi điện về hỏi thăm con cái nhưng giấu biệt nơi ông đang sống.
Ba năm trở lại đây gia đình mất liên lạc với ông. Cả gia đình lo lắng, cố tìm đủ cách hỏi thăm nhưng không có tin tức gì, mãi đến khi có người gọi điện về báo tin ông đã qua đời ở bệnh viện.
Kể từ khi ông K. nhập viện đến lúc qua đời có thể nói là cuộc chạy đua với thời gian trong chăm sóc điều trị và tìm kiếm thân nhân của nhân viên y tế Bệnh viện Ung bướu. Cuối cùng bệnh viện cũng có được thông tin về người cha từ những lời kể chắp ghép của một số người.
"Tôi chỉ nghe kể cha tôi được một người đưa vào bệnh viện rồi để đó điều trị cho đến lúc chết, không ai nuôi và chăm sóc. Tôi bàng hoàng, đau đớn khi biết hoàn cảnh cuối đời của ông bi đát đến như vậy" - anh T. tâm sự.
Sau hơn 10 ngày nằm viện, bệnh nhân này may mắn tìm được người thân nhờ nỗ lực tìm kiếm của các y bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy - Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Tìm thân nhân qua Facebook, tivi
TS.BS Ngô Đức Hiệp, trưởng khoa phỏng Bệnh viện Chợ Rẫy, còn nhớ như in trường hợp một bệnh nhân "tưng tửng" bị phỏng do trèo cột điện ở Q.1. Bệnh nhân bị tâm thần nên không biết mình là ai.
"Đây là một ca khó bởi vừa phải điều trị phỏng, vừa hội chẩn với bác sĩ tâm thần rồi điều trị cùng lúc hai loại bệnh không ăn nhập gì nhau. Bẵng đi một thời gian, bỗng nhiên bệnh nhân buột miệng nói ra một cái tên" - bác sĩ Hiệp cho biết.
Rồi một hôm, đang xem chương trình "tìm người lạc" trên tivi, bác sĩ Hiệp khựng lại khi nghe cái tên một người mất tích trùng với cái tên mà bệnh nhân buột miệng nói ra. "Thật may mắn, tôi đã tìm ra đứa con mà bấy lâu nay họ nhọc công tìm kiếm" - ông Hiệp nói.
Cuối tháng 4-2017, Bệnh viện Thủ Đức đăng tải trên Facebook và báo đài một ca bệnh vô danh bị chấn thương sọ não. Nhờ đó, bệnh nhân này đã tìm được gia đình.
Hơn hai tháng nằm viện, bệnh nhân này được các y bác sĩ, điều dưỡng và nhân viên phòng CTXH thay phiên nhau túc trực chăm sóc.
Ngày xuất viện, số tiền điều trị của bệnh nhân đến gần 100 triệu đồng, bệnh viện không yêu cầu thanh toán mà coi đó là món quà để người ấy tiếp tục với cuộc sống dài phía trước...
"Dù không có thân nhân, người bệnh này vẫn được điều trị và chăm sóc như các bệnh nhân khác, các nhu cầu hằng ngày đều được bệnh viện cung cấp đầy đủ" - chị Nguyễn Thị Mỹ Châu, trưởng phòng CTXH Bệnh viện Q.Thủ Đức, cho biết.
Cứu trước, tìm thân nhân sau
ThS Lê Minh Hiển, trưởng phòng CTXH Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM, theo dõi thông tin tìm thân nhân cho người bệnh trên trang fanpage (kết nối cộng đồng Facebook) do đơn vị lập ra - Ảnh: Bệnh viện cung cấp
0h10 ngày 27-3-2018, Bệnh viện Thống Nhất TP.HCM tiếp nhận bệnh nhân H.V.M. (56 tuổi, ngụ Q.1) bị tai nạn giao thông vỡ lá lách, đa chấn thương, được người đi đường đưa vào bệnh viện cấp cứu.
"Tình trạng bệnh nhân lúc ấy rất nguy cấp, các bác sĩ quyết định mổ cấp cứu cắt lá lách cầm máu lúc 3h cùng ngày" - bác sĩ Nguyễn Khánh Vân, trưởng khoa ngoại gan - mật - tụy, kể.
Phải hơn một tuần được các bác sĩ, điều dưỡng tích cực chữa chạy, bệnh nhân mới từ từ hồi tỉnh rồi nhớ lại địa chỉ nhà. Điều dưỡng Phạm Thị Hương tìm đến tận gia đình thông báo.
Khi nhận được tin, vợ ông M. không ngờ chồng mình còn sống sau 9 ngày đột nhiên biến mất...
Kỳ tới: Những hũ cốt không người nhận
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận