GS.TS.BS Trương Quang Bình, phó giám đốc bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM đã cho biết như vậy. Theo GS Quang Bình, trong giai đoạn dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp như hiện nay, người bệnh động mạch vành phải hết sức lưu ý thực hiện các biện pháp phòng dịch để đảm bảo sức khỏe.
Tuân thủ tiêm vaccine và đảm bảo 5K
Về việc tiêm vaccine phòng COVID-19, người bệnh động mạch vành không có bất kỳ chống chỉ định nào đối với việc tiêm ngừa. Do đó, ngoài các lưu ý về việc tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ, kiểm soát các yếu tố nguy cơ và xây dựng lối sống lành mạnh, người bệnh cần đảm bảo 5K và tham gia tiêm vaccine đầy đủ theo yêu cầu để bảo vệ bản thân, tránh nguy cơ mắc COVID-19.
Còn ThS. BS Vũ Hoàng Vũ, Trưởng khoa Tim mạch can thiệp Bệnh viện Đại học Y dược lưu ý, người bệnh động mạch vành cần phối hợp với bác sĩ để cải thiện triệu chứng đau ngực và giảm nguy cơ xảy ra các biến chứng.
Việc tuân thủ điều trị bằng thuốc, duy trì chế độ ăn uống, tập luyện, giảm các yếu tố nguy cơ như hút thuốc lá, béo phì, rượu bia… sẽ giúp kiểm soát các triệu chứng và phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.
Ngoài ra, trong thời điểm dịch bệnh như hiện nay, vấn đề điều trị hậu COVID-19 cũng được quan tâm. Đối với hệ thống tim mạch, ảnh hưởng chính của COVID-19 là tình trạng viêm cơ tim, tăng đông máu gây tắc các mạch máu trong hệ thống tim mạch. Nếu có các triệu chứng như mệt mỏi, khó thở, tức ngực… người bệnh đang điều trị hậu COVID-19 nên được bác sĩ tim mạch đánh giá nguyên nhân để đưa ra phương pháp điều trị kịp thời, tránh các biến chứng nguy hiểm.
Biến chứng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến tính mạng
Trong các bệnh lý tim mạch, bệnh động mạch vành khá phổ biến và nguy hiểm, đang là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trên toàn thế giới. Trong số các trường hợp tử vong do bệnh tim mạch, bệnh động mạch vành là một trong những nguyên nhân chiếm đến 85% tỉ lệ tử vong.
Theo GS Trương Quang Bình, nguyên nhân gây bệnh động mạch vành chủ yếu là do xơ vữa động mạch. 3 yếu tố nguy cơ không tác động được là giới tính (nam có xu hướng mắc động mạch vành cao hơn nữ), tuổi tác và tiền sử bệnh của người thân trong gia đình. Còn lại, nhóm yếu tố nguy cơ có thể tác động cần được cải thiện để giảm khả năng mắc bệnh bao gồm tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, thói quen hút thuốc lá, béo phì, thiếu vận động, uống nhiều rượu bia…
ThS. BS Vũ Hoàng Vũ cho biết triệu chứng thường gặp của bệnh động mạch vành được chia thành 2 dạng biểu hiện là mạn tính và cấp tính.
Đối với hội chứng mạch vành mạn tính, tình trạng đau ngực sau xương ức do thiếu máu cục bộ thường xảy ra khi người bệnh gắng sức. Nếu mạch vành của người bệnh bị xơ vữa, hẹp nhiều, khi gắng sức sẽ bị đau thắt vùng ngực trái, lan lên hàm, vai trái và cánh tay trái, cơn đau kéo dài vài chục giây đến vài phút.
Đối với hội chứng mạch vành cấp tính, mạch vành bị hẹp một cách đột ngột gây nhồi máu cơ tim. Người bệnh lúc này sẽ bị đau ngực nhiều, kéo dài trên 20 phút, vã mồ hôi hoặc ngất xỉu.
Khi xuất hiện các triệu chứng mạn tính, người bệnh cần sắp xếp thời gian đi khám để được kiểm tra cụ thể. Nguy hiểm hơn, đối với triệu chứng của bệnh mạch vành cấp, người bệnh cần được chuyển ngay đến bệnh viện để được cấp cứu và điều trị ngay.
Thời gian tiếp cận chẩn đoán, can thiệp sẽ sớm giúp người bệnh giảm thiểu được các biến chứng nguy hiểm và tỉ lệ tử vong do bệnh động mạch vành gây ra. 4 biến chứng chính của bệnh động mạch vành gồm đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, suy tim và rối loạn nhịp tim. Các biến chứng càng nghiêm trọng thì càng nguy hiểm đến tính mạng người bệnh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận