11/11/2014 13:34 GMT+7

​Người bệnh tiểu đường nghe ngóng từng dấu hiệu bất thường

BS NGUYỄN THANH HẢI
BS NGUYỄN THANH HẢI

TT - Hằng ngày số bệnh nhân phải nhập viện cấp cứu vì các tình huống nguy hiểm liên quan đến đái tháo đường không phải ít.

Bác sĩ Bệnh viện quận 5 (TP.HCM) kiểm tra sức khỏe một bệnh nhân tiểu đường - Ảnh: Hữu Khoa

Phần lớn do người bệnh không tuân thủ điều trị, thiếu kỹ năng theo dõi nên không phát hiện các dấu hiệu cảnh báo trở nặng của bệnh.

Trong 10 năm qua, bệnh nhân đái tháo đường (ĐTĐ) ở nước ta đã tăng với tỉ lệ chóng mặt, khoảng 211%. Tỉ lệ ĐTĐ trung bình cả nước hiện nay là 5% dân số, riêng ở các đô thị lớn có thể lên đến 7-10%.

Khi đường huyết quá thấp hoặc quá cao

Ông N.V.T. (70 tuổi, Q.11, TP.HCM) điều trị bệnh ĐTĐ bằng thuốc viên hạ đường nhóm sulfonylureas. Vào buổi tối hôm trước ông thấy chán ăn nên chỉ dùng chút ít rồi đi ngủ. Đến sáng người nhà vào phòng phát hiện ông nằm mê man. Khi xe cấp cứu đến, bác sĩ thử thấy đường huyết giảm còn 35 mg/dL, bệnh nhân được truyền đường và sau vài phút đã tỉnh lại.

Trường hợp ông T. còn may mắn vì một số bệnh nhân khác do phát hiện trễ bị hôn mê sâu, co giật và tử vong. Hạ đường huyết là tình huống cấp cứu thường gặp nhất ở người ĐTĐ, xảy ra khi lượng đường trong máu giảm dưới 70 mg/dL (3,9 mmol/lít).

Ở mức độ nhẹ, người bệnh còn tỉnh, cảm thấy đói bụng, run tay, hồi hộp, vã mồ hôi. Nặng hơn nữa sẽ bị nhức đầu, nhìn mờ, lú lẫn, hôn mê và co giật. Ở người ĐTĐ đang chích insulin hoặc đang uống thuốc viên nhóm tăng tiết insulin, hạ đường huyết có thể xảy ra do ăn quá ít, ăn trễ hoặc bỏ ăn, tăng hoạt động thể lực, uống nhiều bia, rượu và nước giải khát chứa cồn.

Nếu người bệnh ĐTĐ đột nhiên có biểu hiện hành vi bất thường, đó có thể là dấu hiệu của hạ đường huyết. Trong tình huống này uống một ly nước trái cây, một ly sữa hoặc ăn một bữa ăn nhẹ... là đủ để làm tăng lượng đường trong máu.

Tuy nhiên, các bệnh nhân bị hạ đường huyết thường rơi vào trạng thái mơ màng nên không thể nhận biết hành động của mình là đúng hay sai. Nếu không có người xung quanh nhắc nhở người bệnh, lượng đường trong máu bệnh nhân sẽ tiếp tục xuống thấp, có thể dẫn đến hôn mê, co giật và tử vong.

Ngược lại, đường huyết tăng quá cao cũng làm người ĐTĐ đi cấp cứu. Cô N.T.K.Y. (24 tuổi, ngụ Q.Tân Bình) phải chích insulin hằng ngày do bị bệnh ĐTĐ týp 1. Bốn ngày trước khi nhập viện, bệnh nhân hết thuốc insulin nhưng không đi khám bệnh.

Ban đầu cô Y. thấy khát và uống nước rất nhiều, tiểu nhiều, sau đó sụt cân nhanh, mắt nhìn mờ và cảm giác tê đầu các chi. Hôm nhập viện bệnh nhân rất mệt, khó thở, đau bụng, nôn nhiều, rồi hôn mê. Khi vào viện, cô Y. được chẩn đoán hôn mê nhiễm xêtôn. Sau hai ngày điều trị bằng truyền dịch và insulin, bệnh nhân mới tỉnh lại.

Một tình huống cấp cứu khác có thể gặp ở người ĐTĐ là hôn mê tăng áp lực thẩm thấu. Triệu chứng nổi bật là khát, tiểu nhiều kèm sụt cân nhanh, có các dấu hiệu giả bị đột quỵ như chóng mặt, yếu liệt nửa người, nói ngọng, hôn mê...

Đến nhồi máu cơ tim và đột quỵ

Có sự liên quan chặt chẽ giữa ĐTĐ và bệnh tim mạch. Tần suất bệnh tim mạch ở người ĐTĐ cao gấp 2-4 lần so với người không bị ĐTĐ. Khoảng 2/3 số bệnh nhân ĐTĐ tử vong là do biến chứng tim mạch như nhồi máu cơ tim và đột quỵ.

Các dấu hiệu và triệu chứng của nhồi máu cơ tim có khi rất rõ, nhưng đôi khi lại mơ hồ. Người ĐTĐ có thể bị nhồi máu cơ tim mà không có dấu hiệu báo động nên còn gọi là nhồi máu cơ tim yên lặng.

Như trường hợp ông L.V.N., 56 tuổi, nhà ở quận 12. Vào buổi sáng ngày đi khám định kỳ vì bệnh ĐTĐ kèm tăng huyết áp và bệnh cơ tim thiếu máu cục bộ, ông N. đi bằng xe buýt. Khi vào khám ông than mệt ở vùng ngực và nghĩ do đi xe buýt ồn ào nên mệt. Khi đo điện tâm đồ, các bác sĩ phát hiện ông bị nhồi máu cơ tim cấp nên chuyển gấp vào phòng thông tim cấp cứu.

Các dấu hiệu cảnh báo nhồi máu cơ tim: cảm giác như bị đè, bị ép, bị đầy ở ngực hoặc đau ngực, khó chịu ở một hoặc cả hai cánh tay, lưng, cổ, hàm hay vùng dưới mũi xương ức, khó thở, toát mồ hôi lạnh, buồn nôn hay chóng mặt.

Đột quỵ cũng là tình huống hay gặp khiến người ĐTĐ nhập viện cấp cứu. Nếu biết các dấu hiệu cảnh báo của đột quỵ, người bệnh vào viện sớm trong khoảng thời gian vàng sáu giờ đầu thì khả năng điều trị tái thông mạch máu não thành công rất cao, cơ hội hồi phục tốt.

Các dấu hiệu cảnh báo đột quỵ: tê hoặc yếu ở mặt, cánh tay hoặc chân, đặc biệt ở một bên của cơ thể, lú lẫn, khó nói hoặc chậm hiểu, rối loạn thị lực ở một hoặc hai mắt, khó đi, chóng mặt, mất thăng bằng hoặc mất phối hợp động tác, nhức đầu dữ dội mà không rõ nguyên nhân.

Ngoài ra, người ĐTĐ thường bị giảm sức đề kháng nên dễ bị nhiễm trùng. Từ một nhiễm trùng nhẹ, nếu không điều trị sớm và đúng có thể trở nên nặng và nguy hiểm tính mạng. Hay gặp nhất là nhiễm trùng đường hô hấp dưới, biểu hiện ban đầu thường là sốt, ho khạc đàm, rồi khó thở... Nếu không điều trị kịp thời sẽ dẫn đến suy hô hấp và tử vong.

Phòng ngừa tình huống cấp cứu bệnh ĐTĐ

 

Để phòng ngừa bệnh trở nặng hay cấp cứu do ĐTĐ, người bệnh cần tuân thủ điều trị (ăn uống hợp lý, hoạt động thể lực thường xuyên và dùng thuốc đúng chỉ định của thầy thuốc) nhằm đạt được mục tiêu kiểm soát bệnh ĐTĐ. Đó là:

- Đường huyết: đường huyết đói: 80-130 mg/dL, đường huyết hai giờ sau ăn: < 180 mg/dL

- HbA1c < 7%. Mức HbA1c được điều chỉnh cao hơn hoặc thấp hơn một ít tùy vào từng bệnh nhân nhằm tránh bị hạ đường huyết.

- Lượng mỡ trong máu: LDL < 100 mg/dL. Bệnh nhân có bệnh mạch vành nên giảm LDL < 70 mg/dL; triglyceride < 150 mg/dL; HDL > 40 mg/dL ở nam và > 50 mg/dL ở nữ.

- Huyết áp < 140/80 mmHg.

Mỗi người bệnh ĐTĐ nên có máy đo huyết áp và máy thử đường huyết tại nhà để có thể kiểm tra ngay huyết áp và đường huyết khi thấy trong người không khỏe hoặc có dấu hiệu bất thường.

 

BS NGUYỄN THANH HẢI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên