28/06/2012 10:30 GMT+7

Người bệnh kiện "phòng khám Trung Quốc"

LAN ANH - TRẦN LỆ HOA - PHI NGA
LAN ANH - TRẦN LỆ HOA - PHI NGA

TT - Ngày 27-6, thanh tra Sở Y tế Hà Nội đã có cuộc làm việc với đại diện phòng khám Maria (65-67 Thái Thịnh, Hà Nội) và bệnh nhân có khiếu nại về kết quả khám chữa bệnh của phòng khám này.

* Bình Thuận: bác sĩ “chui” vẫn lên quảng cáo trên truyền hình

tcUCa4PO.jpgPhóng to
Quảng cáo trước phòng khám Việt - Trung tại TP Phan Thiết (Bình Thuận) - Ảnh: TRẦN LỆ HOA

Chị Đ.T.K.Q. (35 tuổi, giáo viên ở quận Đống Đa, Hà Nội), theo quảng cáo trên truyền hình, giữa tháng 4-2012 chị đến kiểm tra vòng tránh thai tại phòng khám Maria. Tại phòng khám, chị Q. được thông báo mắc bệnh sùi mào gà và hằng ngày đều có nhân viên phòng khám thúc giục đến điều trị, nếu không bệnh sẽ nhanh chóng chuyển thành ung thư. Do lo sợ, chị Q. đã đến điều trị tại phòng khám Maria từ ngày 12 đến 15-4, với chi phí trên 24,3 triệu đồng; riêng ngày 15-4, chi phí điều trị lên đến trên 15 triệu đồng với tổng số 19 loại dịch vụ lạ lùng như thẩm thấu thuốc đông y qua da, điều trị bằng bước sóng ngắn, phí tiêm phòng ngừa, phí truyền dịch...

Tại cuộc làm việc với đại diện phòng khám Maria và chị Q., chánh thanh tra Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Việt Cường cho hay phòng khám đã có ba sai phạm lớn: bác sĩ khám và điều trị cho chị Q. là bác sĩ người Trung Quốc (Lôi Hồng) nhưng bác sĩ ký tên trong sổ y bạ về toàn bộ quá trình điều trị của chị Q. lại là bác sĩ Trang; phòng khám Maria đã sử dụng điều dưỡng để tư vấn về phương pháp điều trị bệnh cho chị Q là sai quy định, đặc biệt là chị Q. chưa định điều trị bệnh, chỉ định kiểm tra vòng tránh thai, nhưng phòng khám đã tư vấn chị sắp bị ung thư khiến bệnh nhân hoảng sợ; sai phạm thứ ba là thu giá nhiều dịch vụ khám chữa bệnh khi chưa niêm yết giá.

Ông Cường yêu cầu phòng khám Maria chịu trách nhiệm toàn bộ về quá trình khám chữa bệnh sau này của chị Q. và hoàn trả các khoản phí thu vô lý của bệnh nhân là 23.894.000 đồng (trừ các chi phí thăm khám bình thường là khám phụ khoa, siêu âm 2.0 và soi cổ tử cung tổng số là 500.000 đồng). Đại diện phòng khám Maria cho biết sẽ hoàn trả toàn bộ phí khám chữa bệnh đã thu của chị Q.. Đồng thời nhận đưa chị Q. đi thăm khám, tuy nhiên chị Q. nhất định từ chối trở lại phòng khám này.

Trả lời Tuổi Trẻ, đại diện phòng khám Maria cho biết Sở Y tế đã duyệt và cấp phép cho quảng cáo của họ. Tuy nhiên theo ông Cường, ông đã nghe và xem rất kỹ quảng cáo của Maria trên TV Shopping và một số kênh truyền hình khác, phát hiện phòng khám này quảng cáo quá nội dung được duyệt. Ông Cường cho biết sẽ phạt phòng khám Maria mức 11,5 triệu đồng. Đây là lần thứ hai kể từ tháng 9-2011, phòng khám Maria bị xử phạt hành chính.

Bác sĩ “chui” vô tư hành nghề

Sáng 27-6, từ những quảng cáo ra rả hằng đêm vào “giờ vàng” trên Đài PTTH Bình Thuận về những “hiệu quả bất ngờ” của phòng chẩn trị y học cổ truyền Việt - Trung (129 Nguyễn Hội, TP Phan Thiết, Bình Thuận, chi nhánh của Công ty TNHH Bắc Kinh - Hà Nội), chúng tôi thử vào để tìm hiểu.

Ngay tại bàn đón tiếp bệnh nhân, một cô gái trạc 26-27 tuổi mặc blouse trắng nhưng không đeo bảng tên yêu cầu muốn được bác sĩ người Trung Quốc khám phải mua phiếu 40.000 đồng. Theo cô nhân viên, ngoài tiền phiếu 40.000 đồng, bệnh nhân nếu muốn điều trị mỗi ngày phải bỏ thêm 150.000 đồng nữa để mua thuốc dù chưa biết bệnh nhân bệnh nặng nhẹ ra sao.

Khi chúng tôi tỏ ý thắc mắc về các loại thuốc và việc kê toa thuốc, một người đàn ông nhỏ con mặc blouse trắng nói toa thuốc do phòng khám giữ, bệnh nhân chỉ được giữ sổ khám bệnh ghi triệu chứng và chẩn đoán. Chúng tôi tỏ ý nghi ngờ việc không cho giữ toa thuốc, người đàn ông lớn tiếng: “Toàn chữ Tàu sao các anh đọc được!”.

Theo Sở Y tế Bình Thuận, phòng chữa trị y học cổ truyền Việt Trung được cấp phép vào tháng 4-2009 do ông Ngô Văn Phương, một lương y người Việt đứng tên, trong đó có đăng ký bác sĩ Yang Zhi Quan người Quảng Tây (Trung Quốc) trực tiếp khám và điều trị. Ngày 31-12-2011, ông Yang hết hạn đăng ký và phòng khám này đến xin gia hạn nhưng Sở Y tế không chấp thuận và hướng dẫn tới Bộ Y tế xin gia hạn. Tuy nhiên theo điều tra riêng của chúng tôi, từ cuối năm 2011 đến nay, bác sĩ Yang vẫn hoạt động không phép tại phòng khám này.

Dù hành nghề “chui” nhưng ông Yang vẫn ngang nhiên tham gia chương trình quảng cáo về phòng khám Việt - Trung trên Đài PTTH Bình Thuận, đồng thời dùng những ngôn từ “đao to búa lớn” để mời chào người bệnh.

Sở Y tế Bình Thuận cho biết ngày 13-3, sở có văn bản gửi phòng khám Việt - Trung đề nghị chỉ được quảng cáo trong nội dung khám chữa bệnh cho phép gồm 116 từ và tuyệt đối không được giới thiệu có bác sĩ người nước ngoài tham gia khám bệnh. Thế nhưng không hiểu sao Đài PTTH Bình Thuận vẫn cho phát clip quảng cáo này khiến người xem không biết đâu là thật hay giả.

Ngày 27-6, bà Đặng Thị Kim Oanh, phó giám đốc Đài PTTH Bình Thuận (BTV), cho biết sau khi có những ý kiến phản ảnh về những quảng cáo của các phòng chẩn trị y học cổ truyền có bác sĩ nước ngoài hoạt động, kể từ tối 23-6 BTV đã chủ động cắt hợp đồng và ngưng phát sóng các quảng cáo này.

Chỉ cấp phép quảng cáo cho phòng khám y học dân tộc

g22fFbqT.jpgPhóng to
Xung quanh vấn đề cấp phép quảng cáo cho phòng khám Trung Quốc, ông Trần Hữu Vinh (ảnh) - trưởng phòng quản lý y dược học cổ truyền Sở Y tế TP.HCM - khẳng định:

- Sở Y tế TP chỉ cấp phép quảng cáo cho các phòng chẩn trị y học cổ truyền do người Việt Nam đứng tên. Nếu có yếu tố nước ngoài thì sở không được quyền cấp phép quảng cáo.

* Nhưng thưa ông, hầu như các phòng khám y học cổ truyền mà Sở Y tế cấp phép đều có người Trung Quốc hành nghề khám chữa bệnh trong đó?

- Đó là những hoạt động “lậu”. Như vậy các phòng khám này vi phạm quy định và làm sai nội dung quảng cáo của Sở Y tế cho phép. Sở Y tế khẳng định không có cấp phép cho phòng khám đông y Trung Quốc nào.

* Sau khi cấp phép quảng cáo, sở có giám sát nội dung quảng cáo của các phòng khám này trên báo, đài?

- Có cái chúng tôi xem, có cái chúng tôi không xem. Nhưng thanh tra Sở Y tế vẫn kiểm tra, giám sát thường xuyên, thậm chí đi thanh tra và xử phạt nhiều lần.

* Ông có thể cho biết quy trình thẩm định và cấp phép quảng cáo cho các phòng khám y học cổ truyền thế nào?

- Trước khi cấp phép cho các phòng khám y học cổ truyền trong nước, cơ sở phải nộp hồ sơ xin phép quảng cáo. Sau khi nhận hồ sơ xin phép quảng cáo, phòng y dược học cổ truyền sẽ thẩm định và chịu trách nhiệm trình với ban giám đốc về nội dung. Điều chúng tôi hiện nay đang lo ngại là đơn vị được cấp phép lại quảng cáo không đúng nội dung được duyệt và quảng cáo vượt quá phạm vi chuyên môn cho phép.

LAN ANH - TRẦN LỆ HOA - PHI NGA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên