17/06/2016 13:42 GMT+7

Người bệnh dùng kháng sinh tùy tiện, nội tạng “banh ta lông”

MINH HUYỀN - BÍCH THẢO
MINH HUYỀN - BÍCH THẢO

TTO - Nhiều người Việt Nam “cải biên” liều dùng kháng sinh bằng đủ các kiểu: thêm, bớt hoặc “tái sử dụng”… Tất cả dẫn đến những hậu quả khôn lường mà con số thông kê của WHO đã nói lên tất cả: Việt Nam có tỉ lệ kháng thuốc kháng sinh cao hàng đầu thế giới.

Penicillin là loại kháng sinh thông dụng và tỉ lệ kháng Pnicillin ở Việt Nam cao nhất Đông Nam Á (71,4%)
Tỉ lệ kháng Penicillin ở Việt Nam cao nhất Đông Nam Á (71,4%)

Ác mộng kháng thuốc kháng sinh

Trao đổi với Tuổi Trẻ, tiến sĩ dược học Nguyễn Hữu Đức mở đầu bằng câu hỏi: “Mọi người nghe gì chưa? Người ta đòi dời Olympic 2016 không chỉ vì mối nguy Zika mà còn vì loại siêu vi khuẩn kháng thuốc ở Rio DeJanero!”.

Siêu vi khuẩn kháng thuốc là ám ảnh kinh hoàng của các bác sĩ. Nó có thể chống mọi loại kháng sinh, có thể lây lan thành dịch mà không loại thuốc nào tiêu diệt được.

Thậm chí ác mộng về siêu vi khuẩn kháng kháng sinh cũng đang manh nha xuất hiện ở Mỹ. Kháng sinh colistin, loại thuốc cuối cùng mà con người dùng để tiêu diệt những chủng vi khuẩn chống kháng sinh mạnh nhất, cũng vô hiệu với “siêu vi khuẩn” này.

Thế nhưng, nhiều người Việt vẫn “biến tấu” cách sử dụng kháng sinh như bác sĩ kê toa 7 ngày, uống 2-3 ngày thấy bớt bớt tự ý ngưng, hoặc người bệnh tự tiện loại bớt kháng sinh trong toa thuốc bác sỹ cho, thậm chí cầm đơn thuốc kháng sinh cũ để điều trị cho đợt bệnh mới….

Lạm dụng kháng sinh, nội tạng “banh ta lông”

Anh L.H.D. (25 tuổi, ngụ quận 3)  trị mụn trong năm năm. Cách điều trị dùng dằng, đứt đoạn nên đến nay mụn không hết mà còn “khuyến mãi” thêm men gan cao, dạ dày yếu và tụt huyết áp.

Điều trị ở phòng khám da liễu nổi tiếng ở quận 3 từ năm 18 tuổi, anh D. ngán ngẩm cảnh bốc thăm, đợi số. Mỗi lần 150.000đ, tiền thuốc hơn 500.000đ.

“Giai đoạn đầu với tôi như cực hình, có khi bác sĩ hẹn tái khám sau 14  ngày, về sau là một tháng. Lần nào khám cũng tốn kém và đi đêm khuya như vậy cực quá tôi mới quyết định bỏ ngang”, D. lắc đầu.

Từ năm 2010, D. đều sử dụng đơn thuốc cũ để trị mụn tái phát. Mụn không dứt mà còn khô da, khô mắt, nứt môi. Thỉnh thoảng còn chóng mặt, buồn nôn và tụt huyết áp. “Tuy nhiên giai đoạn đó tôi nghĩ chỉ là một số tác dụng phụ ngoài da, đâu có ngờ…”.

Năm thứ tư chịu hết nổi, đi thử máu D. mới biết lạm dụng quá liều kháng sinh. Mụn không hết mà các phụ tùng như gan, mật, dạ dày muốn “ banh ta lông”.

Nhiều trường hợp chỉ cảm sốt, viêm họng  thông thường, muốn dứt nhanh, dứt lẹ, tự ý tìm mua kháng sinh amoxicillin. Hậu quả là ù tai, thính giác giảm.

Tỷ lệ kháng erythromycin ở Việt Nam là 92,1%!
Tỉ lệ kháng Erythromycin ở Việt Nam lên đến 92,1%

Uống thuốc không đủ, lãnh di chứng

Bé Nhi 3 tuổi, nhập viện trong tình trạng  viêm não nặng. Trước đó bé chỉ bị viêm tai, bác sĩ đã kê kháng sinh điều trị , mẹ bé cho con uống 1- 2 ngày tự ý ưng. Từ viêm tai dẫn đến viêm tai giữa rồi biến chứng viêm não. Dù trị hết, khả năng di chứng lâu dài cũng cao.

Theo TS dược học Nguyễn Hữu Đức, cách dùng kháng sinh “không giống ai” của nhiều cha mẹ ở VN gây vô vàn hệ lụy với trẻ nhỏ.

Về nguyên tắc, kháng sinh vẫn là phương pháp điều trị hữu hiệu bệnh nhiễm trùng. Thông tin tràn lan trên mạng: kháng sinh gây vàng răng, gây biếng ăn, sụt cân ở trẻ… khiến nhiều bà mẹ tự ý ngưng thuốc hoặc loại bỏ kháng sinh trong toa thuốc.

Điều này cực kỳ nguy hiểm. Vi trùng không chết mà còn mạnh hơn. Bác sĩ phải chọn phác đồ điều trị khác với liều kháng sinh mạnh hơn.

Nếu vi trùng tiếp tục “miễn nhiễm” với kháng sinh mới, đó là tình trạng kháng kháng sinh. Lúc này thì vô phương cứu chữa. Cơ thể trở thành miếng mồi cho các bệnh khác xâm nhập.

Kháng sinh - con dao hai lưỡi

Theo ThS.BS. Trần Ngọc Lưu Phương, trưởng đơn vị tiêu hóa can thiệp Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, khẳng định: “Bệnh nhân hoàn toàn không nên tự mua kháng sinh để sử dụng tại nhà, các cửa hàng bán thuốc cũng không được bán kháng sinh khi không có đơn kê của bác sĩ”.

Uống một loại kháng sinh để trị nhiều loại vi khuẩn khác nhau sẽ sinh ra hiện tượng kháng thuốc, không những không hết bệnh mà còn làm tình trạng bệnh nặng thêm, việc chẩn đoán của bác sĩ sẽ gặp khó khăn do các triệu chứng bệnh không rõ ràng, xét nghiệm cho kết quả âm tính giả.

Đó còn là nhiều tác dụng phụ: rối loạn tiêu hóa (tiêu chảy, táo bón, khó tiêu, sình bụng), lở loét thực quản và ảnh hưởng xấu đến hệ men vi khuẩn có lợi cho đường ruột. Thậm chí nặng hơn, bệnh nhân có thể bị viêm đại tràng mãn tính, suy gan, suy thận, viêm gan cấp hoặc viêm thận cấp.

Dấu hiệu lạm dụng kháng sinh là dị ứng (dân gian gọi là sốc thuốc). Người bệnh sẽ bị nổi mẩn đỏ, ngứa ngáy trên da, khò khè khó thở, tụt huyết áp.

Lạm dụng kháng sinh còn gây độc cho xương tủy dẫn đến thiếu máu mãn tính không hồi phục được, gây độc cho dây thần kinh làm tê liệt các chi và ảnh hưởng tới thần kinh thị giác gây mờ hoặc mù mắt. Trong trường hợp xấu nhất, sử dụng kháng sinh không đúng cách có thể dẫn đến tử vong.

“Trong trường hợp xấu xảy ra tác dụng phụ do kháng sinh, bệnh nhân nên đến ngay bệnh viện để được bác sĩ thăm khám, tuyệt đối không được tiếp tục tự điều trị tại nhà”, bác sĩ Phương khuyến cáo.

MINH HUYỀN - BÍCH THẢO
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên