Già Y Kông và không gian riêng trong nhà của ông - Ảnh: VIỆT HÙNG |
Sau bao năm tích lũy, ngôi nhà nhỏ của ông không chỉ là không gian riêng của gia đình mà đã trở thành Bảo tàng Dân tộc Cơ Tu thu nhỏ, được ngành văn hóa tỉnh Quảng Nam đưa vào danh sách một trong những điểm tham quan của các tour du lịch cộng đồng phía tây Quảng Nam.
Chỉ đến khi thật sự an dưỡng tuổi già, ông Y Kông mới có thời gian bầu bạn với núi rừng. Ông chuyên tâm sưu tầm, phục chế không gian văn hóa và các loại nhạc cụ của người Cơ Tu.
“Khi mình nói sẽ xây dựng một kho cất giữ văn hóa Cơ Tu, có nhiều người đã tình nguyện hiến tặng, cũng có những cái đã mất tích thì mình cùng họ chắp vá ký ức để chạm khắc. Tuổi cao mắt mờ, sức yếu nên cứ khỏe là làm, mệt thì nghỉ, riết rồi nó cũng xong. Như chiếc quan tài một đầu tạc trâu, một đầu tạc voi T'rang Ch'ríh tôi phải chế tác tới sáu tháng” - ông Y Kông nói.
Qua bàn tay tài hoa của ông, những thớ gỗ vô tri đã hóa thân thành những tượng người, tượng linh vật, tượng thần linh sông núi với đầy đủ hình hài, trạng thái khác nhau.
Dắt chúng tôi qua ngôi nhà Gươl nhỏ, già Y Kông giới thiệu hơn 100 hiện vật được ông sưu tầm, chế tác trong những năm qua.
Số hiện vật này gồm các đồ dùng sinh hoạt hằng ngày, đồ dùng phục vụ sản xuất, săn bắn, hái lượm, các loại nhạc cụ của người Cơ Tu, đồ dùng được sử dụng trong các lễ hội như cồng, chiêng, các tượng thần linh, các biểu tượng văn hóa tinh thần của người Cơ Tu.
Nhưng Y Kông nói điều khiến ông hài lòng nhất chính là việc tìm lại được những điệu “dân ca” của người Cơ Tu là điệu hát lý, nói lý mà ông từng nghe từ khi tuổi mới đôi mươi.
Theo ông Y Kông, trong bảo tồn, nỗi lo về tinh thần là quan trọng hơn cả. Bởi hiện nay trong văn hóa người Cơ Tu đang dần mất đi những giá trị đó.
“Nhà Gươl, tượng nhà mồ hay những giá trị vật chất có thể tồn tại hàng trăm năm, thậm chí qua ảnh cũng được. Nhưng nếu giá trị tinh thần mà mất đi qua một thế hệ thì khó bảo tồn được” - ông nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận