Xung quanh câu chuyện người bán vé số dạo nài nỉ khách mua, hai bạn đọc là nhà giáo, cán bộ về hưu đã có ý kiến gửi đến Tuổi Trẻ Online chia sẻ thêm về vấn đề này.
Không nài nỉ, khó bán được 100 tờ vé số mỗi ngày
Tôi có dịp đi nhiều nơi, sinh sống ở một số địa bàn khác nhau và hiện đang sinh sống, làm việc tại miền Tây, nên có dịp quan sát cuộc sống xung quanh mình.
Người miền Tây hiền lành, chân chất, và vé số ở miền Tây bán nhiều hơn các nơi khác trên đất nước.
Nhiều khi ngồi trong quán cà phê buổi sáng hoặc chọn một góc quán để làm việc vẫn luôn thấy những cánh tay chìa tệp vé số trước mặt mình.
Nhiều lúc ngồi trong quán ăn, vừa đưa thức ăn vào miệng cũng có người đến chào mua vé số. Ăn một tô bún cá cũng liên tục phải từ chối người bán vé số nhiều lần.
Lúc chờ đèn đỏ ngoài đường hay vào đổ xăng xe, đi chợ cũng gặp rất nhiều người chào mua vé số…
Có người chào mời. Có người năn nỉ. Có người vừa chào vừa khóc. Có người vừa mới mua cho xong lại lên tiếng xin tiền thừa. Có người chìa tệp vé số ra và không nói gì…
Không chỉ bán vé số mà còn có cả những trường hợp tay cầm vé số nhưng miệng còn chào bán cả số đề.
Thực tình, nhiều lúc cũng cảm thấy phiền hà, nhất là khi đang ngồi ăn gặp người bán vé số chào mời. Nhưng, rồi cũng cảm thông vì đó là công việc mưu sinh của rất nhiều người.
Mỗi tờ vé số có giá 10.000 đồng và người đi bán được hưởng hoa hồng 1.000 đồng. Phải bán 100 tờ vé số mới được hưởng 100.000 đồng tiền hoa hồng.
Nếu gặp may, được nhiều người mua thì nhanh hết, nếu kém may mắn, đi mỏi chân từ quán này sang quán khác, từ đường này sang đường khác cả ngày chưa bán hết 100 tờ vé số. Bán không hết, tất nhiên sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình.
Rất hiếm người bán vé số nào muốn làm phiền khách. Họ cũng chẳng muốn đi khắp thôn cùng ngõ hẻm mời mọc khách mua.
Nhưng nếu đặt bàn ngồi bán vé số tại một chỗ cố định, số lượng người đến mua không nhiều, nên buộc lòng phải đi chào mời.
Người được chào mua có thể mua và không mua. Người bán nài nỉ người mua để bán được hàng cũng là điều dễ hiểu.
Tuy nhiên cũng cần cách ứng xử phù hợp để không gây ra sự phiền toái cho người mua mà có thể giúp người bán có thêm thu nhập.
Xem xấp vé số vài trăm tờ rồi trả lại, không mua tờ nào
Ngược lại với những khó chịu vì nài nỉ quá mức của người bán, thực tế có những trường hợp người bán vé số dạo đôi lúc cũng gặp những tình huống không hay, thậm chí là cách hành xử không văn minh.
Như có lần ở bàn nhậu, tôi chứng kiến cảnh một vị khách trung niên sàm sỡ, nắm tay một phụ nữ bán vé số khiến cô này bật khóc tại chỗ.
Lần khác khi có rượu vào, một khách còn đề nghị một phụ nữ bán vé số phải hôn mình thì mới mua, còn không thì phải "biến" đi chỗ khác.
Vì mưu sinh, vì muốn bán được vé số nên có chị em cũng cam chịu.
Chị L.P.Th. (41 tuổi), quê ở Vĩnh Long trước kia là công nhân ở Khu công nghiệp Tân Tạo (TP.HCM), kể: Sau khi nghỉ việc thì chồng chị mất vì bị ung thư gan, 2 con chưa có việc làm nên chị phải bán vé số để lo cơm áo gạo tiền cho gia đình.
Chị chưa bao giờ thiếu nụ cười khi chào mời khách mua vé số. Có những khách còn yêu cầu chị cho họ xem hết sấp vé số vài trăm tờ rồi sau đó… không mua vé nào. Chị vẫn cười tươi và mong lần sau khách ủng hộ.
Một người bán vé số khác là chị N.T.T.T. (32 tuổi) quê ở Hậu Giang. Chị có hai con còn đi học và vì không có đất canh tác, cả hai vợ chồng phải đi đến Khu công nghiệp Long Trạch (Cần Đước, Long An) bán vé số nuôi con.
Chị T. tâm sự: Có những khi muốn bán được vài tờ vé số mà phải tươi cười dù khách buông ra những lời bông đùa thiếu lịch sự.
Thậm chí có những khách có những hành xử kém chuẩn mực.
Cả hai chị T. và Th. thừa nhận thực tế có một số người bán vé số dạo cố tình nài ép khách, khiến khách phải bực mình hoặc vì "sĩ diện" với bạn bè mà phải mua vài tờ vé số cho xong, nhất là ở quán cà phê đông người hay trong các đám tiệc.
Nhưng với người mời mua vé số, đôi khi lời mời chẳng được khách quan tâm trả lời hoặc là chỉ cái lắc đầu thì cũng không buồn và trước khi đi họ cũng không quên để lại lời cảm ơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận