07/10/2024 07:52 GMT+7

Người bán vé số dạo mòn mỏi chờ... quyền lợi

K.TÂM
và 2 tác giả khác

Từ ngày 1-10, Bộ Tài chính đã đồng ý cho các công ty xổ số kiến thiết (XSKT) khu vực miền Nam tăng doanh số phát hành 13 triệu vé/kỳ mở thưởng, doanh số 130 tỉ đồng/kỳ thay vì 120 tỉ đồng/kỳ như trước đây.

Người bán vé số dạo mòn mỏi chờ... quyền lợi - Ảnh 1.

Một cụ già bán vé số dạo ở TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang - Ảnh: BỬU ĐẤU

Như vậy, sau nhiều lần đề xuất của Hội đồng XSKT khu vực miền Nam, Bộ Tài chính đã "gật đầu" tăng hạn mức doanh số phát hành xổ số truyền thống thêm 10 tỉ đồng/ngày.

Các công ty kinh doanh xổ số truyền thống vui vẻ với chủ trương tăng doanh số phát hành. Nhưng người bán vé số dạo vẫn chẳng thể nở nụ cười, vì ngoài hoa hồng từ 10 - 12% trên từng tấm vé số bán được, họ vẫn chẳng được hưởng thêm gì khác.

Người bán vé số ngày càng nhiều

Chị Nguyễn Hồng Cẩm, bán vé số dạo ở TP Cà Mau (Cà Mau), cho biết nghe thông tin tăng phát hành tưởng đâu sẽ có được lượng vé số dồi dào, đầu số nhiều hơn sẽ dễ lựa số bán nhưng tính ra cũng vậy.

"Từ bữa tăng phát hành tới nay tui cũng chỉ được đại lý cho lấy 200 tờ đi bán, không được lấy tăng thêm. Nếu hôm nào bán hết thì đỡ, còn ngày nào gặp mưa không bán hết phải ôm vé số ế chứ không được trả lại. Nếu trả lại, ngày hôm sau đại lý sẽ cắt vé số xuống dưới 200 vé liền. Sắp tới sẽ có thêm nhiều người bán vé số dạo, việc mua bán sẽ khó khăn hơn", chị Cẩm cho hay.

Người bán vé số dạo vẫn chẳng thể nở nụ cười, vì sao?

Ông Nguyễn Văn Phương (46 tuổi, ngụ phường Nhơn Hưng, thị xã Tịnh Biên, tỉnh An Giang) cho biết hơn 20 năm bán vé số dạo, chưa bao giờ ông thấy tình trạng người bán vé số dạo đông đúc như hiện nay. 

Chỉ trên một đoạn đường ngắn đã có gần chục người bán vé số dạo đảo qua đảo lại mời người mua.

Còn bà Dương Thị Hà (79 tuổi, ngụ phường Vĩnh Quang, TP Rạch Giá, Kiên Giang) cho hay sau ngày 1-10, bà chỉ lấy 120 tờ vé số, bằng với trước đây. Theo lý giải của bà Hà, nếu lấy nhiều hơn mà bán không hết sẽ bị "ôm".

Mỗi ngày từ sáng đến chiều muộn, dù đi lại khó khăn nhưng bà Hà vẫn lê bước trên khắp các tuyến đường trong nội ô TP Rạch Giá để mời chào người mua. Hôm nào bán đắt, được nhiều người thương mua ủng hộ, bà về sớm. Còn những ngày mưa gió, bà phải lặn lội xa hơn, mời mọc nhiều hơn nhưng vẫn bị ế.

"Tui nghe nói không cho trả vé số ế nên không dám lấy nhiều. Mua bán phải lượng sức mình", bà Hà chia sẻ.

Lúc trước tui còn lấy nhiều, nhưng hiện nay không dám vì mưa gió liên miên. Nếu lấy vé số nhiều không bán được, phải "ôm". Vài ngày trước, tui "ôm" vé số ế mấy lần nên hôm nay phải lấy vé số thiếu nợ của đại lý. Bán ế phải "ôm" riết hết vốn luôn.
Ông Nguyễn Văn Phương (46 tuổi, người bán vé số dạo ngụ ở phường Nhơn Hưng, thị xã Tịnh Biên, tỉnh An Giang)

Tại sao người bán vé số dạo vẫn chưa có bảo hiểm y tế?

Lãnh đạo một công ty XSKT cho hay tại TP Cao Lãnh (Đồng Tháp), người bán vé số dạo "săn" vé số bán rất nhiều. Dù chi phí sản xuất kinh doanh vé số ngày càng tăng nhưng các công ty vẫn đảm bảo chế độ, hoa hồng cho người bán vé số dạo là 10% theo quy định. Ngoài ra, các công ty XSKT ở miền Tây còn tổ chức khám sức khỏe cho người bán vé số dạo, tặng quà Tết hằng năm...

"Các công ty XSKT đều là công ty của Nhà nước nên Nhà nước quy định gì thì các công ty đều hỗ trợ cho bà con bán vé số dạo hết. Riêng Đồng Tháp đến thời điểm này có trên 16.000 người bán vé số dạo cũng được quan tâm, chăm lo cho bà con", đại diện một công ty ở miền Tây khẳng định.

"Mỗi khi tôi mua vé số, tôi thường hỏi xem người bán vé số được hoa hồng bao nhiêu. Đa số họ nói có lời từ 1.000 - 1.200 đồng/tờ vé số. Kiên Giang cũng quan tâm, chăm lo đời sống của bà con bán vé số dạo vào mỗi dịp lễ, Tết theo quy định đầy đủ", ông Lâm Minh Đạo, giám đốc Công ty XSKT tỉnh Kiên Giang, nói.

Lãnh đạo một công ty XSKT tại miền Tây cho biết các công ty XSKT từng có chung đề xuất Bộ Tài chính cho các công ty mua bảo hiểm y tế cho người bán vé số dạo. Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ Tài chính chỉ ghi nhận ý kiến chứ không thể thực hiện theo đề xuất đó của các công ty XSKT được.

"Hằng năm, ngoài việc tặng quà và mời bữa cơm thân mật với người bán vé số dạo, các công ty đã đề xuất chế độ bảo hiểm y tế cho họ nhưng chưa được Bộ Tài chính chấp thuận. Về an sinh xã hội, các công ty XSKT chăm lo cho bà con rất nhiều như tặng quà, nhà đại đoàn kết... khoảng 50 tỉ đồng/năm.

Việc tăng kỳ vé số sẽ tăng ngân sách cho các địa phương nhưng tùy thuộc vào kinh doanh của các địa phương mà số thu ngân sách từ vé số cũng khác nhau", vị này nói.

Một giám đốc công ty XSKT khác "tiết lộ" rằng việc đề xuất mua bảo hiểm y tế cho người bán vé số dạo đã bị Bộ Tài chính từ chối vì trong thông tư quy định về hoạt động của công ty XSKT không có. "Bây giờ làm gì cũng phải theo quy định, nếu không có mà thực hiện thì sau này bị kiểm toán phát hiện sẽ rất khó ăn nói", vị này nói thêm.

Theo một cựu lãnh đạo một công ty XSKT ở miền Tây, bà con bán vé số dạo góp công rất lớn cho "việc ăn nên làm ra" của các công ty XSKT truyền thống, do vậy phải mang ơn họ. Theo vị này, ông từng nhiều lần đề xuất tăng quyền lợi cho người bán vé số dạo để họ an tâm gắn bó với nghề. "Ngoài các hỗ trợ hiện có vào dịp lễ, Tết... cần có chính sách về nhà ở, bảo hiểm, hợp đồng lao động... mang tính ổn định, theo cơ chế đặc thù. Tuy nhiên, những vẫn đề này chưa được quy định nên các công ty dù muốn cũng không thể triển khai được. Có thể việc triển khai sẽ gặp khó khăn, nhưng một khi đã quyết tâm, cái gì cũng làm được", vị này nói.

Thành lập nghiệp đoàn vé số

Sóc Trăng là một trong những tỉnh đầu tiên thành lập nghiệp đoàn vé số. Đến nay, Liên đoàn Lao động TP Sóc Trăng, thị xã Ngã Năm và huyện Trần Đề đã cho ra mắt ba nghiệp đoàn như vậy với hơn 60 đoàn viên nhằm hỗ trợ, chăm lo, bảo vệ quyền lợi và lợi ích chính đáng, hợp pháp cho người bán vé số dạo.

Bước đầu nghiệp đoàn sinh hoạt định kỳ và thường xuyên liên lạc qua nhóm chat mạng xã hội.

Nghiệp đoàn vé số được thành lập nhằm tập hợp người bán vé số dạo để tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật, hỗ trợ vốn, giúp người lao động ổn định cuộc sống. Ngoài ra, tổ chức công đoàn ở Sóc Trăng có những hoạt động chăm lo, làm cầu nối để có đề xuất với công ty XSKT xem xét, hỗ trợ kịp thời cho người lao động.

Người bán vé số dạo mòn mỏi chờ... quyền lợi - Ảnh 2.Mạnh tay cắt đại lý o ép người bán vé số dạo, được không?

'Đúng ra dịp lễ Tết phải thưởng cho người bán vé số, bán ế được trả lại. Đề nghị công ty xổ số phải chăm lo hơn cho những người bán vé số dạo vốn đã yếu thế'.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên