Thông tin do nhà thơ Hữu Việt chia sẻ với Tuổi Trẻ Online ngày 9-4. Dịch giả, GS Chúc Ngưỡng Chu chính là người dịch tác phẩm Ông cố vấn của nhà văn Hữu Mai (cha nhà thơ Hữu Việt) và nhiều tác phẩm của các nhà văn Việt Nam sang tiếng Trung.
Có thể kể đến một số cái tên như Nguyễn Huy Tưởng, Tạ Duy Anh, Bảo Ninh, Hồ Anh Thái, Trần Thùy Mai... Ông cũng là người dịch hầu hết thơ văn Chủ tịch Hồ Chí Minh sang tiếng Trung.
Thông qua bạn bè ở Trung Quốc, gia đình nhà thơ Hữu Việt đã gửi vòng qua viếng tới dịch giả với nội dung: "Vô cùng thương tiếc dịch giả Chúc Ngưỡng Tu, người bạn lớn của nhiều nhà văn Việt Nam và gia đình chúng tôi".
GS Chúc Ngưỡng Tu yêu Việt Nam chân thành
Nhà thơ Hữu Việt biết thông tin GS Chúc Ngưỡng Tu mất qua ông Hoàng Hoa Hiến, bí thư thứ hai Đại sứ quán nước CHND Trung Hoa tại Việt Nam. Ông Hiến là học trò của GS Tu.
Theo Hữu Việt, dịch giả Chúc Ngưỡng Tu dạy môn tiếng Việt ở Nam Kinh (Trung Quốc). Ông là một trí thức yêu đất nước Việt Nam một cách chân thành, hào hiệp.
Ông Tu đã mở rộng vòng tay đón chào nhiều thế hệ sinh viên Việt Nam sang Trung Quốc tu nghiệp. Không chỉ hướng dẫn các thủ tục hành chính giấy tờ, ông còn mời họ về nhà ăn cơm.
Ông từng sang Việt Nam tham dự các hoạt động quảng bá văn học Việt Nam sang nước ngoài.
Nói với Tuổi Trẻ Online, nhà thơ Hữu Việt nhận xét "đó là một người quảng giao, yêu đất nước và con người Việt Nam hiếm có".
Giọt nước mắt bên mộ Hữu Mai, dang dở với Đỗ Chu
Lúc dịch tác phẩm Ông cố vấn, ông Chúc Ngưỡng Chu và nhà văn Hữu Mai làm việc qua email với nhau.
Hai năm sau khi nhà văn Hữu Mai mất, năm 2009, ông Tu mới sang được Việt Nam. Ông mang bản thảo viết tay tiếng Trung tác phẩm Ông cố vấn gửi tặng gia đình nhà văn như một món quà kỷ niệm.
Ông đề nghị gia đình dẫn ông xuống mộ nhà văn Hữu Mai ở nghĩa trang Vạn Phúc (Hà Đông, Hà Nội). Đến nơi, ông khóc to, gọi Hữu Mai là "anh".
"Anh ơi, thế là em đến muộn mất rồi. Em sang gặp anh nhưng anh không còn nữa", Hữu Việt kể "ông đứng ở mộ rất lâu, gia đình tôi rất xúc động".
Năm 2017, Hữu Việt sang Bắc Kinh học. Vì ông Tu ở Nam Kinh nên ông đã nhờ một người bạn đến trường để tặng anh 1.000 tệ (hơn 3 triệu đồng tiền Việt). Hữu Việt nói "chú lớn tuổi, lẽ ra cháu nên là người biếu chú".
Dịch giả Chúc Ngưỡng Tu nói "đây là phong tục của người Trung Quốc khi đón bạn thân thiết. Đây là tình cảm của chú, cháu không được từ chối".
Sau khi nhà văn Hữu Mai qua đời, năm nào giao thừa ông cũng gọi điện sang hỏi thăm, chúc mừng năm mới.
Hữu Việt cũng là người kết nối ông Tu với nhà văn Đỗ Chu. Mấy năm trước, nhà văn Đỗ Chu sang Nam Kinh chơi, ông Tu bỏ hết công việc đưa nhà văn Việt Nam đi khắp nơi.
Ông dặn Đỗ Chu: "Lần sau sang thì rủ cháu Việt. Chúng ta sẽ ngao du sơn thủy, đi núi Nga Mi chơi".
Tuy nhiên sau đó dịch bệnh COVID-19 hoành hành, lời hứa hẹn đó không thành thì ông mất.
Theo lời nhà thơ Hữu Việt kể, GS Chúc Ngưỡng Tu từng nhiều lần bày tỏ mong muốn dịch văn Đỗ Chu sang tiếng Trung. Tuy nhiên, ông tự nhận vốn từ tiếng Việt của ông còn chưa tốt, "mà văn anh Chu như một cô gái đẹp, tôi không muốn biến văn anh thành bà già".
"Ông Chúc Ngưỡng Tu là một nhân cách lớn, trung thực và sòng phẳng về học thuật. Xin vĩnh biệt chú Chúc Ngưỡng Tu yêu quý!", Hữu Việt nói.
GS, dịch giả Chúc Ngưỡng Tu sinh năm 1943. Ông có thâm niên trên 40 năm giảng dạy về ngôn ngữ và văn hóa Việt tại các đại học Trung Quốc.
Ông đã giúp hàng nghìn sinh viên, học giả, nhà nghiên cứu và độc giả Trung Quốc có cái nhìn sâu sắc và toàn diện hơn về Việt Nam.
Trong bài viết của nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai đăng trên báo Tuổi Trẻ Cuối Tuần năm 2012, GS Chúc Ngưỡng Tu nói: "Cho đến thời điểm hiện tại, người Trung Quốc rất ít quan tâm đến văn học Việt Nam, mà quan tâm nhiều đến văn học của các cường quốc về kinh tế như Mỹ, Pháp, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc...
Văn học Việt Nam vẫn bị xem như văn học của nước thứ ba. Thêm vào đó, một số người Trung Quốc bây giờ "no cái bụng, đói cái đầu". Họ đọc rất ít, đọc sách báo trên mạng là chính. Việc xuất bản các tác phẩm văn học Việt Nam ở Trung Quốc vì thế rất khó khăn"
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận