Nhà ở ngoại thành Hà Nội. Cha mẹ làm công nhân nhưng đầu tư và định hướng việc học hành cho chị em Ngọc Ngà từ bé. Và cả ba chị em đều theo học ĐH Bách khoa Hà Nội.
Cảm hứng học tập từ gia đình
Ngà tự nhận hành trình học tập của mình được truyền cảm hứng rất nhiều từ người chị gái. Ấy cũng là người giúp Ngà chọn hướng đi, thúc Ngà đi tới, vun đắp ước mơ cho mình.
"Mình vốn ham chơi, chưa bao giờ nghĩ chuyện phấn đấu nhất lớp hay nhất trường như chị gái. Bước ngoặt là khi mình buộc phải chọn học gần nhà để gặp bạn bè cũ hay thi vào trường chất lượng cao nhưng xa nhà hồi vào cấp III", Ngà kể.
Chính chị gái đã định hướng Ngà thi vào trường chất lượng cao dù thực ra lúc đó Ngà không nghĩ sẽ đậu. Vậy mà lại chiếm một suất vào lớp chọn ngon lành. Ngà bảo trong một lớp toàn các bạn giỏi, mình không thể cứ lười mãi nên đã rèn cho mình ý thức học hành cao hơn.
Mãi cho đến lúc thi đại học cũng thế, Ngà chỉ nghĩ đơn giản là muốn tìm một trường không thuộc nhóm ngành kinh tế và không quá xa nhà. Trong một lần nghe bản tin thời sự, nghe được đoạn về tiềm năng và tương lai của ngành công nghệ sinh học, vậy là Ngà quyết định chọn ngành này.
Sẵn chị gái đang học ĐH Bách khoa Hà Nội, ngôi trường vốn có bề dày lịch sử và danh tiếng, nên Ngà cũng chọn thi vào đây, còn thuyết phục được cô bạn thân nhất thi vào cùng trường. Ngà nói chính ngôi trường này đã gieo duyên cho bạn đến với con đường nghiên cứu.
Học thẳng tiến sĩ tại Pháp
Hồi năm thứ 5 đại học, Ngọc Ngà được tham gia cùng phó giáo sư Trần Liên Hà trong một nhánh đề tài cấp nhà nước nghiên cứu sản xuất cồn sinh học từ rơm rạ. Nhờ đó, cô Liên Hà đã hỗ trợ Ngà nộp học bổng thực tập tốt nghiệp ba tháng tại ĐH Khoa học và Công nghệ Pohang (Hàn Quốc) - cũng chính là nơi đầu tiên cô sinh viên năm cuối thực hành kỹ thuật sinh học phân tử nhận ra đam mê nghiên cứu của mình.
Kết quả của ba tháng làm việc ấy mang về cho Ngà khá nhiều giải thưởng dành cho nhà nghiên cứu trẻ sau đó. Kết thúc khóa thực tập, bạn được giáo sư nhận luôn vào chương trình đào tạo thạc sĩ - tiến sĩ liên thông của khoa khoa học sự sống của trường tại Hàn Quốc.
Cùng với giải nhất sinh viên nghiên cứu khoa học toàn quốc, Ngọc Ngà được Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp học bổng thạc sĩ toàn phần hai năm, được quyền chọn điểm đến du học.
Quá trình tìm hiểu các học bổng và đề tài nghiên cứu, Ngà kết nối với TS Françoise Gosti. Chính vị này đã giúp Ngà xin học bổng tiến sĩ, bỏ qua chương trình thạc sĩ. Cộng với một số kết quả nghiên cứu nổi bật của Ngà, hồ sơ cũng được điểm khá tốt, có thêm sự bảo lãnh của giáo sư nên vượt qua việc quy đổi bằng cấp tương đối khắt khe tại Pháp.
Ngà đến Pháp du học với học bổng tiến sĩ toàn phần. Cô cũng tìm được công việc trợ giảng rồi sau đó tiếp tục qua Thụy Sĩ làm nghiên cứu viên sau tiến sĩ tại ĐH Lausanne.
Làm chiếc cầu nối
Nhìn lại hành trình học hành, Ngà tự nhận may mắn khi gia đình và chị gái luôn thúc cô vươn lên. Cơ hội làm việc tại Pháp giúp Ngà hiểu rõ hơn cách mà nhiều nước phương Tây định hướng nghề nghiệp cho các bạn trẻ, giúp họ có được sự lựa chọn phù hợp cho bản thân.
Ngà nói các bạn trẻ ở đó được định hướng ngay từ cấp II bằng các chương trình tham quan thực tế một tuần. Khi lên cấp III, học sinh thường xuyên được trải nghiệm tại các công ty, viện nghiên cứu. Với bạn nào không muốn tiếp tục học lên đại học mà chỉ muốn học nghề, các bạn ấy có thể tới các cửa hàng hoặc nhà hàng để thực tập.
Tại Viện nghiên cứu thực vật Trường Nông nghiệp quốc gia Montpellier, Ngọc Ngà là sinh viên quốc tế đầu tiên theo học chương trình tiến sĩ bằng tiếng Anh. Trước đó, hầu như viện chỉ đón sinh viên quốc tế đến từ một số quốc gia nói tiếng Pháp ở châu Phi.
Nhờ quá trình nghiên cứu khá ấn tượng của Ngà, viện này sau đó đã nhận thêm năm sinh viên Việt Nam sang du học tiến sĩ cùng nhiều sinh viên khác thực tập tốt nghiệp, học đại học và thạc sĩ.
"Giáo sư hướng dẫn mình rất thích sinh viên Việt Nam, nên cả khi chuyển sang Thụy Sĩ làm việc, mình vẫn hỗ trợ tuyển sinh viên từ Việt Nam sang thực tập có trả lương cho đề tài của cô", Ngà nói.
Ngoài công việc chính tại Bệnh viện ĐH Montpellier, hiện Ngọc Ngà đang phụ trách chương trình "Tương hỗ phát triển" do Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global) thực hiện. Chương trình tập trung phát triển các dự án cộng đồng giúp người dân phát triển kinh tế từ nội lực của địa phương thông qua các mô hình kinh tế đổi mới sáng tạo, đang triển khai tại huyện Mù Cang Chải (Yên Bái).
Cô còn đồng hành cùng AVSE Global trong dự án kết nối đối tác quốc tế về trồng rừng đa dạng sinh học tại các địa phương của Việt Nam. Hoạt động trong khuôn khổ chương trình tổng thể về tín chỉ carbon với hy vọng việc phát triển các dự án tín chỉ carbon trong lĩnh vực rừng giúp người dân sống với rừng được cải thiện cuộc sống bền vững.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận