Nhiều đơn vị khẳng định sẽ áp dụng nhiều giải pháp, công nghệ mới lạ trong livestream bán hàng để "cứu" người bán hàng, đặc biệt tiểu thương các chợ.
Tiết kiệm đến 70% chi phí
Là một trong những doanh nghiệp tham gia sự kiện "Ngày hội mua sắm, giải trí trực tuyến TP.HCM 2023 - Chợ di sản Bến Thành", Công ty Aeyes Global - đơn vị sở hữu công nghệ người ảo Al livestream bán hàng - đã ghi nhận những thành công hơn dự kiến khi người ảo của họ đã giúp tiểu thương chốt hơn 900 đơn hàng với doanh số thu về cả trăm triệu đồng chỉ trong 18 tiếng đồng hồ livestream.
Chia sẻ với Tuổi Trẻ, ông Thái Dương, phụ trách tiếp thị Công ty Aeyes Việt Nam, cho biết trong sự kiện này, người ảo AI bán tốt nhất đã đạt doanh số 30 triệu đồng, các AI còn lại dao động trong khoảng 15 - 20 triệu đồng.
Ông Dương cho biết công nghệ AI livestream vốn đã được Trung Quốc ứng dụng rất tốt trong khoảng một năm trở lại đây. Aeyes Global đã học hỏi mô hình và đem về phát triển, ứng dụng tại Việt Nam. AI này đóng vai trò là một trợ lý ảo hỗ trợ cho hoạt động livestream truyền thống, với những ưu điểm vượt trội: livestream liên tục 24/7 không hề mệt mỏi, vận hành cực đơn giản với thao tác trên phần mềm, giảm tải cho người thật livestream...
Không chỉ bán hàng, AI livestream còn có thể ứng dụng vào những công việc như chăm sóc khách hàng, hỏi đáp trực tuyến 24/7, review sản phẩm, sáng tạo nội dung...
Đặc biệt, ông Dương tiết lộ khi triển khai AI livestream, "một nhân sự có thể vận hành từ
5 phiên AI livestream cùng lúc chỉ với 5 bộ máy tính. Nó giúp tiết kiệm thời gian, chi phí vận hành của một phiên livestream lên tới 70% khi tối ưu được chi phí booking KOC/KOL, tổ chức nhân sự ê kíp, thiết bị live...".
Cùng chung nhận định, chuyên gia Trương Hoàng Thọ, giám đốc sáng tạo của Dizim - nền tảng sáng tạo video với người ảo bằng AI - cho rằng hình thức livestream ảo mang lại những lợi ích đáng kể so với phương thức truyền thống.
"Đầu tiên, với AI livestream, hệ thống sẽ hoạt động không ngừng nghỉ, 24/7, việc tổ chức các phiên ảo cũng đơn giản hơn. Thứ hai, AI livestream có khả năng giới thiệu một loạt sản phẩm đa dạng, có thể lên tới 1.000 sản phẩm cùng lúc, giúp mở rộng khả năng tiếp cận với khách hàng, mà hình thức truyền thống khó làm được", ông Thọ cho biết.
Lượng đơn hàng vượt mong đợi
Ngày hội mua sắm, giải trí trực tuyến TP.HCM khép lại với những kết quả ấn tượng: gần 19.000 đơn hàng được bán, thu hút hơn 150 triệu lượt theo dõi tại các phiên livestream.
Trong phiên live trọng điểm diễn ra vào tối 15-12, gian hàng của bà Nguyễn Thụy Bảo Trân - tiểu thương sạp mứt kẹo Ngọc Châu - đã "cháy hàng". Theo đó, chỉ trong 5 phút đầu kết hợp livestream với các KOC và KOL, gần 100 đơn hàng được bán.
Chia sẻ với báo chí sau phiên live, bà Trân cho hay sạp của bà chưa bao giờ bán được nhiều và nhanh như vậy, kết quả vượt mong đợi. Trước phiên live, bà Trân chỉ dám kỳ vọng sạp sẽ được mọi người biết đến rộng rãi hơn.
Trong khi đó, bà Phan Thị Lài - tiểu thương bán áo dài - chia sẻ chỉ trong 2 giờ kết hợp cùng hot TikToker Linh Barbie (18,9 triệu lượt theo dõi) và Trương Nhã Dinh,
bà bán được hơn 20 chiếc áo dài, gấp 3-4 lần so với ngày thường. "Doanh thu tương đương những ngày cao điểm Tết. Sau khi thử trải nghiệm hỗ trợ các hot TikToker livestream, tôi thấy cũng không quá khó, vừa sức", bà Lài nói.
Nhân rộng câu chuyện của chợ Bến Thành
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 17-12, ông Đinh Hồ Duy Ngọc, trưởng ban quản lý chợ An Đông (quận 5), cho biết từ năm ngoái đến nay đã mời báo cáo viên, TikToker về tập huấn livestream bán hàng cho hơn 100 tiểu thương. Những tiểu thương được tập huấn đã bắt đầu bán online và ghi nhận sức mua tăng 25 - 30% so với khi không bán online.
"Thời gian tới, chợ sẽ phối hợp để tăng mạnh tần suất tập huấn bán hàng online. Thay vì ngồi chờ khách như trước, các tiểu thương phải tự giới thiệu sản phẩm của mình", ông Ngọc nhận định.
Cũng theo ban quản lý chợ An Đông, câu chuyện livestream bán hàng tại Bến Thành là hoạt động hay lúc mãi lực tại chợ truyền thống giảm mạnh. Do đó, chợ sẽ tìm hiểu để báo cáo lên các cấp, sau đó triển khai cho hiệu quả.
Đại diện Phòng Kinh tế quận Gò Vấp cho biết sẽ tăng hỗ trợ cho tiểu thương để đẩy mạnh hoạt động livestream bán hàng online, trong đó sẽ tập trung mạnh ở các chợ có quy mô lớn, bán sỉ như Hạnh Thông Tây.
Đại diện Sở Công Thương TP.HCM cho hay hoạt động livestream bán hàng này được sở kết hợp với các đơn vị khác thực hiện và bước đầu mang lại những hiệu quả nhất định về sức mua. Tuy nhiên, sẽ có những điều chỉnh cho phù hợp để tiếp tục triển khai mạnh hơn trong năm tới với quy mô dự kiến tăng mạnh, đảm bảo mục tiêu các quận đều áp dụng mô hình này cho chợ lẻ một cách hiệu quả.
Siết chặt quy định bán hàng
Ông Đặng Hữu Sơn, CEO Công ty Lovin Bot AI, cảnh báo khi hình thức livestream bằng AI quá dễ để tổ chức, không có khác biệt giữa các doanh nghiệp thì khách hàng sẽ bị "bội thực" và có xu hướng tìm đến các đơn vị có uy tín, chất lượng hàng hóa và hiểu khách hàng, thay vì tương tác với một AI ảo.
Theo ông Đinh Hồ Duy Ngọc, ngoài các hoạt động như giới thiệu kênh bán hàng của tiểu thương liên tục trên kênh online, chỉnh sửa, góp ý từng video tiểu thương đăng lên sao cho hiệu quả, chợ đã có những khuyến cáo, thậm chí quy định nghiêm hơn. Cụ thể, các tiểu thương phải cam kết chất lượng, niêm yết giá cụ thể, bán hàng đúng giá như trên livestream, tăng khuyến mãi nếu có thể...
"Phải thay đổi cách bán hàng, phải hút khách bằng uy tín để giữ chân khách hàng đã có, và tìm kiếm thêm khách hàng mới. Kênh online hiện nay, nếu tiểu thương còn nói thách, chiêu trò thì khó tồn tại, ảnh hưởng đến uy tín chợ", ông Ngọc nói.
Nhiều tiểu thương vẫn "ngại" bán online
Theo khảo sát của TikTok Shop, nhiều tiểu thương vẫn "ngại" bán online, lý do chủ yếu do vấn đề kỹ thuật. Tuy rất hào hứng chuyển đổi bán online nhưng bà Lê Thị Ngọc Nga - tiểu thương bán đồ lưu niệm - bày tỏ lo lắng bởi gặp khó về công nghệ, đầu tư máy móc, khâu đóng hàng, giao hàng... không biết ra sao.
Trong khi đó, dù "cháy hàng" nhưng bà Nguyễn Thụy Bảo Trân - tiểu thương sạp mứt kẹo Ngọc Châu - cho hay tình trạng đơn ảo khá nhiều. "Bán online không khó, nhưng để có khách quá khó. Hàng bán trên các sàn thương mại điện tử rẻ rề, hàng chợ gánh thêm các loại thuế phí nên khó cạnh tranh nổi về giá".
Sẽ còn phát triển mạnh
Theo Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, từ 11 đến 16-12, viện đã phối hợp cùng ban quản lý chợ Bến Thành làm việc với 70% tiểu thương và họ đều có mong muốn chuyển đổi. Định hướng mục tiêu là lan tỏa mô hình này đến các chợ, tổ chức, mô hình kinh doanh trên địa bàn. Ngoài ra, sẽ khảo sát và tiếp thu kết quả để có thể đưa ra những nghiên cứu đề xuất cho hình thức kinh doanh mới này để nâng cao tính hiệu quả.
Trong khi đó, đại diện TikTok cho biết dù đã đạt những thành công nhất định nhưng đơn vị cần thời gian để đánh giá kỹ lại chiến dịch của chợ Bến Thành để năm sau thực hiện tốt hơn.
"Chắc chắn một điều là các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ, các tiểu thương, bà con nông dân hay hộ kinh doanh đơn lẻ ở vùng sâu vùng xa, những người chưa có các công cụ, kiến thức, chưa có cơ hội tiếp cận với công nghệ sẽ là đối tượng ưu tiên mà TikTok hướng đến trong năm sau", đại diện đơn vị này khẳng định.
Với xu hướng ứng dụng AI ngày càng rộng rãi, ông Đặng Hữu Sơn, phó chủ tịch Liên minh phát triển nguồn nhân lực số Việt Nam (AIID), nhận định AI livestream chắc chắn sẽ trở nên phổ biến và bùng nổ trong tương lai do khả năng mở rộng và tiện lợi. Tuy nhiên, AI khó hoàn toàn thay thế KOL hay các streamer chuyên nghiệp.
Chẳng hạn ở sự kiện livestream tại chợ Bến Thành vừa qua, ông Sơn cho rằng đó là một sự giao thoa cần thiết giữa truyền thống và công nghệ mới, không thay thế lẫn nhau. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh ở thị trường truyền thống như chợ Bến Thành, nơi việc tạo dựng niềm tin và mối quan hệ lâu dài với khách hàng là yếu tố then chốt.
Một số chuyên gia cũng cho rằng hiện AI livestream còn hạn chế trong nhiều tính năng, chẳng hạn giọng đọc vẫn chỉ ở mức cơ bản, khả năng tương tác của người ảo cần phải có thời gian đào tạo để học được nhiều hơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận