Người Anh vẫy cờ trong đêm Brexit - Ảnh: AFP
Từ góc độ kinh tế, những người Anh bỏ phiếu ủng hộ Brexit không có lợi từ Brexit, nhưng tôi cũng tin rằng Vương quốc Anh cần kiểm soát vận mệnh của mình.
Chuyên gia Robert Fig chia sẻ với Tuổi Trẻ
Anh đã chính thức rời Liên minh châu Âu (EU) vào đúng 23h ngày 31-1 (giờ GMT) - 6h sáng 1-2 theo giờ Việt Nam. Sự kiện này, còn gọi là Brexit, chấm dứt 3 năm rưỡi đầy biến động, tranh cãi, thay đổi và hoài nghi kể từ lúc quá nửa số người Anh bỏ phiếu chọn ra đi.
Giành quyền tự quyết
Vì sao người Anh phải rời EU, hay ít nhất - chính xác hơn - tại sao quá nửa số người Anh đi bỏ phiếu chọn phương án này? Câu trả lời là: giải quyết khúc mắc về tự do thị trường, về những quyết sách chính trị như nhập cư và đóng góp cho ngân sách EU...
Nhưng tất cả những phân tích này đều không còn xuất hiện trên báo chí Anh trong ngày "ra đi" nữa, đơn giản vì người ta đã nói về nó quá nhiều sau từng ấy năm.
Vào thời điểm vừa có kết quả bỏ phiếu trưng cầu, cảm nhận của đa số là người Anh đã làm chuyện gì đó kinh khủng, đi ngược lại với xu hướng toàn
cầu hóa của thế giới, đã chọn chia cách thay vì hội nhập, đã chọn con đường chủ nghĩa dân tộc cực đoan thay vì hợp tác... Cách nghĩ này càng khiến người Anh hoang mang hơn, thậm chí các đợt khảo sát trên báo sau đó cho thấy cử tri Anh đã "suy nghĩ lại" về quyết định tách khỏi EU.
Nhưng vì sao không có chuyện "trưng cầu lần hai"?
Sau gần 4 năm, khi cảm giác mất mát qua đi, người ta có thể bình tĩnh suy nghĩ lại để dành sự tôn trọng lớn nhất cho một kết quả bỏ phiếu. Các học giả và chuyên gia phân tích ở Anh nhấn mạnh giá trị của nền dân chủ. Cử tri Anh, nhất là những người bỏ phiếu chọn ra đi, không thể bị phản bội. Họ không dư thời gian để bỏ phiếu đi, bỏ phiếu lại. Tiếng nói của họ cần được tôn trọng.
"Điều đó có nghĩa đây không phải là vấn đề của các bạn mà là vấn đề của nước Anh vì nó cho thấy sự thiếu lãnh đạo của Chính phủ Anh cũng như không có khả năng thực thi quyết định dân chủ. Nền dân chủ vốn là nền tảng lại vắng mặt trong EU" - Alan Hudson, giám đốc chương trình Lãnh đạo và chính sách công tại Đại học Oxford, nói với Tuổi Trẻ.
Ông Hudson lý giải rằng người Anh xem EU - một "chính quyền trung ương" - đã không đáp ứng nguyện vọng của họ, mà đây lại là hậu quả từ chính quyền Anh, những người không nỗ lực đủ để đảm bảo lợi ích của nhân dân.
Ngắn gọn hơn, Robert Fig - chuyên gia phân tích về rủi ro - cho rằng một bộ phận lớn người Anh không cảm nhận được ích lợi từ việc làm thành viên EU, bị cô lập, nên chính những người này đã bỏ phiếu rời EU.
Thuốc thử cho sự đoàn kết
Quyền kiểm soát vận mệnh và lợi ích của nó là những gì phe chọn rời EU muốn nỗ lực chứng minh. Nói cách khác, những lãnh đạo được bầu lên cho sứ mệnh đưa Anh rời khỏi EU như bà Theresa May hay ông Boris Johnson hiện nay cần chứng tỏ khi tự thi hành chính sách không cần san sẻ hay chịu sự chi phối của Brussels, Vương quốc Anh sẽ phát triển tốt hơn.
Vậy quyền tự kiểm soát có ý nghĩa gì với người Anh? Theo ông Hudson, Anh sẽ gặp khó khăn nhưng đổi lại có thể tự định hướng chính nó trong nền kinh tế toàn cầu và không bị mối quan hệ với EU hạn chế, và "điều này có nghĩa người Anh có trong tay thứ gì đó có thể giao dịch được".
Một thực tế là hiện nay các nước khác khi đàm phán với thị trường lớn như EU đều mất rất nhiều thời gian và không phải lúc nào cũng cần "cả EU" xét tới việc thế mạnh và lợi ích tiềm năng của từng thành viên EU là rất khác nhau.
Ông Hudson lấy ví dụ Anh có thể tự định hình vị trí của mình và mối quan hệ với Trung Quốc: "Trung Quốc đang ngắm nghía EU. Bắc Kinh có vấn đề lớn khi đàm phán với EU bởi họ có nhu cầu khác nhau trong mối quan hệ với từng quốc gia khác nhau. Cái họ thực sự muốn là mối quan hệ với ngành sản xuất ở Đức và dịch vụ tài chính của Anh".
Ngoài ra, đối với những người không ủng hộ EU, nếu thoát khỏi ràng buộc của khối 28 thành viên này (nay là 27 sau khi Anh ra đi), người Anh có thể dễ dàng hơn trong việc xây dựng hợp tác với Đức. Đó cũng là cách lãnh đạo Đảng Brexit Nigel Farage phát biểu ngày 31-1: "Chúng tôi yêu châu Âu, chúng tôi chỉ ghét EU thôi".
Sự kiện Brexit chính vì vậy là liều thuốc thử cho tính đoàn kết của cả các lãnh đạo Anh lẫn khối EU. Để tối ưu hóa lợi thế khi rời EU cũng như giảm thiểu thiệt hại, người Anh cần sự đồng lòng từ nhân dân và sự nhất trí của giới chóp bu. Để Brexit không phải là vết nứt tạo ra sự sụp đổ hoàn toàn, các lãnh đạo EU cũng cần xây dựng niềm tin nơi 27 quốc gia còn lại.
Thủ tướng Johnson: "Đó là sự khởi đầu mới"
Chia tay là sự kết thúc hay khởi đầu mới? Điều đó không chỉ phụ thuộc vào cách nhìn của từng người, mà quan trọng nhất là nỗ lực của Chính phủ Anh. Thủ tướng Anh Boris Johnson khẳng định Brexit "không phải là sự kết thúc. Đó là sự khởi đầu mới".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận