Người anh hùng ở hồ Sa Pa

MAI HƯƠNG - HIỀN VI 23/04/2012 21:04 GMT+7

TTCT - Đó là một buổi tối mà cái giá lạnh bao trùm toàn thị trấn Sa Pa xinh đẹp, nhiệt độ xuống chỉ còn 12oC. Chúng tôi - hai cô sinh viên - háo hức rủ nhau khám phá vẻ đẹp thơ mộng quanh hồ Sa Pa, cái hồ nằm lọt thỏm giữa lòng trung tâm thị trấn.

Phóng to
Ảnh: M.H.

Bỗng phía trước, chúng tôi nhìn thấy một bóng người đang lao xuống hồ. Tá hỏa. Chúng tôi cùng mấy người ở gần đó chạy đến rồi lao ra đường hét với “vô-lum” to nhất có thể: “Cứu người! Có ai không? Có người rơi xuống hồ! Cứu với!”.

Tiếng hét của chúng tôi nhanh chóng thu hút sự chú ý của nhiều người, ai cũng hốt hoảng chạy tới nhưng tất cả đều đứng khựng lại trước mép hồ. Một người lên tiếng: “Không cứu được đâu. Hồ này sâu đến 7m cơ mà”. Nghe vậy chúng tôi tiếp tục chạy ra đường la lớn cầu cứu. Bỗng từ phía nhà nghỉ VT bên kia đường, một người đàn ông nước ngoài to béo lật đật chạy ra cùng hai người con gái của ông.

Không một chút do dự, ông cởi phăng cái túi dân tộc Mèo đang đeo trên người ném sang một bên, đẩy cô con gái nhỏ xíu chừng 5 tuổi cho chúng tôi sau câu dặn dò: “Coi chừng em bé giúp” rồi lao xuống hồ. Mọi người thấy vậy hét lên hốt hoảng: “Mau đưa ghế cho ông ấy bám vào”. Cô con gái nhỏ của ông khóc thét lên khi thấy nước hồ nuốt chửng người cha to lớn của mình.

Hai phút sau, người đàn ông nước ngoài đã nâng được chàng trai dại dột kia lên. Rồi mọi người đưa một chiếc ghế gỗ xuống để kéo ông lên. Sau đó tất cả đều xúm lại hô hấp, cấp cứu người toan tự tử. Còn người anh hùng thì lặng lẽ cùng hai cô con gái trở lại nơi mà ông đã chạy ra. Chúng tôi chạy theo dùng khăn quàng cổ lau nước trên người cho ông.

Toàn thân ông ướt sũng. Lạnh ngắt. Đôi môi tím tái, ông thở mạnh, gương mặt cười nhẹ nhõm nhưng chưa hết căng thẳng (ảnh). Hỏi ra mới biết ông tên Allan, 56 tuổi, người Úc, làm việc cho một tổ chức phi chính phủ và hiện đang đi dạy một lớp học tình thương ở Sa Pa. Khi được hỏi có lạnh không, ông lắc đầu cười hóm hỉnh, trong khi chúng tôi tuy đội mũ len và mang găng tay vẫn thấy cái rét xuyên thấu.

Tạm biệt người anh hùng, chúng tôi quay lại đám đông. Anh chàng kia đã tỉnh, mùi rượu bốc lên nồng nặc. Anh chàng người dân tộc Mông khóc nấc lên và luôn miệng nói: “Tại sao không để tôi chết? Cho tôi chết đi còn hơn. Vợ tôi bỏ tôi rồi, bố mẹ tôi chửi mắng tôi, con cái chẳng ra gì. Sao không cho tôi chết?”. Mọi người xúm lại khuyên can mãi anh chàng dại dột này mới nín khóc và nguôi ngoai.

Bánh tráng trộn

Tòa nhà khổng lồ nằm ở trung tâm thành phố. Nó phản chiếu ánh mặt trời màu đỏ buổi chiều vào tầng kính xanh biếc, trong veo. Sự sang trọng óng ánh lên cả gương mặt các cô gái trẻ với những chiếc váy xếp li thẳng mượt, gót giày kiêu sa và màu son đỏ rực trên môi.

Văn phòng hết giờ. Các cô với áo váy sang trọng và son môi ào ra khỏi khối hình xanh biếc và nhiều ánh sáng, dừng chân nơi một bà già ngồi thu lu cạnh một quang gánh quê mùa.

Bà lôi ra từ hai cái thúng móc quai của mình nào xoài, trứng cút, túi đựng bánh tráng, rau răm, tôm khô. Váy sang trọng và giày cao gót ngồi ngay xuống cạnh bà, son môi đỏ rực bắt đầu nói bà cho nhiều tôm khô, ít xoài, nhiều muối. Bà nhanh tay trộn bánh, miệng móm mém cười kể chuyện dạo này bà hay mua trứng cút ở đâu, giá bánh tráng lên quá.

Các cô choàng chiếc túi da đồ hiệu qua vai, tay cầm túi bánh tráng của bà. Miệng cười. Ánh đỏ của hoàng hôn pha vào lớp kính xanh biếc. Bà lão vừa đưa túi bánh vừa móm mém cười:

- Mai ghé ăn cho bà nghen.

TTCT cảm ơn các bạn: Ninh Thị Kiều Hạnh, Phan Thi Luyen, Lương Hoài Sơn, Lê Tấn Thời,... đã gửi bài viết cho mục Nhật ký thành phố. Mọi thư từ, bài vở cộng tác mục này xin gửi: [email protected], mục Nhật ký thành phố.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận