23/12/2010 04:32 GMT+7

Người anh hùng đi tìm đồng đội

VÕ QUÝ CẦU
VÕ QUÝ CẦU

TT - “Mình có tâm nguyện đi tìm đồng đội thì không lặng lẽ đâu mà được anh em, bà con giúp đỡ rất nhiều...” - anh hùng lực lượng vũ trang Phạm Đình Nghiệp ở P.Nguyễn Nghiêm, TP Quảng Ngãi (tỉnh Quảng Ngãi) thổ lộ như vậy về công việc thời gian qua của mình.

c2aeg8iE.jpgPhóng to

Ông Phạm Đình Nghiệp với cuốn sổ tay ghi nơi tìm mộ liệt sĩ - Ảnh: V.Q.C.

Mặc dù chỉ còn hai năm nữa là đến tuổi thất thập nhưng trông ông còn rất nhanh nhẹn, khỏe mạnh. Ông kể: “Tôi quê ở xã Phổ Cường, Đức Phổ. Cha mẹ là cơ sở cách mạng bị bắt bỏ tù. Ngoài cửa địch đánh dấu gia đình Việt cộng để theo dõi, cách ly. Năm 1962, tôi thoát ly vào bộ đội chủ lực tỉnh Quảng Ngãi. Cuối năm đó, tôi được Tỉnh đội Quảng Ngãi chọn để tham gia thành lập trung đội đặc công mang mật danh Tổng 25... Cứ vậy, cuộc đời gắn liền với quân ngũ”. Sau chiến tranh, ông Nghiệp tham gia thực hiện nghĩa vụ quốc tế trên đất Campuchia. Đến năm 1989, ông về nghỉ hưu với hàm trung tá, trung đoàn trưởng trung đoàn 972 của Tỉnh đội Nghĩa Bình (cũ).

Trở về đời thường, cuộc sống khó khăn, ông làm đại lý vé số, tham gia trồng rừng trên dốc Yên Ngựa, xã Long Sơn, huyện Minh Long. Trong túi ông lúc nào cũng có một quyển sổ tay và cây bút bi để khi có ai báo nơi chôn liệt sĩ đặc công là ghi lại để đi tìm hoặc gia đình liệt sĩ khó khăn thì vận động anh em, đồng đội cùng giúp đỡ. Cũng nhờ đó mà gia đình liệt sĩ Huỳnh Mau ở Phổ Cường (huyện Đức Phổ), thân nhân liệt sĩ Đỗ Hữu Phước, xã Tịnh Ấn Đông (huyện Sơn Tịnh)... có được nhà mới.

Năm 2007, khi bệnh phù thận tái phát, ông Nghiệp đến Bệnh viện Quân y 17, Đà Nẵng điều trị thì nhận được tin của đại tá Nguyễn Xuân Thụ, nguyên trưởng phòng đặc công Quân khu 5, vào tìm hài cốt liệt sĩ của tiểu đoàn đặc công 406 tham gia chiến dịch Mậu Thân ở khu vực bờ xe đôi nằm bên sông Trà Khúc, P.Lê Hồng Phong, TP Quảng Ngãi. Vậy là ông quên cả bệnh, tất tả tìm về cùng anh em khai quật, đưa hài cốt 48 liệt sĩ về nghĩa trang.

Tháng năm đổi dời. Việc tìm hài cốt liệt sĩ càng khó khăn. Để tiến hành khai quật hài cốt liệt sĩ hi sinh tháng 1-1968 tại thị trấn Chợ Chùa, huyện Nghĩa Hành vào tháng 9-2010, ông Nghiệp phải mất hơn hai năm trời. Bắt đầu bằng sự tình cờ có người quen nói về ông Sáu Phú, từng là thợ điện của chi khu quận lỵ Nghĩa Hành, biết nơi chôn các liệt sĩ đặc công hi sinh là ông tìm đến ông Sáu Phú. Rồi qua ông Sáu Phú, ông tìm đến nhiều người dân hoặc người từng cầm súng cho địch ở huyện lỵ Nghĩa Hành để hỏi chuyện...

Chủ tịch UBND huyện Đức Phổ Lê Văn Mùi sau khi khai quật tìm được hài cốt liệt sĩ, nói: “Có nhiều người như chú Nghiệp thì công tác tìm kiếm hài cốt liệt sĩ ở tỉnh sẽ đạt kết quả hơn nhiều...”.

Cũng với lòng nhiệt tình nên ông Nghiệp được ông Võ Hồng Sáu - nguyên trung đội phó đặc công ở đường Nguyễn Bá Loan, bà Nguyễn Thị Thu Hiền - nguyên là chiến sĩ đặc công ở đường Chu Văn An (TP Quảng Ngãi), bà Nguyễn Thị Xuân Lan - nguyên là cơ sở trong chiến tranh ở xã Hành Thiện (huyện Nghĩa Hành)... tích cực tham gia tìm kiếm, xác lập hồ sơ liệt sĩ.

Khi những hồ sơ chứng cứ tạm đủ, ông cùng đồng đội đi trình ngành chức năng, xin gặp bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi, phó chủ tịch UBND tỉnh để trình bày. Sự nhiệt tình của ông và đồng đội đã được đáp đền. Tháng 9-2010, 93 liệt sĩ, trong đó có 48 liệt sĩ thuộc đơn vị đặc công hi sinh trong trận đánh vào huyện lỵ Nghĩa Hành năm 1968 đã được tìm thấy.

Ông Nghiệp cho biết hiện đang cùng anh em đi tìm đồng đội ở khu vực Phổ Minh (Đức Phổ), Nghĩa Thắng (Tư Nghĩa). “Cái lạ là khi mình có tâm nguyện thì được mọi người giúp đỡ nhiều lắm. Chúng tôi cảm thấy không cô đơn trong việc làm ý nghĩa này” - ông nói.

VÕ QUÝ CẦU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên