Paul Scholes phải từ chức chỉ sau 1 tháng dẫn dắt Oldham - Ảnh: Sky News
Mới đây, Paul Scholes đã phải từ chức HLV trưởng CLB Oldham đang chơi ở... Giải hạng ba Anh sau chuỗi trận đầy thất vọng - giành được vỏn vẹn 1 chiến thắng trong 7 trận.
Quãng thời gian làm việc ở Oldham của cựu tiền vệ M.U cũng chỉ kéo dài đúng 1 tháng trời. Như vậy, 6 năm sau ngày giải nghệ, sự nghiệp HLV của Scholes vẫn chỉ là một con số 0 tròn trĩnh.
Trước Scholes, thế hệ vàng 1992 của M.U cũng nhiều lần gây thất vọng trên băng ghế HLV.
Ryan Giggs không thể trụ lại được ở chính đội bóng cũ sau thời gian ngắn dẫn dắt đội với tư cách HLV tạm quyền.
Gary Neville - người khá thành công với sự nghiệp bình luận viên và đặc biệt nổi tiếng trong việc chê bai các HLV khác - trở thành một trò hề bởi quãng thời gian tồi tệ ở Valencia. Anh bị Valencia sa thải sau 4 tháng cầm quân mà chỉ mang đến 3 trận thắng cho đội bóng.
Nicky Butt không có tiến bộ nào hơn công việc HLV học viện của M.U. Còn Phil Neville sau đợt làm trợ lý ở Valencia cho anh trai Gary nay đã chuyển sang dẫn dắt tuyển bóng đá nữ Anh.
Thật ra sẽ là bất công nếu cười cợt mỗi thế hệ danh thủ của M.U, bởi những ngôi sao người Anh của Arsenal, Liverpool hay Chelsea cũng chẳng có gì khá hơn.
Thế hệ các cựu danh thủ Anh sinh năm 1960-1970 đang ở vào lứa tuổi đỉnh cao nhất của nghề HLV.
Trong khi đó, thế hệ này của người Ý có Antonio Conte, Gennaro Gattuso đang là những HLV nổi tiếng tầm thế giới; người Pháp cũng có Didier Deschamps, Zinedine Zidane; Tây Ban Nha có Pep Guardiola, Luis Enrique; Hà Lan có Ronald Koeman, Frank Rijkaard; Đức có Jurgen Klinsmann, Thomas Doll...
Trong khi đó, suốt 10 năm qua người Anh chỉ đào tạo được duy nhất một HLV có chút tên tuổi là Gareth Southgate - người đang dẫn dắt tuyển tam sư.
Nhưng tài năng của Southgate vẫn cần thêm thời gian để thẩm định, bởi trước khi nắm quyền tuyển Anh ông cũng chưa từng gặt hái thành tích nào đáng kể.
Sự lép vế của các HLV người Anh thể hiện ngay ở chính Premier League. Trong số 20 CLB Premier League hiện tại, chỉ có 5 đội là sử dụng HLV người bản địa gồm Bournemouth, Burnley, Cardiff, Crystal Palace và Fulham.
Trong khi đó, con số tương tự của La Liga là 17/20, của Bundesliga là 12/18, và Serie A thậm chí là 19/20 (chỉ mỗi mình Bologna sử dụng HLV không phải người Ý).
Không thể nói vì Premier League chất lượng hơn các giải khác nên đòi hỏi gắt gao hơn, bởi bóng đá Anh cũng chẳng "xuất khẩu" được HLV tài giỏi nào ra nước ngoài.
Trong khi đó Premier League lại ngập tràn những chiến lược gia người Đức, người Tây Ban Nha, người Ý...
Không có năng lực trên con đường HLV, phần lớn các cầu thủ Anh chọn cho mình con đường làm bình luận viên, như Michael Owen, Rio Ferdinand hay Jamie Carragher.
Chính Paul Scholes và Gary Neville trước khi thử sức với công việc HLV cũng thường xuyên cộng tác với các đài truyền hình.
Thời còn thi đấu, Scholes nổi tiếng là người khiêm tốn, kiệm lời nhưng sau khi giải nghệ, anh đặc biệt... nói nhiều, thường xuyên chỉ trích các HLV của M.U.
Và dường như chính công nghệ truyền thông của Anh một phần làm hại sự nghiệp HLV của các cựu danh thủ.
"Những gã nói nhiều thường không làm được gì" - nhiều người hâm mộ đã châm chọc Neville và Scholes như vậy.
Liverpool thắng nhọc Fulham
Tối 17-3 (giờ VN), Liverpool đã đánh bại Fulham với tỉ số 2-1 trên sân khách ở vòng 31 Giải ngoại hạng Anh.
Phải nhờ đến pha lập công trên chấm phạt đền của James Milner ở phút 81, Liverpool mới có thể ấn định được chiến thắng đầy vất vả trước đối thủ nằm trong nhóm xuống hạng.
Nhưng chiến thắng này cũng là đủ để Liverpool tạm vượt mặt Manchester City (mới đá 30 trận) để vươn lên ngôi đầu với 76 điểm, nhiều hơn đối thủ 2 điểm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận