Mặc dù không như thời gian trước cách ly nhưng không khí bên bờ sông Hằng đã bớt phần hiu quạnh - Ảnh: AFP
Cuộc sống đang dần trở lại bình thường giữa những ngôi đền thần thánh của Haridwar, một trong những nơi linh thiêng nhất của Ấn Độ giáo bên bờ sông Hằng.
Sự xuất hiện của người dân thập phương đang đưa dòng sông huyền thoại này trở lại không khí linh thiêng bao trùm vốn có.
Những người dân ngồi chờ đợi bên bờ sông Hằng - Ảnh: AFP
Haridwar là một thành phố du lịch tâm linh nổi tiếng của Ấn Độ, thường có hàng chục ngàn du khách đổ về khắp đất nước để ngâm mình trong dòng nước thánh của sông Hằng và thực hiện các nghi lễ cầu nguyện ven sông vào lúc hoàng hôn.
Ấn Độ hiện vẫn đang trong giai đoạn giãn cách xã hội ngăn sự lây lan của COVID-19 - Ảnh: AFP
Đại dịch đã cướp đi hơn 15.000 sinh mạng và lây nhiễm cho hơn nửa triệu người dân Ấn Độ. Lần đầu tiên trong lịch sử nước này, người dân không được phép đến sông Hằng hay bất kỳ ngôi đền thánh nào để hành hương.
Tất cả người dân đều phải ở trong nhà tránh dịch.
Những người dân ngoan đạo đã bắt đầu quay trở lại sông Hằng - Ảnh: AFP
Người dân Ấn Độ chia sẻ rằng cách đây 100 năm, khi đại dịch cúm Tây Ban Nha làm chao đảo Ấn Độ và thế giới, các nghi lễ cầu khấn và hỏa táng trên bờ sông linh thiêng vẫn được diễn ra.
Sau vài tháng thực hiện phong tỏa cách ly, cách đây vài tuần chính phủ Ấn Độ đã nới lỏng các quy tắc, ngay cả khi số trường hợp tử vong vẫn tăng lên. Những người dân ngoan đạo đã bắt đầu quay trở lại sông.
Tuy vậy, thay vì phát các bài tụng kinh, loa phóng thanh của Haridwar thông báo cho mọi người quy tắc an toàn trong đại dịch, như đeo khẩu trang và dùng nước rửa tay.
Người dân được yêu cầu giữ khoảng cách khi hành lễ - Ảnh: AFP
Các đền thờ xung quanh sông Hằng cũng đặt quy tắc yêu cầu các tín đồ giữ khoảng cách an toàn với nhau và không chạm tay vào tượng các vị thần mà họ thường chạm vào trước đó.
Không khí khá lặng lẽ, không bằng một phần nhỏ thời gian trước khi có đại dịch nhưng cũng bớt đi cảm giác cô tịch như khi còn cách ly.
Một người dân cầm trên tay bản ghi chép "gia phải 11 đời" của một gia đình đến đây hành lễ - Ảnh: AFP
Sông Hằng dài 2.510km bắt nguồn từ dãy Hymalaya của Bắc Trung Bộ Ấn Độ, chảy theo hướng Đông Nam qua Bangladesh và chảy vào vịnh Bengal.
Đối với người dân Ấn Độ, dòng sông này không chỉ là một nguồn nước của hàng triệu người sống dọc theo nó và phụ thuộc vào nó hàng ngày mà còn là minh chứng lịch sử của nhiều triều đại, là nơi gửi gắm niềm tin, linh hồn của người dân.
Người dân từ mọi miền xa xôi của Ấn Độ đều tìm về sông Hằng để dâng hương - Ảnh: AFP
Thành phố Haridwar thường tắc nghẽn quanh năm vì lượng người dân về hành hương đông đúc. Chạy dọc hai bên bờ sông là các ngôi đền thánh, cửa hàng bán sách tôn giáo, đồ tạo tác, quần áo, đồ chơi và đồ cúng.
"Đại dịch khiến chúng tôi lo lắng nhưng dù vậy vẫn cần làm điều gì đó cầu phúc cho cả gia đình", một người dân chia sẻ với AFP.
Một gia đình đang thực hiện nghi lễ cầu khấn bên sông Hằng - Ảnh: AFP
Người dân đến sông Hằng để hành lễ, dâng hương, hoa, gạo lên các ngôi đền hai bên bờ, để hỏa táng người thân, ghi danh một ai đó mới sinh hoặc mới mất vào cuốn sách gia phả gia tộc, để ngâm mình trong dòng chảy huyền thoại, hoặc đơn giản là đến để đắm mình trong không gian linh thiêng nơi đây.
Người dân sau khi thực hiện nghi lễ tôn giáo thường cắt tóc hoặc tắm trên sông Hằng - Ảnh: AFP
Mặc dù sông Hằng luôn nằm trong danh sách những dòng sông ô nhiễm nặng nhất thế giới nhưng không khiến người dân bận tâm.
Việc thực hiện giãn cách xã hội dường như cũng góp phần làm dòng sông trông có vẻ "sạch" hơn.
Điều đó càng thúc đẩy những người dân xuống ngâm mình trong dòng sông hơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận