Sáng 27-9, cánh truyền thông Việt Nam đổ xô đến nhà thi đấu Xiaoshan Guali, nơi diễn ra môn wushu. Điều đó là do một cái tên: Dương Thúy Vi.
Nói vậy bởi trong ngày này, các môn Olympic quan trọng như bơi lội, thể dục dụng cụ, bắn súng, judo… đều có VĐV Việt Nam thi đấu.
"Đề cao câu chuyện chứ không phải huy chương" - đó là khẩu hiệu mà nước chủ nhà Singapore đề ra khi tổ chức SEA Games 2015. Đây là một kỳ SEA Games được ca ngợi là "đạt tiêu chuẩn Olympic". Câu khẩu hiệu này lập tức được các nước hưởng ứng.
Nhưng tất nhiên, những tấm huy chương cũng luôn mang lại câu chuyện. Câu khẩu hiệu của Singapore giúp người hâm mộ có cái nhìn thoáng hơn, có chiều sâu hơn về đấu trường thể thao. Cô gái "khóc trong mưa" Bou Samnang của Campuchia ở SEA Games 32 mới đây là một ví dụ điển hình.
Nhưng thành tích vẫn luôn luôn là thứ các VĐV, các đội tuyển, các đoàn thể thao và cánh truyền thông hướng đến tại mọi kỳ đại hội. Những VĐV không bỏ cuộc đã nỗ lực vô cùng, thì những VĐV đoạt huy chương lại càng nỗ lực gấp bội. Ở sân chơi tầm châu lục như Asiad, huy chương lại càng là niềm tự hào của một nền thể thao.
Những ngày qua, thể thao Việt Nam lại có rất ít những niềm tự hào như thế tại Asiad 19. Lần lượt Indonesia, Thái Lan đã giành HCV (thậm chí là nhiều), thì cho đến hết ngày 27-9, thành tích tốt nhất của các VĐV Việt Nam chỉ là HCB môn bắn súng của xạ thủ Ngô Hữu Vương.
Bản lĩnh Dương Thúy Vi
Và như một thông lệ, cứ khi nào cần HCV lại nhìn… Dương Thúy Vi. Đã rất nhiều lần cô gái wushu sắm vai người mở hàng HCV cho đoàn Việt Nam, đặc biệt tại những kỳ đại hội thể thao mà thành tích của đoàn không mấy ấn tượng như Asiad Incheon 2014.
Phải thừa nhận rằng trong làng thể thao Việt, Thúy Vi xứng đáng được xem là biểu tượng cho tính chuyên nghiệp và bản lĩnh thi đấu khi cô có thể vượt qua kiểu sức ép như thế.
Cô gái Hà Nội một lần nữa chứng tỏ bản lĩnh tuyệt vời. Buổi sáng, Thúy Vi thi phần kiếm thuật (trong nội dung kép kiếm thuật và thương thuật) rồi xếp hạng 6. Với thứ hạng đó, Thúy Vi hầu như không có cửa giành huy chương. Nhưng trong màn thi thương thuật vào buổi chiều, cô đã nỗ lực lội ngược dòng, xếp hạng 2 phần thi này để rồi chung cuộc giành được HCĐ.
Một chiếc huy chương có đầy đủ sắc thái của bản lĩnh, sự kiên cường và bền bỉ. Ở tuổi 30, trong kỳ Asiad có thể là cuối cùng của mình, Thúy Vi làm được như thế đã là quá tốt.
Nợ một lời xin lỗi
Nhiều phóng viên Việt Nam, trong đó có tôi, nợ Thúy Vi một lời xin lỗi vì đã không thể nán lại thêm vài giờ để chứng kiến cú nước rút ngoạn mục của cô. Nhưng quả thật, sức ép của việc phải săn tìm khoảnh khắc vinh quang nhất trong ngày khiến cánh phóng viên Việt Nam cứ mải miết chạy chỗ này sang chỗ nọ ở một thành phố rộng hơn 16.000km2 (gấp 8 lần Sài Gòn, 5 lần Hà Nội).
Buổi trưa 27-9, sau phần thi đầu tiên của Thúy Vi, chúng tôi di chuyển vội vàng sang nhà thi đấu Lin'an của môn taekwondo, cách đó hơn 70km, khi nghe tin Bạc Thị Khiêm thắng trận tứ kết hạng cân 67kg nữ. Mới đến nửa đường đã nghe tin Khiêm… thua trận bán kết, thế là đành quay đầu sang Qi-Yuan Hall - địa điểm đấu môn cờ vua.
Tại đây, vào lúc 17h (giờ địa phương), kỳ thủ Lê Tuấn Minh có trận quyết đấu với Wei Yi của Trung Quốc ở vòng 8. Nếu thắng được Wei Yi, Tuấn Minh sẽ áp sát tấm HCV trước khi đánh trận cuối ở vòng 9. Và rồi khi vừa đặt chân đến trước cửa, tôi nghe tin… Lê Tuấn Minh bại trận.
Theo chia sẻ của lãnh đội Nguyễn Minh Thắng, Tuấn Minh vì quá mong muốn giành HCV đã đi nước cờ mạo hiểm, dẫn đến bại trận thay vì chấp nhận một trận hòa. Có thể hiểu được cho khát khao này của Tuấn Minh.
Rốt cuộc, trong ngày 27-9, tôi di chuyển trên dưới 150km mà hầu như không chạm được vào một khoảnh khắc thực sự đáng giá nào tại Asiad 19. Trong khi thật ra, câu chuyện lội ngược dòng của Thúy Vi hay chiến thắng bất ngờ của Bạc Thị Khiêm trước đối thủ Hàn Quốc ở môn taekwondo chính là chân giá trị của thể thao.
Đáng nể các láng giềng
Và ở góc độ đó, có thể nghĩ đến việc thể thao Việt Nam cũng đang lãng phí những giá trị chân thật như vậy, từ các VĐV vốn là tài năng hiếm có nhưng cứ phải ngược xuôi cho những mục tiêu không đáng. Như Huy Hoàng - người 5 năm trước suýt thắng huyền thoại làng bơi Tôn Dương (Trung Quốc) ở nội dung 1.500m tự do ở Asiad 2018.
Sở trường bơi cự ly dài là vậy, đến SEA Games, Hoàng bơi một loạt nội dung, trong đó có cả nội dung 200m bướm để mang về thật nhiều HCV. Và rồi sau 5 năm, Hoàng cũng mất luôn vị thế ở châu lục. Điều tương tự từng xảy ra với Ánh Viên.
Có thể hiểu được cho áp lực Huy Hoàng hay Ánh Viên phải chịu, cũng như loại áp lực nghề nghiệp của cánh phóng viên chúng tôi phải trải qua. Nhưng từ đó lại càng thấy Thái Lan, Indonesia hay Singapore, Philippines đáng nể đến thế nào. Họ vừa ồ ạt ở SEA Games, lại sở hữu cả những nhà vô địch châu lục, những nhà vô địch thế giới…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận