Nghệ sĩ Sébastien Laval đã biến cầu Trường Tiền trở thành một không gian triển lãm thú vị - Ảnh: Tiến Long |
"Tôi muốn mọi người ngước mắt lên, đó cũng là sự thay đổi cái nhìn về người dân tộc thiểu số" Nghệ sĩ Sébastien Laval |
Tất bật trong suốt một buổi trưa, nghệ sĩ Sébastien Laval (Pháp) đã biến cầu Trường Tiền trở thành một “phòng triển lãm ảnh” rất thú vị. 62 bức ảnh đen trắng chụp người dân tộc thiểu số tại VN được ông treo lên phía trên những vài cầu. Người đi qua cầu không thể không đi chậm lại để ngước mắt lên xem ảnh.
Sébastien tâm sự rằng ông muốn treo những bức ảnh đen trắng vốn tĩnh lặng đó trên nền một bức tranh nhiều màu sắc đang dịch chuyển phía dưới; ở đó người ta rộn ràng qua lại, gợi cho người xem nhiều suy nghĩ về sự lãng quên đối với những thân phận người nơi rẻo cao - những phận người mà thường ngày chúng ta có xu hướng quên đi bởi dòng chảy cuồn cuộn của cuộc sống. Điều ông muốn gửi gắm đã vượt qua những gì được đóng khuôn trong khuôn hình. “Thường một cuộc triển lãm, các tác phẩm sẽ được đặt ngang tầm mắt của người xem. Nhưng lần này tôi muốn mọi người ngước mắt lên, đó cũng là sự thay đổi cái nhìn về người dân tộc thiểu số” - ông Sébastien nói. Người xem còn cảm nhận ở đó một thông điệp khác nữa: lâu nay chúng ta thường nhìn về người thiểu số bằng cái nhìn từ trên xuống, còn bây giờ thì chúng ta cần ngước mắt lên!
Để có được bộ ảnh này, Sébastien phải mất tám năm rong ruổi, sống chung với người dân tộc thiểu số khắp cả nước VN. Quãng thời gian đó đủ để ông có những thấu hiểu sâu sắc về cộng đồng này. Điều ấn tượng và lôi cuốn ông chính là sự đa dạng và khác biệt về lối sống, tạo nên bức tranh đa sắc của văn hóa Việt. Mỗi tác phẩm của Sébastien ghi lại khoảnh khắc hết sức tự nhiên, bình dị của những con người nơi rừng sâu núi thẳm. “Đôi khi trong dòng đời vội vã, chúng ta nên lắng lại một chút để cảm nhận về những giá trị khác” - Sébastien trầm tư.
Họa sĩ Nguyễn Thiện Đức, chủ tịch Hội Mỹ thuật Thừa Thiên - Huế, cho rằng triển lãm này là một tác phẩm nghệ thuật sắp đặt: sắp đặt ảnh. Những bức ảnh được sắp đặt một cách rất sáng tạo, trên chiếc cầu vốn đã quen thân với bao người. Khi qua cầu, du khách và người Huế như đi dưới cái bóng của quá khứ, để cảm nhận một sự kết nối giữa quá khứ và hiện tại, từ đó có thái độ ứng xử phù hợp hơn với những giá trị truyền thống.
Bên lề Festival Huế còn có một triển lãm ảnh nho nhỏ, trong bệnh viện (mới xây dựng ở số 3 Ngô Quyền) với tên gọi khá lạ: Cái nhìn chéo của hai người chơi ảnh nghiệp dư là bà Dominique de Miscault (Pháp) và ông Trần Quốc Hùng (VN). Bà Dominique de Miscault tâm sự khi đến VN, bà thích nhất là những hình ảnh cuộc sống đời thường bình dị của người dân. Còn ông Trần Quốc Hùng, khi đến Pháp, cũng đã say sưa chụp những cảnh đẹp ở quê hương của bà. Tình cờ hai người gặp nhau, cho nhau xem “chéo” những tác phẩm, và nhận ra rằng cái đẹp luôn có mặt quanh ta. “Đôi lúc chúng ta quá thờ ơ với những gì diễn ra xung quanh nên cứ muốn rời bỏ chốn thân thương để hướng đến chân trời mới lạ. Tôi muốn gửi gắm mọi người rằng nếu chúng ta hòa vào cuộc sống thì dù bất cứ ở đâu cũng tìm được một góc yên bình” - bà Dominique de Miscault chia sẻ.
Truyền hình trực tiếp lễ hội áo dài Đêm nay 14-4, Festival Huế diễn ra loạt chương trình của đêm diễn thứ hai. Tại Đại Nội có nhiều chương trình mới lạ của các đoàn nghệ thuật đến từ các nước: ban nhạc Deep Blue của Úc, nghệ sĩ Benjamin Schoos của Bỉ, nhóm song tấu guitar Umbral của Uruguay. Tại cung An Định tiếp tục nhạc hội điện tử với chương trình Lãng du cùng vô tận. Lúc 20g30 tại sân khấu quảng trường Ngọ Môn diễn ra lễ hội áo dài với chủ đề Thế giới trong tà áo dài Việt, truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1, VTV4. |
------------------------------------
* Tin bài liên quan:
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận