Người ta chửi anh ca sĩ đạo nhạc, anh ấy được chục triệu view. Chửi cô ca sĩ không biết hát, cô ấy cũng thành công tương tự. Chửi cô giáo chửi học sinh, cô ấy nổi tiếng. Rồi chửi sang cả nền giáo dục...
Tôi không phải là chuyên gia truyền thông, nhưng tôi tin rằng trong các chiến lược truyền thông ngày nay, có một chiến lược tên là "chọc chúng chửi". Rất nhiều clip "bóc phốt" và những "bài" chửi đầu tiên luôn xuất phát từ chính chủ nhân trong vai trò nạn nhân đó. Càng được chửi càng nổi tiếng. Chửi hay cũng nổi tiếng. Mà chửi không có gì, cũng vui?!
Tôi không phủ nhận những mặt tốt của việc phản biện xã hội, nhưng việc công kích, chửi mắng những điều được cho là xấu, bằng những lời lẽ thô tục lại là một việc đáng để bàn.
Một trong những tiêu chí phân biệt quân tử và tiểu nhân, theo Khổng Tử là: Người quân tử chỉ thấy cái tốt của người, kẻ tiểu nhân chỉ thấy cái xấu của người.
Trên mạng cũng lưu truyền câu chuyện, rằng có một bộ lạc ở châu Phi, khi có ai đó làm điều sai trái, họ sẽ mang người đó ra giữa làng, và tất cả mọi người đứng xung quanh người đó trong vòng 2 ngày để nói về những điều tốt đẹp mà người đó từng có, từng làm.
Bộ lạc này tin rằng ai cũng đều là người tốt, nhưng vẫn có khi mắc lỗi lầm. Và khi mắc lỗi chính là khi người tốt đó cần được giúp đỡ. Cả bộ lạc sẽ cùng nhau giúp đỡ để người đó trở về với bản chất tốt đẹp của chính mình.
Mỉa mai, chửi mắng, nguyền rủa... từ thô tục đến tinh tế, từ giản đơn đến hoa mỹ cao xa đã dần dần được cho là một dạng "văn hoá trên mạng". Chưa bao giờ tôi thấy việc chê bai, dè bỉu, dèm pha, mắng nhiếc người khác lại đa dạng và dễ dàng đến vậy.
Trước đây tôi vẫn nghĩ, phải thông minh lắm mới nhìn ra được những thứ sâu cay bên trong một sự thật, giờ thì điều đó thật sự bình thường đến tầm thường.
Chửi đúng thì cũng đành, chưa biết gì cũng chửi, thấy người khác chửi thì chửi theo, tin thật cũng chửi, tin giả cũng chửi....
Có bao giờ ta tự hỏi, rằng trong số những lời mắng chửi, phê phán hay ho mà ta nghĩ ra, ta đọc, ta share (chia sẻ), ta tham gia kia mang lại bao nhiêu giá trị tốt đẹp cho cuộc sống, hay cho riêng những cá nhân, tập thể mà ta "bảo vệ"? (Mà ta có đang bảo vệ cái gì khi chửi như thế không?)
Có bao giờ người ta tự hỏi, sau khi thỏa mãn xong cơn cuồng nộ, sôi máu, trút hết những cay độc mà họ cho là hay ho kia, thì còn lại gì, cho chính bản thân và cho cuộc sống không? Chắc có lẽ là không, đơn giản vì ta lại bận rộn lao vào cơn chửi mới.
Thay vì phẫn nộ và chia sẻ những lời cay độc, có thể nào chúng ta lắng lại một chút, một hôm thôi, để suy nghĩ về những điều trên?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận