Phóng to |
Trong số những phụ nữ phải phá thai này có đến 63.000 trường hợp tử vong, và 5,3 triệu phụ nữ bị mất sức tạm thời hoặc vĩnh viễn do phá thai không an toàn. Giáo sư Lee P. Shulman - Đại học Northwestern (Hoa Kỳ) - cho biết như vậy tại hội thảo “Lựa chọn mới trong ngừa thai” do Vụ Sức khỏe bà mẹ và trẻ em (Bộ Y tế) phối hợp với Bệnh viện phụ sản Từ Dũ tổ chức ngày 17-1-2010.
Những trường hợp không nên sử dụng thuốc viên tránh thai kết hợp là: có huyết khối, tiểu đường có tổn thương mạch máu, bệnh gan nặng, bị u gan (lành, ác tính), nghi ngờ hoặc đã biết có bệnh ác tính ở cơ quan sinh dục hoặc ở vú, xuất huyết âm đạo không rõ nguyên nhân, có thai hoặc nghi ngờ có thai, dị ứng với bất cứ thành phần nào của thuốc. |
Châu Á là nơi có tỉ lệ phụ nữ phá thai không an toàn cao nhất thế giới với hàng chục triệu trường hợp được thống kê trong năm 2005. Số phụ nữ phá thai dưới 25 tuổi chiếm đến 30% trường hợp phá thai không an toàn.
Tránh thai là “chìa khóa” để giảm thai nghén ngoài kế hoạch, thế nhưng hằng năm vẫn có khoảng 137 triệu phụ nữ không dùng biện pháp tránh thai nào. Không chỉ vậy, một nghiên cứu của Unicef được GS Lee P. Shulman báo cáo tại hội thảo này cho thấy hằng năm trên thế giới còn có 15 triệu phụ nữ bị thương tật liên quan đến thai nghén, sinh nở và nhiễm khuẩn.
Đa số họ không được điều trị. Chưa kể có 300 triệu phụ nữ khác phải sống với những vấn đề sức khỏe, mất sức do các biến chứng liên quan tới thai nghén và sinh nở. Một thống kê cho thấy tỉ lệ phá thai chung ở phụ nữ châu Á độ tuổi sinh đẻ từ 15-44 tuổi là 33%.
Theo báo cáo của bác sĩ Dương Phương Mai - trưởng khoa kế hoạch hóa gia đình, Bệnh viện phụ sản Từ Dũ - chỉ trong chín tháng đầu năm 2009 tại TP.HCM có đến 75.000 trường hợp phá thai. Đáng lưu ý là số phụ nữ trẻ đi phá thai, kể cả lứa tuổi vị thành niên ngày càng gia tăng theo thời gian. Tỉ lệ tuổi phá thai trung bình có xu hướng trẻ hóa là do tình trạng quan hệ tình dục sớm của giới trẻ hiện nay.
Tránh thai cách nào?
Theo GS Lee P. Shulman, việc sử dụng các biện pháp tránh thai hiện gia tăng đều ở các nước. Tuy nhiên, nhu cầu tránh thai vẫn chưa được đáp ứng đầy đủ nên số trường hợp có thai ngoài kế hoạch vẫn tiếp tục tăng, với ước tính 340 triệu trường hợp có thai ngoài kế hoạch xảy ra trong thời gian 1995-2000.
Bác sĩ Dương Phương Mai cho biết ở các nước phát triển, trong số 28 triệu phụ nữ mang thai mỗi năm có đến 49% có thai do vỡ kế hoạch, 36% trong số vỡ kế hoạch này phải nạo phá thai. Tại TP.HCM, chín tháng đầu năm 2009 có khoảng 76% số cặp vợ chồng áp dụng các biện pháp tránh thai. Những biện pháp tránh thai hiện có là dụng cụ tử cung, viên uống tránh thai, bao cao su, thuốc tiêm tránh thai, màng ngăn, triệt sản nữ, triệt sản nam, cấy que ngừa thai, ngừa thai tự nhiên và các biện pháp khác.
Theo bác sĩ Phương Mai, tránh thai bằng dụng cụ tử cung là phương pháp phổ biến nhất hiện nay tại VN. Tuy vậy, nhiều phụ nữ vẫn chọn ngừa thai tự nhiên trong khi phương pháp này cho tỉ lệ thất bại cao. Xu hướng phụ nữ sử dụng thuốc viên tránh thai kết hợp cũng tăng lên những năm gần đây, đây là biện pháp tránh thai an toàn, hiệu quả nhưng tỉ lệ sử dụng không cao bằng dụng cụ tử cung và còn thất bại do sử dụng không đúng cách.
Nhiều phụ nữ hiểu lầm dùng thuốc viên tránh thai kết hợp sẽ không thể có con sau khi ngưng thuốc (nhiều nghiên cứu cho thấy khả năng có con trở lại sau khi ngưng thuốc một năm là 79,4% và 88,3% sau hai năm), có hại cho sức khỏe phụ nữ và làm tăng nguy cơ ung thư.
Theo GS Lee P. Shulman, ước tính đến năm 2025 trên thế giới có khoảng 2.600 triệu cặp vợ chồng mới cần tránh thai. Vì thế, việc tham vấn giúp phụ nữ xua tan những quan niệm sai lầm về viên tránh thai và các biện pháp tránh thai khác là hết sức cần thiết. Các cơ sở y tế phải có trách nhiệm tư vấn lựa chọn biện pháp tránh thai dựa trên nhu cầu của từng người, bởi không có biện pháp tránh thai nào thích hợp cho tất cả phụ nữ.
Trên thực tế thuốc viên tránh thai ngày càng được cải tiến theo hướng nâng cao mức độ hài lòng và chất lượng cuộc sống cho phụ nữ, mang lại nhiều lợi ích khác nhưng chưa được thông tin đầy đủ là: giảm mụn trứng cá, giảm có thai ngoài tử cung, giảm các bệnh vú lành tính, u sợi tuyến vú, giảm u nang buồng trứng chức năng, giảm nguy cơ nhiễm trùng vùng chậu, giảm rong kinh, giảm thiếu máu thiếu sắt, giảm hành kinh đau, giảm vô sinh nguyên phát, giảm u xơ tử cung, giảm nguy cơ ung thư nội mạc tử cung và ung thư buồng trứng. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận