Trước đó, ngày 17-3, bệnh viện tiếp nhận ông N.X.C. (59 tuổi) và ông N.V.C. (54 tuổi, cùng trú huyện Trảng Bom) nhập viện trong tình trạng bất tỉnh, sùi bọt mép khi ngủ gần máy phát điện.
Sau khi tiếp nhận, bác sĩ khẩn trương hội chẩn, chỉ định điều trị oxy cao áp cho hai bệnh nhân (đây là phương pháp đặc hiệu để điều trị bệnh nhân bị ngộ độc khí CO).
Theo đó, bệnh nhân được đưa vào trong máy oxy cao áp, sử dụng oxy ở áp lực cao để tăng lượng oxy hòa tan trong máu.
Tiếp đó, điều chỉnh mức độ cho phép để giảm thời gian bán hủy của khí CO… Bệnh nhân sau đó dần hồi phục, đang tiếp tục theo dõi, điều trị các bước tiếp theo tại bệnh viện.
Bác sĩ Đặng Thanh Thế - trưởng khoa y học cổ truyền Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất - cho biết khí CO sản sinh từ việc đốt than, máy phát điện trong không gian kín và rất nguy hiểm.
Riêng hai bệnh nhân trên nếu phát hiện trễ thêm khoảng 1-2 tiếng sẽ rơi vào tình trạng hôn mê, ngưng hô hấp tuần hoàn, suy đa tạng và dẫn đến tử vong. Sau khi được điều trị, hiện sức khỏe của hai bệnh nhân đã ổn định, tỉnh táo và có thể xuất viện trong tuần tới.
Bác sĩ khuyến cáo người dân khi mua máy phát điện nên chọn loại có hiệu suất biến đổi năng lượng cao để tiêu thụ hết số xăng dầu đưa vào, biến nguyên liệu này thành điện thay vì khí thải độc hại.
Sử dụng máy phát điện ở nơi thoáng khí, tuyệt đối không để trong phòng kín, phòng nhỏ chật hẹp.
Khi phát hiện người bị ngạt khí cần nhanh chóng mở cửa thông khí, đưa bệnh nhân ra khỏi nơi có khí độc. Trường hợp nạn nhân thở yếu hoặc bất tỉnh cần đưa ngay đến bệnh viện gần nhất để điều trị kịp thời.
Theo một số người sống chung khu trọ, trưa 17-3 mất điện nên chủ trọ mở máy phát điện để làm việc. Lúc này, ông N.X.C. và ông N.V.C. sau khi bán vé số về đã ngủ trưa trong phòng trọ cách máy phát điện khoảng 6m.
Đến 16h ngày 17-3, chủ trọ không thấy hai người đàn ông dậy đi bán vé số như thường lệ nên đến tìm thì phát hiện cả hai nằm bất tỉnh, sùi bọt mép nên vội vàng đưa đi cấp cứu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận