Trong cuộc sống hiện đại như ngày này, nhiều người gần như suốt ngày lên mạng xã hội. Trẻ em và thanh thiếu niên hầu như mắt không rời khỏi màn hình, hết xem tivi rồi đến điện thoại, ipad, và máy tính. Lạm dụng nhiều những thiết bị này là một trong nguyên nhân dẫn đến hiện tượng “Social jet lag”.
Hiện tượng “Social jet lag” xuất hiện khi có sự chênh lệch giữa đồng hồ sinh học của cơ thể và nhịp điệu sinh học hằng ngày. Những người bị “Social jet lag”, thường ngủ trễ hơn vào những ngày cuối tuần so với những ngày trong tuần.
Bên cạnh lý do lạm dụng các trang thiết bị điện tử và mạng xã hội, theo các chuyên gia sức khỏe, về mặt sinh học, ở độ tuổi dậy thì, nhịp sinh học của thanh thiếu niên thay đổi và làm cho giờ ngủ trễ hơn khoảng 2 giờ. Vì vậy, thanh thiếu niên cảm thấy tỉnh táo hơn vào buổi tối và dễ thức khuya hơn.
Tác hại của “Social jet lag”
Theo trang web cung cấp thông tin về sức khỏe WebMD, những người bị “Social jet lag” có nguy cơ cao bị thừa cân hay béo phì. Một nghiên cứu phân tích thói quen ngủ của 85.000 người ở Anh đã phát hiện ra rằng những người có chu kỳ ngủ sai lệch có thể bị trầm cảm, lo lắng và không cảm thấy hạnh phúc hơn những người ngủ đúng giờ.
Theo CNN, đối với thanh thiếu niên, các nghiên cứu trước đây cho thấy thanh thiếu niên ngủ ít hơn 8 tiếng mỗi đêm cũng có thể mắc béo phì, đau nửa đầu, lạm dụng chất kích thích, lười tập thể dục, có cảm giác trầm cảm và ý nghĩ tự tử. Thời gian ngủ ban đêm từ 4 - 7 tiếng làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, rối loạn chức năng trao đổi chất, tiểu đường loại 2, buồn ngủ trong khi lái xe và thêm các bệnh khác nữa.
Bệnh viện Nhi đồng Mercy chia sẻ thanh thiếu niên có thể bị mệt mỏi vào ban ngày, khó tập trung, mắc các vấn đề về dạ dày (táo bón hoặc tiêu chảy), các vấn đề về hành vi, và nguy cơ chuyển hóa.
Cách để thoát khỏi “Social jet lag”
CNN chia sẻ người bị “Social jet lag” nên cố gắng đi ngủ sớm 2 đến 3 tiếng trước giờ họ thường đi ngủ và tương tự đối với thức dậy, dậy sớm hơn 2 đến 3 tiếng trước giờ thường thức dậy. Hoặc họ nên cố gắng ngủ và thức đúng giờ. Những người bị “Social jet lag” nên tiếp xúc với ánh sáng ngoài trời nhiều nhất có thể vào buổi sáng và hạn chế tiếp xúc với ánh sáng vào ban đêm. Hãy tập thể dục vào buổi sáng. Ăn sáng càng sớm càng tốt sau khi thức dậy, ăn trưa và tối đúng giờ mỗi ngày - nhưng không ăn tối sau 7 giờ tối. Không uống caffeine sau 3 giờ chiều và không ngủ trưa sau 4 giờ chiều.
Đối với thanh thiếu niên, ba mẹ cố gắng đánh thức con dậy trễ chỉ hơn 1 hoặc 2 tiếng vào những ngày cuối tuần. Chẳng hạn như, chúng thường dậy vào lúc 6 giờ mỗi ngày thì trong những ngày cuối tuần, chúng nên được đánh thức dậy vào lúc 7 - 8 giờ.
Ba mẹ cố gắng kêu con đi ngủ sớm hơn nửa giờ mỗi đêm mặc dù biết rằng con mình ở độ tuổi này khó đi ngủ sớm được. Ba mẹ cố gắng làm gương cho con bằng cách tắt tivi và vào phòng ngủ 1 giờ trước khi đi ngủ để thư giãn và bắt đầu giấc ngủ. Ba mẹ và cả con đều không sử dụng bất kỳ loại thiết bị điện tử nào để xem trong phòng ngủ. Tất cả các bài tập về nhà và truyền thông xã hội hoặc truyền hình nên được làm và xem bên ngoài phòng ngủ. Bộ não cần biết rằng phòng ngủ chỉ dành cho giấc ngủ.
Một thói quen thư giãn trước khi đi ngủ nên được hình thành khi chúng ta bước vào phòng ngủ. Ngoài ra, ba mẹ có thể tạo thói quen thư giãn như thưởng thức một số bản nhạc nhẹ nhàng, tập yoga gia đình hoặc thiền định. Bên cạnh đó, một phòng ngủ mát mẻ và tối giúp cơ thể ngủ sâu và lâu hơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận