03/04/2012 07:39 GMT+7

"Ngủ quên" trên chuẩn

HƯNG HÀ
HƯNG HÀ

TT - Việc xây dựng các tiêu chí trường chuẩn quốc gia ở các bậc học, tiến tới một mức chất lượng và chuẩn ngang tầm quốc tế là mục tiêu mà giáo dục nước nhà đang hướng đến. Chính vì thế, thước đo chuẩn quốc gia đã được nhiều tỉnh thành tích cực phấn đấu. Kết quả là số trường đạt chuẩn quốc gia các mức độ ngày càng nhiều.

Thế nhưng ở nơi này nơi kia, không ít trường đã rớt chuẩn và có nguy cơ sẽ bị rớt chuẩn. Nhiều trường cứ lo giữ chuẩn và lo rớt chuẩn, không còn động lực phát triển cao hơn, vững chắc hơn. Tại sao lại có thực trạng này?

Có thể thấy tiêu chuẩn trường chuẩn quốc gia ở các cấp học, tiêu chí cơ sở vật chất và giáo viên giỏi là quan trọng nhất. Theo Quy chế công nhận trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia hiện nay của Bộ GD-ĐT: “Trường có tối đa không quá 30 lớp, mỗi lớp có tối đa không quá 35 học sinh. Có ít nhất 20% số giáo viên đạt danh hiệu dạy giỏi cấp huyện (quận, thị xã) trở lên, 50% số giáo viên đạt danh hiệu dạy giỏi cấp trường”.

Sự thiếu kế hoạch tổng thể, dài hạn và ngắn tầm chiến lược của các cấp quản lý giáo dục (chủ yếu là nhà trường) khiến nhiều trường trở tay không kịp. Ngoài yếu tố khách quan tác động như dân nhập cư ngày càng cao, xây dựng các khu công nghiệp, khu thương mại, khu dân cư... mà không chú ý đến quy hoạch trường lớp, còn có nguyên nhân chủ quan là nhà trường chưa có những dự báo đón đầu cho tương lai. Không có dự báo nên số học sinh tăng đột biến, số học sinh vào học vượt ngoài khả năng tiếp nhận của nhà trường, lúc đó giật mình tìm cách khắc phục thì đã quá muộn. Những giải pháp tình thế là tăng sĩ số mỗi lớp, dồn lớp học để giải quyết nhu cầu thực tế đang cấp bách, vậy là vỡ chuẩn về cơ sở vật chất.

Bên cạnh đó, việc thiếu đầu tư vào phát triển đội ngũ giáo viên dẫn đến chất lượng không tương xứng với tiêu chí trường chuẩn. Chưa chú ý đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho giáo viên trẻ, giáo viên kế cận, những người giàu kinh nghiệm hay lớn tuổi. Vì thế khi giáo viên về hưu, chuyển trường thì đội ngũ kế thừa chưa đáp ứng nổi thực tế, thiếu hụt giáo viên có danh hiệu, có năng lực chuyên môn giỏi. Rớt tiêu chí này cũng là lẽ đương nhiên.

Kinh nghiệm xây dựng, củng cố và phát triển trường chuẩn quốc gia cho thấy hiệu trưởng phải có một tầm nhìn xa. Với những tham mưu tích cực, sâu sát, người đứng đầu nhà trường cần tranh thủ sự quan tâm của các cấp về quy hoạch, đầu tư, bổ sung về cơ sở vật chất, xây dựng trường lớp. Song song đó, cần có kế hoạch đào tạo, nâng chất lượng giáo viên, xây dựng đội ngũ có tay nghề cao, tạo thuận lợi, thu hút giáo viên giỏi cống hiến, giữ chân họ cùng gánh vác và xây dựng nhà trường.

HƯNG HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên