Phóng to |
Ảnh minh họa |
Có thể nói Windows XP là hệ điều hành Windows chạy ổn định nhất cho tới khi Windows 7 ra đời. Cả hai hệ điều hành trước đó (Windows Me, phát hành năm 2000) và sau đó (Windows Vista, phát hành năm 2007) đều 'chán hơn cơm nếp nhão".
Kẻ kế thừa không làm hổ danh Windows XP là Windows 7. Phiên bản cuối cùng của Windows XP là Service Pack 3 (build 2600, phát hành tháng 4-2008).
Các số liệu thị trường vào tháng 3-2014 cho thấy Windows XP vẫn được sử dụng khá nhiều trên thế giới, cho dù sau nó đã có Windows Vista, Windows 7, Windows 8 và Windows 8.1. Theo StatCounter, thị phần của Windows XP chiếm 18,6%; ngay cả ở Mỹ, nó cũng còn chiếm 15% thị trường.
NetMarketShare dùng phương pháp thống kê khác tính luôn số máy tính hiếm khi online và tính ra rằng Windows XP đang có mặt trong 27,7% tổng số máy tính trên toàn thế giới.
Theo Hãng phân tích Net Applications, đến tháng 2-2014 vẫn còn gần 20% số máy tính ở Mỹ đang chạy Windows XP. Nhà cung cấp công nghệ thông tin cho doanh nghiệp Softchoice cho biết khoảng 40% số doanh nghiệp đủ mọi tầm cỡ vẫn còn dùng Windows XP với những mức độ khác nhau. Trong 7% số doanh nghiệp đó, có tới hơn 80% thiết bị vẫn còn chạy Windows XP.
Thật ra câu chuyện về sự trường thọ của Windows XP có nhiều khía cạnh, cả chủ quan lẫn khách quan. Một phần phải nói cũng do cách làm của Microsoft. Và không ít người đã buộc phải chung sống với Windows XP, bụng muốn "ly hôn" nhưng chớ dám đưa tay cắt đứt dây chuông!
Thời Windows XP ra đời, thế giới số khác hẳn bây giờ. Hồi đó, cả thế giới chưa kịp hoàn hồn với "nguy cơ tận thế số Y2K". CPU ngon cơm là Intel Pentium III và Celeron. Bộ nhớ thì ngon lành nhất là SDRAM (loại DDR chỉ mới được phê chuẩn). Ổ đĩa cứng HDD xài giao diện ATA, dung lượng dăm ba chục GB (lúc đó mỗi GB trị giá hàng chục USD).
"Điện toán đám mây" cho nghĩa là những file đính kèm theo các email của Hotmail và Yahoo Mail. Mạng xã hội có lẽ là danh sách bạn bè trong dịch vụ nhắn tin AOL Instant Messenger. Nói chung là Windows XP được bào chế cho những hệ thống mạnh mẽ cách đây hơn chục năm.
Bản thân Windows XP tuy chạy ổn định nhưng lại dị ứng với virus. Khi nó lên 5 tuổi, tình trạng an ninh của nó tệ tới mức Microsoft phải cho ra đời một bản cập nhật tương đương một hệ điều hành mới gọi là Windows XP Service Pack 2. Sau hơn 10 năm được cập nhật các bản vá các lỗ hổng bảo mật, Windows XP vẫn "yếu cơ bản", dễ tổn thương trước các virus.
Năm 2007, Windows Vista ra đời để thay thế Windows XP. Nhưng điều nghiệt ngã là nhiều máy tính đang chạy Windows XP lại không đủ cấu hình để chạy Windows Vista, đặc biệt là giao diện hào nhoáng Aero Glass của hệ điều hành mới. Hơn nữa, Windows Vista bị thiên hạ "ném đá" ngay từ ngày đầu vì thuộc dạng công tử bột, coi bảnh bao vậy chớ "quê một cục".
Cho tới tận tháng 10-2010, Microsoft vẫn phải ngậm ngùi cho phép các nhà sản xuất OEM xuất xưởng Windows XP trên những chiếc laptop thế hệ mới nhưng cấu hình yếu gọi là Netbook.
Windows 7 ra đời tháng 10-2009 gỡ gạc lại uy tín cho Windows, sửa được rất nhiều cái tệ của Windows Vista. Nhưng Windows 7 đã đóng sập cánh cửa lại với những người dùng Windows XP.
Nếu như Windows Vista cho phép từ Windows XP nâng cấp (upgrade) lên một số bản Vista mà vẫn giữ lại được các chương trình và các thiết đặt, Windows 7 buộc các máy chạy Windows XP phải cài mới hoàn toàn. Vì vậy có máy Windows XP thế hệ sau này đủ sức chạy Windows 7, nhưng chủ nhân không dám lên đời.
Người dùng cá nhân thì không nói làm gì, đằng này có doanh nghiệp, tổ chức phải cắn răng chạy tiếp Windows XP vì có những phần mềm chuyên dụng (có một số do họ đặt phát triển riêng) chỉ tương thích với Windows XP. Lên đời Windows Vista hay Windows 7 không chỉ tốn tiền bản quyền, đầu tư nâng cấp hệ thống, mà còn ảnh hưởng tới hoạt động, chuyện làm ăn của họ.
Mới đây, Candace Worley, phó tổng giám đốc Intel Security, đã nói trong một hội nghị tại Washington rằng trong một số trường hợp, việc nâng cấp lên đời Windows mới có thể khiến doanh nghiệp hay tổ chức "tốn nhiều triệu USD để viết lại phần mềm" đang dùng cho tương thích.
Đó là lý do mà ngay cả cho tới ngày Microsoft cho Windows XP về hưu, nhiều người vẫn sẽ tìm mọi cách để tiếp tục chạy Windows XP. Cùng bị cho về hưu đợt này là hệ điều hành Windows XP Service Pack 3 và bộ công cụ văn phòng MS Office 2003. Tuy bị cho về hưu, nhưng các phần mềm này vẫn tiếp tục chạy, chỉ có điều là không còn được cài mới chính thức và không còn được Microsoft cập nhật các bản sửa lỗi hay cải thiện nữa.
Mới đây, Chính phủ Hà Lan đã quyết định ký một hợp đồng trị giá nhiều triệu euro với Microsoft để hãng này tiếp tục hỗ trợ các hệ thống vẫn đang chạy Windows XP của nước này. Theo thỏa thuận, Microsoft sẽ tiếp tục hỗ trợ khoảng 34.000 máy tính của nhà nước Hà Lan chạy Windows XP cho tới tháng 1-2015, khi tất cả các máy tính của nhà nước sẽ được chuyển sang hệ điều hành mới.
Trước đó, Chính phủ Anh đã chi hơn 5,6 triệu bảng Anh để Microsoft tiếp tục cung cấp các bản cập nhật bảo mật cho các phần mềm Windows XP, Office 2003 và Exchange 2003 đang chạy trên các máy tính của nhà nước. Thời gian hợp đồng này là tới tháng 4-2015.
Các ngân hàng trên khắp thế giới phần lớn vẫn chưa bị ảnh hưởng đối với hệ thống máy rút tiền ATM bởi việc Microsoft cho về hưu Windows XP. Vì Microsoft vẫn tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật và cập nhật tới tháng 1-2016 cho hệ điều hành nhúng Windows XP Embedded mà phần lớn các máy ATM đang sử dụng.
Giải pháp khả thi nhất để tiếp tục chạy Windows XP sau khi nó hết được Microsoft hỗ trợ kỹ thuật là người dùng sử dụng phần mềm anti-virus của các hãng thứ ba. Cho dù đây chỉ là liệu pháp chữa cháy, chống virus ở lớp ngoài da, nhưng có còn hơn không.
Có nhiều người nói rằng đây cũng có giá trị như một cú hích của Microsoft để buộc không ít người phải tậu máy tính mới với hệ điều hành mới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận