13/10/2017 14:21 GMT+7

Ngũ Hành Sơn - Kỳ 5: Người anh hùng mang tên núi

TRƯỜNG TRUNG
TRƯỜNG TRUNG

TTO - "Hăm mốt tuổi căm hờn / Diệt địch gấp hai lần số tuổi / Đánh trăm trận, ba năm vào bộ đội / Núi Ngũ Hành vang dội Phan Hành Sơn".

Ngũ Hành Sơn - Kỳ 5: Người anh hùng mang tên núi - Ảnh 1.

Căn cứ Non Nước của Mỹ trước năm 1975, phía sau là danh thắng Ngũ Hành Sơn - Ảnh: KDT cung cấp

Trong chiến tranh ổng nổi như cồn, ai cũng biết tên nhưng tôi không biết ổng được phong anh hùng

Bà Nguyễn Thị Thạnh

Nhà thơ Xuân Diệu viết những vần thơ này cách đây tròm trèm 50 năm. Nay người đã về thiên cổ, người dân mảnh đất này vẫn tạc tượng ông trong tâm trí. Ông là thượng tá, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND) Phan Hành Sơn.

Đổi tên núi khi trở thành anh hùng

Theo nhà thơ Lê Anh Dũng kể, cuối năm 1979, nhà thơ Xuân Diệu về nói chuyện với sinh viên Đại học Sư phạm Quy Nhơn ở Bình Định.

 "Khi nghe tôi nói giọng Quảng đặc sệt, Xuân Diệu mới hỏi: Có biết Anh hùng LLVTND Phan Hành Sơn không? Tôi trả lời có nghe tên nhưng chưa gặp thì Xuân Diệu lắc mái tóc phiêu bồng mà nói rằng: Ở cái đất Quảng Nam - Đà Nẵng trung dũng, kiên cường đi đầu diệt Mỹ mà không biết người anh hùng được đặt tên năm ngọn núi thì kể như chưa hiểu gì về xứ Quảng".

10 năm sau, khi ông Dũng gặp được Phan Hành Sơn thì người anh hùng này đã là một lão nông tri điền suốt ngày bên vườn rau ao cá.

 "Khi tôi đến bắt chuyện thì ông ấy bảo hòa bình rồi, gác chuyện đánh đấm lại đi ông ơi, lo làm ăn cái đã rồi quăng lưới bắt mấy con cá dưới ao lên để đãi khách nhậu" - ông Dũng kể.

Non Nước những năm 1970 là một tổ hợp quân sự lớn nhất nhì miền Nam. Một chàng trai có tên Phan Hiệp nhà dưới chân núi khi vừa đủ tuổi đã thoát ly vùng kìm kẹp để theo bộ đội. 

Thiếu tướng, Anh hùng LLVTND Nguyễn Văn Trí kể năm 1965 ông trở thành cấp trên trực tiếp của đại đội trưởng Hiệp ở tiểu đoàn bộ binh R20.

Trong nhiều ấn tượng sâu đậm về "đại đội trưởng Hiệp", ông Trí nhớ nhất trận đánh trong chiến dịch X2 (năm 1968) mà sau đó chàng thanh niên chớm tròn 20 này được đổi tên thành Phan Hành Sơn. 

Trong chiến dịch này R20 lãnh nhiệm vụ tiêu diệt tiểu đoàn biệt kích chiến lược của Mỹ tại căn cứ Non Nước. 

Trong đợt tấn công vào căn cứ địch, đại đội trưởng Hiệp nổi lên như một chiến binh dũng cảm. 

Anh đã lao mình nằm trên hàng rào thép gai bùng nhùng rồi ra lệnh cho anh em băng qua tiến đánh mục tiêu. 

Sau đó, Hiệp tung mình khỏi hàng rào cùng anh em đánh thẳng vào sở chỉ huy địch, tạo điều kiện cho các mũi khác nổ súng.

Từ những trận trước đó và đặc biệt là trận Non Nước, tiểu đoàn trưởng R20 Nguyễn Văn Trí cùng đơn vị đã đề nghị phong tặng danh hiệu anh hùng cho Phan Hiệp. 

Một nhà văn đi cùng đoàn của Tổng cục Chính trị vào Khu 5 lúc ấy đề nghị đổi tên Phan Hiệp thành Phan Hành Sơn để gắn với chiến công của anh ở núi Ngũ Hành quê hương. 

Cái tên mới này đã được ghi trong bằng tuyên dương danh hiệu Anh hùng LLVTND giải phóng năm 1969.

Ngũ Hành Sơn - Kỳ 5: Người anh hùng mang tên núi - Ảnh 3.

Anh hùng Phan Hành Sơn (giữa) trong chuyến thăm Cuba năm 1982 - Ảnh tư liệu gia đình

Những cơn đau hậu chiến

Trong nhà Anh hùng Phan Hành Sơn có một chiếc tủ gương đặt trang trọng ở phòng khách, đựng những bộ quân phục, huân huy chương, ảnh danh tướng VN qua các thời kỳ... 

Bà Nguyễn Thị Thạnh, vợ Anh hùng Phan Hành Sơn, nay đã 65 tuổi, khoát tay nói: "Chuyện chiến đấu hãy để đồng đội ông ấy kể. Tôi chỉ biết ông ấy là một người hùng chịu đựng những cơn đau chết đi sống lại thời hậu chiến".

Bà Thạnh nên duyên với chồng cũng từ... chiến tranh. Anh trai bà, liệt sĩ Nguyễn Vinh Trấu, hi sinh trong một trận đánh. 

"Lúc đó một nhóm đồng đội của anh Trấu về giúp gia đình tìm nơi chôn cất. Nhóm này chỉ vào một người rồi giới thiệu đây là anh hùng Phan Hành Sơn với trận đánh "nở hoa trong lòng địch" ở núi Ngũ Hành. Trong chiến tranh ổng nổi như cồn, ai cũng biết tên nhưng tôi không biết ổng được phong anh hùng vì với tôi anh hùng là người đã chết rồi hoặc già lắm" - bà Thạnh cười nhớ lại.

Sau năm 1975, Phan Hành Sơn lại lên đường làm nhiệm vụ tiễu trừ FULRO tại Tây Nguyên. Tháng 8-1978, dọc đường hành quân làm nhiệm vụ quốc tế trên đất Campuchia, ông bị thương nặng do đồng đội đi phía sau vướng phải mìn.

Phan Hành Sơn được đưa về Bệnh viện Quân y 17 tại Đà Nẵng nhưng mấy ngày sau bà Thạnh mới biết tin. "Tôi qua ở với anh được vài hôm thì anh phải ra Hà Nội chạy chữa. Tôi ở nhà lo con nhỏ sau hai năm biền biệt mới gặp lại chồng. 

Đồng đội bảo nếu anh không phải là biểu tượng của cuộc chiến đấu chống Mỹ thì không có chuyện đốt đuốc cho trực thăng hạ cánh cứu người trong đêm giữa rừng già Campuchia, đôi chân anh cũng không được quyết liệt giữ lại giữa thời buổi thương binh la liệt" - bà Thạnh nhớ lại.

Kể từ đó, những vết thương thử thách lòng gan dạ của người anh hùng. Chân phải bị gãy phải nối nên bước đi của ông khập khiễng. 

Chiếc chân còn lại bị giập bể xương, phải mổ đi mổ lại để gắp những mảnh xương không thể hàn gắn được nữa. 20 ca mổ, tủy rò rỉ gây đau đớn, người anh hùng nghiện moocphin (một loại thuốc giảm đau) lúc nào không hay biết.

"Tôi biết tính chồng không bao giờ kể đau kể khổ. Nhưng những lúc trái gió trở trời ổng như người điên đập phá đồ đạc trong nhà vì những cơn đau đớn hành hạ. Ổng khổ sở một thì tim tôi đau mười khi chứng kiến chồng lăn lê vì đau đớn. 

Đến khi ổng thú nhận mình nghiện thuốc giảm đau đến mức phải trèo tường vào trạm xá quân y trộm thuốc thì khi đó tôi mới được giải tỏa" - bà Thạnh nói.

Khi người thủ kho bị truy cứu trách nhiệm và có khả năng ra trước tòa thì Phan Hành Sơn không chịu được, ông thú nhận hành vi của mình để rồi bước vào cuộc chiến cai nghiện.

Bà Thạnh kể thời bấy giờ khó khăn trăm bề, đồng trợ cấp thương binh không đủ để nuôi ba đứa con và thuốc men chạy chữa vết thương. Anh hùng Phan Hành Sơn lại "nghiến răng" chịu đựng những cơn đau thấu trời để lao vào vỡ đất hoang trồng rau, nuôi cá. 

Sau quá trình dài lao lực lo chuyện cơm áo, trong năm 2002 ông còn phải nhiều lần ra vào viện để mổ vết thương ở chân. Giữa năm 2003, vết thương phát nặng, ông ra đi cùng với cơn đau khi mới 55 tuổi.

28 lần được tặng danh hiệu dũng sĩ

3

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An thăm gia đình Anh hùng Phan Hành Sơn năm 2002 - Ảnh tư liệu gia đình

Anh hùng LLVTND Phan Hành Sơn 28 lần được tặng danh hiệu dũng sĩ (một lần Dũng sĩ diệt máy bay, bảy lần Dũng sĩ diệt Mỹ, 20 lần Dũng sĩ quyết thắng).

Ông được tặng thưởng 13 giấy khen, 13 bằng khen, 1 Huân chương Chiến công giải phóng hạng nhất, 2 Huân chương Chiến công giải phóng hạng ba và danh hiệu Anh hùng LLVTND.

Sau khi ông qua đời, thành phố Đà Nẵng đã chọn tên ông để đặt cho một con đường hướng ra biển tại quận Ngũ Hành Sơn.

*************

Kỳ tới: Vang danh nghề đá

TRƯỜNG TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên