21/11/2018 08:55 GMT+7

Ngủ đêm giữa rừng để ngắm cỏ hồng lúc bình minh

MAI VINH
MAI VINH

TTO - Cuối năm, thường vào tháng 11, cỏ hồng mọc nhiều ở Đà Lạt và khắp cao nguyên Lâm Viên. Đó là cái cớ thuyết phục để du khách đến với vùng đất lạnh ngắm cảnh, chụp ảnh.

Một bình nguyên cỏ hồng nằm sâu trong rừng nguyên sinh thuộc địa phận xã Đà Loan (huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng) - Video: TRỊNH HÀ - M.VINH

Cỏ hồng là loài cỏ phổ biến mọc khắp núi đồi . Sau một mùa mưa, những cây cỏ già lụi đi, cỏ non bắt đầu nhú lên khỏi mặt đất. Lá cỏ non có màu tím hồng và hoa cũng thế.

Cỏ hồng mọc không dày nhưng đều khiến mắt người có cảm giác cỏ phủ kín mặt đất. Cỏ mọc không cao quá mắt cá chân, thân mềm. Nhiều người đi chân trần trên cỏ rồi ví von "thân cỏ mềm như nhung".

Ngủ đêm giữa rừng để ngắm cỏ hồng lúc bình minh - Ảnh 2.

Cỏ hồng có lá và hoa cỏ mềm, mịn, chỉ cao ngang mắt cá chân - Ảnh: M.VINH

Cỏ mọc nhiều nhất ở những rừng thông thưa, những khu đất trống giữa rừng. Tuyệt nhất là những trảng cỏ lớn nằm ở thung lũng. Ban ngày, khi nắng đượm, những trảng cỏ nổi lên màu hồng tím, khiến loài cỏ rừng hoang dại được gọi tên cỏ hồng mỹ miều.

Ngủ đêm giữa rừng để ngắm cỏ hồng lúc bình minh - Ảnh 3.

Cỏ hồng mọc rất phổ biến ở những khu rừng thưa, bình nguyên ở cao nguyên Lâm Viên - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH HOÀNG

Cỏ hồng đẹp nhất không phải khi nó màu hồng mà là màu trắng. Ấy là lúc rạng sáng, sương đọng dày trên những bông cỏ tạo nên một màu trắng như tuyết. Cũng bởi điều này mà những tay nhiếp ảnh thường xuyên lội rừng săn ảnh cỏ hồng gọi loài cỏ ấy là "cỏ tuyết".

Ngủ đêm giữa rừng để ngắm cỏ hồng lúc bình minh - Ảnh 4.

Sương đọng trên hoa cỏ trông như tuyết phủ tạo nên không gian huyền ảo khi trời rạng sáng - Ảnh: ĐINH VĂN BIÊN

Bông cỏ mịn là chỗ bám chắc chắn cho những hạt sương. Nắng càng lên cao, sương tan đến đâu thì màu hồng quay về với cây cỏ đến đấy. Chỉ trong vài tiếng đồng hồ, người ngắm cảnh thấy được một hành trình thay đổi của trời đất, cảm tưởng như một cuộc chuyển mùa kỳ diệu gom lại trong một khoảng thời gian rất ngắn ngủi khiến còn người ở trong khung cảnh đó choáng ngợp, ngẩn ngơ.

Người đã được chứng kiến sẽ nhớ mãi, người chưa từng thì mong muốn được một lần sống trong không gian chuyển mình kỳ diệu của đất trời.

Ngủ đêm giữa rừng để ngắm cỏ hồng lúc bình minh - Ảnh 5.

Cỏ hồng hóa "cỏ tuyết" khi có sương đọng là khung cảnh nhiều du khách mong muốn chiêm ngưỡng - Ảnh: ĐINH VĂN BIÊN

Du khách đi ngắm cảnh cỏ hồng nên đi theo các lối mòn để tránh làm hư các trảng cỏ. Ngoài ra, nếu cắm trại thì nên chọn khu vực ít cỏ, khuất gió để tránh làm ảnh hưởng đến cảnh quan.

Ngô Anh Tuấn, chủ nhiệm Dalat Discovery

Cỏ hồng, sương tuyết và cuộc chuyển mình kỳ diệu của đất trời không phải bày sẵn trước mắt. Muốn được tận mắt chứng kiến, bạn phải rời phố khi trời còn tối để đi vào những khu rừng thưa.

Ở , người ngắm cảnh thường tìm đến những đồi cỏ ở khu Đan Kia - Suối Vàng (huyện Lạc Dương, cách Đà Lạt khoảng 15 km), đồi Đa Phú (nằm trên đường vào Suối Vàng).

Đối với người thích không gian mênh mông, thảo nguyên thoáng đãng thì phải đi xa hơn vào khu vực , Đà Loan (huyện Đức Trọng, cách Đà Lạt khoảng 70 km), đi vào chiều hôm trước, mang theo lều trại.

Ngủ đêm giữa rừng để ngắm cỏ hồng lúc bình minh - Ảnh 7.

Một bình nguyên cỏ hồng nằm ở huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng. Để ngắm được cảnh cỏ hồng hóa cỏ tuyết lúc bình minh, du khách phải cắm trại qua đêm ở đây - Ảnh: TRỊNH HÀ

Anh Ngô Anh Tuấn, chuyên tổ chức hoạt động dã ngoại ngắm cảnh Dalat Discovery, cho biết: "Sau những vất vả, du khách được đất trời thưởng cho một hoàng hôn và bình minh ý nghĩa. Đây là phần thưởng cho những người chịu đầu tư để có mặt đúng khoảnh khắc".

Anh Tuấn cho rằng du khách đi ngắm cảnh cỏ hồng nên đi theo các lối mòn để tránh làm hư các trảng cỏ. Ngoài ra, nếu cắm trại thì nên chọn khu vực ít cỏ, khuất gió để tránh làm ảnh hưởng đến cảnh quan.

Ngủ đêm giữa rừng để ngắm cỏ hồng lúc bình minh - Ảnh 8.

Quá khuya, nhiệt độ ngoài trời xuống dưới 14 độ C nên du khách phải dùng đến những lều chuyên dụng có khả năng giữ ấm trong môi trường 5 độ C - Ảnh: TRỊNH HÀ

Ngủ đêm giữa rừng để ngắm cỏ hồng lúc bình minh - Ảnh 9.

Em bé 17 tháng tuổi được ba mẹ cho đi cùng được ưu ái ngủ trong chiếc lều đặc biệt được lắp trên mui xe của ban tổ chức để đảm bảo sức khỏe - Ảnh: M.VINH

Ngủ đêm giữa rừng để ngắm cỏ hồng lúc bình minh - Ảnh 10.

Đoàn khách du lịch cắm trại ngủ qua đêm trong rừng để đón bình minh giữa bình nguyên cỏ hồng - Ảnh: M.VINH

Ngủ đêm giữa rừng để ngắm cỏ hồng lúc bình minh - Ảnh 11.

Ở những bình nguyên ở Đức Trọng, Di Linh, cỏ hồng trải dài trong một không gian rộng, khoáng đạt hút tầm nhìn - Ảnh: M.VINH

Ngủ đêm giữa rừng để ngắm cỏ hồng lúc bình minh - Ảnh 12.

Những đồi cỏ hồng ở Đà Lạt cho du khách cảm giác lãng mạn, nhẹ nhàng - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH HOÀNG

Sẽ có lễ hội cỏ hồng

Thời gian tổ chức Mùa hội cỏ hồng Lâm Đồng dự kiến trong 9 ngày (từ ngày 24-11 đến 2-12/2018), miễn phí tham quan. Mùa hội cỏ hồng được tổ chức ở khu vực hồ Đan Kia - Suối Vàng và thị trấn Lạc Dương (huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng). Đây là vùng giáp với TP. Đà Lạt.

Ngoài các hoạt động tham quan, chụp ảnh ở đồi cỏ hồng, chương trình có cuộc thi đua ngựa không yên với sự tham gia của các nài ngựa người dân tộc bản địa K’Ho và loài ngựa cỏ sống ở khu vực núi Langbiang. Khi tham dự chương trình, du khách không được mang theo rượu bia, chất kích thích.

5 khanh hoang__03

Những chú ngựa nhởn nhơ ăn cỏ ở khu vực xen lẫn cỏ xanh - cỏ hồng tại chân núi Langbiang (huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng, cách Đà Lạt khoảng 15 km) - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH HOÀNG

Ngắm đồi cỏ hồng Đà Lạt đẹp như cổ tích

TTO - "Xứ sở ngàn thông" Đà Lạt lúc giao mùa cuối thu đầu đông ngập tràn sắc hồng cỏ dại, làm du khách mê mẩn quên cả lối về.

MAI VINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên