Thuyền trưởng và các thuyền viên tàu cá Tiền Giang đã cứu ngư dân Philippines - Ảnh: MẬU TRƯỜNG
Không đánh bắt được nhiều cá nhưng vẫn cảm thấy vui
Vừa trở về sau chuyến đi biển kéo dài hơn 3 tháng, thuyền trưởng Nguyễn Thanh Tâm, 43 tuổi, quê Tiền Giang cho biết chuyến đi biển lần này không trúng như mọi lần nhưng vẫn cảm thấy vui vì đã cứu sống được 22 ngư dân nước bạn.
Ông Tâm nhớ lại, rạng sáng 9-6, khi đang neo tàu để các thuyền viên nghỉ ngơi thì có 2 xuồng nhỏ xuất hiện.
Những người trên xuồng nói bằng giọng nước ngoài, đồng thời ra hiệu như đang cầu cứu và ngỏ ý xin được lên tàu.
Anh Đinh Văn Trung, 38 tuổi, là người đầu tiên nghe tiếng kêu cứu của hai ngư dân Philippines.
Tàu cá TG-90983 TS đã cập cảng tại tỉnh Tiền Giang - Video: MẬU TRƯỜNG
"Tôi đang mắc võng nằm ngủ ngay phía dưới buồng lái thì nghe tiếng kêu từ phía bên mạn tàu. Nhìn ra thì thấy hai người ướt sũng dùng hai tay làm động tác tát nước vào xuồng của họ đang chèo. Tôi hiểu ngay tín hiệu cầu cứu và họ muốn báo cho chúng tôi biết là tàu của họ bị chìm. Tôi liền báo ngay cho thuyền trưởng", anh Trung nói.
Sau khi nhận tín hiệu cầu cứu, thuyền trưởng Tâm đã kêu tất cả anh em thuyền viên trên tàu thức dậy.
Anh Trần Văn Thịnh (21 tuổi, thuyền viên nhỏ tuổi nhất trên tàu) nhớ lại lúc đó đang ngủ say thì thuyền trưởng gọi dậy để cứu người. Nhìn thấy thuyền viên nước ngoài ướt sũng nên tất cả mọi người tỉnh ngủ.
Thuyền trưởng Tâm cho biết ban đầu, những người trên tàu hơi ngần ngại vì giữa đêm khuya, người lạ cặp mạn tàu như vậy rất nguy hiểm và không loại trừ khả năng cướp biển.
Tuy nhiên, do kinh nghiệm nhiều năm đi biển, thuyền trưởng Tâm nhận định nếu họ có ý định cướp thì sẽ âm thầm xâm nhập lên tàu chứ không để lộ như vậy.
Từ vị trí chiếc tàu gặp nạn đến tàu cá của ông Tâm khoảng 5 hải lý và hai ngư dân Philippines phải mất 4 tiếng đồng hồ để đến được chỗ tàu cá Việt Nam cầu cứu.
Khi nhận được lời cầu cứu, tàu cá của ông Tâm cũng phải mất hơn 1 giờ đồng hồ để đến vị trí con tàu gặp nạn.
Dọn cơm, nấu mì, lấy quần áo cho ngư dân Philippines
"Khi chúng tôi đến nơi thì thấy nhiều người đang bám vào mũi tàu và các mảnh gỗ vụn nổi lên từ con tàu đã bị chìm gần hết" - ông Tâm nói.
Sau khi đưa hết mọi người lên tàu, các ngư dân phía Việt Nam đã dọn cơm, nấu mì và lấy quần áo của mình cho các ngư dân Philippines ủ ấm.
Qua ngày 10-6, các thuyền viên Philippines đã dùng bộ đàm của tàu cá Việt Nam gọi cho một tàu cá của Philippines gần đó đến hỗ trợ và 14h cùng ngày, một tàu cá nước bạn tiếp cận đón 22 ngư dân của họ vào bờ.
"Họ có xin tôi số điện thoại của tôi để cảm ơn nhưng tôi thấy không cần thiết. Mình đều làm nghề trên biển cả, khi gặp nạn giúp nhau là điều đương nhiên", ông Tâm cho hay.
Thuyền trưởng Tâm kể lại sự việc - video: MÂU TRƯỜNG
Chuyến đánh bắt kéo dài hơn 3 tháng lần này, theo ông Tâm là khá bết bát khi chỉ đánh bắt được khoảng 15 tấn cá, giảm khoảng 1/3 so với các chuyến khác nhưng tất cả anh em thuyền viên đều vui vì giúp cứu được nhiều người.
Cùng ngày, theo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, đơn vị này sẽ đến thăm hỏi và động viên các ngư dân trên tàu cá TG-90983 TS vào ngày mai (20-8).
Trước đó, theo thông tin từ nhiều tờ báo Philippines, tối 9-6 xảy ra một vụ va chạm giữa tàu Trung Quốc và tàu Philippines gần bãi Cỏ Rong trên Biển Đông.
Vụ va chạm khiến tàu Philippines bị chìm. 22 ngư dân trên tàu Philippines sau đó được tàu cá Việt Nam cứu.
Các cơ quan chức năng Philippines đã gửi lời cảm ơn về hành động dũng cảm của các thuyền viên tàu cá Việt Nam.
Sáng 19-8, tàu cá TG-90983 TS đã cập bến tại ụ tàu ở tỉnh Tiền Giang - Ảnh: MẬU TRƯỜNG
Các thuyền viên đang chuẩn bị đưa cá lên bờ sau chuyến đi kéo dài 3 tháng - Ảnh: MẬU TRƯỜNG
Chuyến đi biển lần này không trúng như mọi lần nhưng vẫn vui vì đã cứu sống được 22 ngư dân nước bạn - Ảnh: MẬU TRƯỜNG
Anh Trần Văn Thịnh, 21 tuổi, nhớ lại lúc đó đang ngủ say thì thuyền trưởng gọi đây để cứu người - Ảnh: MẬU TRƯỜNG
Anh Đinh Văn Trung, 38 tuổi, người đầu tiên nghe tiếng kêu cứu của hai ngư dân Philippines - Ảnh: MẬU TRƯỜNG
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận