Ngư dân thôn Đông Yên, xã Kỳ Lợi, thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh đi đánh ghẹ về, những con ghẹ nhỏ mắc lưới thì họ gỡ ra rồi vứt xuống biển vì không ai hỏi mua - Ảnh: VĂN ĐỊNH |
Theo các ngư dân, rất mừng khi thấy môi trường biển đã tốt hơn trước, nhưng những nội dung công bố của Bộ TN-MT vẫn chưa thể tác động tích cực tới hoạt động đánh bắt cũng như mua bán hải sản tại các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế.
Biển sạch nhưng cá chẳng ai mua
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Dương Tất Thắng - phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh - cho rằng mới công bố biển sạch nhưng về hải sản thì công bố chưa rõ ràng, người dân vẫn nghi ngại và sẽ chưa quay lại việc thu mua hay ăn hải sản như bình thường.
“Dù tỉnh đã có biện pháp dán nhãn an toàn cho hải sản từ 20 hải lý trở ra, nhưng người dân có quyền nghi ngại cơ sở nào để khẳng định hải sản vùng lộng và vùng khơi” - ông Thắng cho biết thêm.
Theo các ngư dân, dù biển sạch như công bố nhưng cá đánh về bán chẳng ai mua, có mua giá cũng bèo bọt.
“Dân chúng tôi vẫn khốn đốn, chỉ người đi biển mới dám ăn cá mình làm ra, ngoài chợ thì nhà hàng, chủ vựa mua giá chỉ bằng 1/3 giá khi biển chưa bị nhiễm độc” - anh Chu Văn Thủy (thôn Hải Phong II, xã Kỳ Lợi, thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh) than thở.
Bác Chu Thanh Nhàn (thôn Hải Phong II) vừa bưng tô cơm trưa vừa lắng nghe thời sự công bố môi trường biển phát ra từ chiếc radio cũng nói: “Nghe họ công bố biển sạch thì mừng nhưng Nhà nước phải làm sao để người dân tin tưởng mua cá, ăn cá bình thường thì ngư dân mới hết khổ”.
Theo quyết định 1822 mà UBND tỉnh Hà Tĩnh ban hành, tỉnh đã và đang triển khai các gói hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng từ sự cố môi trường của Formosa.
Với người dân đánh bắt ven bờ sẽ hỗ trợ lãi suất vay vốn để đóng mới tàu, đóng tàu to vươn khơi đánh bắt ngoài 20 hải lý. Gói hỗ trợ thấp nhất là 200 triệu, cao nhất 600 triệu đồng chia thành hai đợt tùy vào công suất (CV) tàu.
Ngoài ra, việc mua sắm ngư cụ, trang thiết bị, bảo hiểm thân tàu cũng được hỗ trợ 100% kinh phí để mua. Riêng những hộ đánh bắt gần bờ với thuyền không máy thì đã nhận hỗ trợ toàn phần 5 triệu đồng/hộ.
Ngư dân chưa hài lòng
Sau khi Bộ TN-MT và các cơ quan chuyên môn công bố kết quả đánh giá hiện trạng môi trường biển bốn tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế, không ít ngư dân tại Thừa Thiên - Huế nói chưa hài lòng với kết luận, vì chưa trả lời được câu hỏi ăn hải sản được hay chưa.
Ông Nguyễn Văn Bưởi, ngư dân ở xã Lộc Vĩnh, thuộc vùng biển Chân Mây, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết xã Lộc Vĩnh là một trong những địa phương chịu thiệt hại nặng nề trong đợt cá chết hàng loạt vừa qua.
Hiện tại gần như tất cả tàu, thuyền đánh cá của ngư dân ở đây nằm bờ từ hồi tháng 4 đến nay, nhiều người phải vào miền Nam để làm thuê kiếm sống qua ngày.
“Nếu cá vẫn chưa ăn được thì mong Chính phủ hỗ trợ để ổn định cuộc sống. Chứ bỏ nghề biển thì ngư dân chúng tôi không biết làm nghề gì” - ông Bưởi nói.
Bà Huỳnh Thị Thứ, chủ nhà hàng Thứ ở bãi tắm Thuận An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết mùa hè trước quán bà bán được từ 5-7 triệu đồng mỗi ngày. Nhưng từ khi xuất hiện cá chết, người dân sợ ăn cá nên hầu như không còn khách đến nữa.
Tình trạng tương tự xảy ra với toàn bộ nhà hàng, quán ăn hải sản ở thị trấn biển Thuận An. Các hộ dân kinh doanh ở bãi tắm biển này cho biết chỉ trông chờ một câu trả lời: hải sản thật sự an toàn hay chưa để du khách quay trở lại các bãi tắm sau một mùa kinh doanh thua lỗ nặng nề.
Trong ngày 22-8, tiểu thương ở chợ cá đầu mối Đồng Hới (Quảng Bình) cũng chộn rộn theo thông tin công bố hiện trạng biển miền Trung. Mong muốn của tất cả bà con bán buôn cá ở đây là biển sạch trở lại để ngư dân ra biển đánh cá như trước khi xảy ra vụ cá chết.
Bà Nguyễn Thị Thanh, một người bán cá ở phường Đồng Phú, TP Đồng Hới, nói: “Mấy tháng qua rồi nhưng chợ cá ở đây vẫn luôn trong cảnh đìu hiu, người bán ít, người mua cũng chẳng nhiều hơn. Thấy người ta xách giỏ đi qua, mời gọi gãy lưỡi mà chẳng ai thèm nhòm lại”.
Bà Thanh cho biết trước đây số chị em buôn bán cá biển ở chợ là mười phần thì nay chỉ còn hai phần trụ lại, tám phần buộc phải đi kiếm nghề khác mần ăn.
“Cá, mực, tôm, cua... ngư dân đánh bắt từ biển xa đưa về nhưng người ta vẫn nghi ngờ là đánh bắt ở vùng biển bẩn nên không ai mua ăn. Mà người ta nghi ngờ cũng phải thôi, có ai nói ra là biển sạch hẳn mô” - bà Thanh nói.
Cơ hội phục hồi du lịch Ông Dương Tất Thắng, phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết việc công bố chỉ số an toàn ở các bãi tắm là thông tin tốt để phục hồi hoạt động du lịch. Tỉnh sẽ có kế hoạch thông tin, quảng bá đến người dân để kéo du khách tới các bãi tắm. “Do bị ảnh hưởng sự cố môi trường nên thời gian qua đến 80% các tua du lịch đến Hà Tĩnh bị hủy bỏ, công suất buồng, phòng nghỉ chỉ đạt 4-5%, các hoạt động kinh doanh hải sản gần như bế tắc”, ông Thắng cho hay. Các khu du lịch dọc bờ biển Thừa Thiên - Huế cũng đều bị ảnh hưởng nặng nề suốt mùa hè vừa qua do du khách ngại tắm biển. Chủ các khu du lịch cho biết mấy tháng nay họ chỉ chọn nghỉ ở Đà Nẵng, Hội An hoặc tham quan di sản Huế. “Đi du lịch biển mà không tắm biển được thì đến mà làm chi?” - chủ một khu du lịch ở biển Lăng Cô nói. Doanh nghiệp của ông này kiệt quệ, doanh thu giảm đến 90%, phải cho nghỉ việc hơn nửa số nhân viên, số còn lại vẫn không có tiền để trả lương. Vị này cho biết đã kêu cứu và lãnh đạo tỉnh và ngành du lịch cũng đến động viên, hứa sẽ có hỗ trợ nhưng đến nay vẫn chưa thấy gì cả. “Nếu tình hình này vẫn tiếp tục thì tôi cũng không biết khu du lịch của mình sẽ sống chết ra sao” - vị này nói. Ông Lê Hữu Minh - phó giám đốc phụ trách Sở du lịch Thừa Thiên - Huế - cho biết khu du lịch nhỏ ở biển Lăng Cô, Thuận An thì bị ảnh hưởng nặng do sự cố cá chết. Tỉnh đã lập hội đồng giải quyết việc hỗ trợ do ảnh hưởng sự có môi trường biển, trong đó có các đơn vị du lịch, tuy nhiên còn phải đợi UBND tỉnh quyết định. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận