08/05/2016 07:53 GMT+7

Ngư dân và 
ngôi nhà biển cả

LÊ ĐỨC DỤC
LÊ ĐỨC DỤC

TTO - Khi 34 ngư dân Quảng Nam trên chiếc tàu câu mực QNa 95959 bị một tàu nước ngoài đâm chìm trên vùng biển Hoàng Sa may mắn được cứu hộ và sống sót trở về (ngày 5-5) thì thời điểm ấy tại Đài Trung (Đài Loan), một hội thảo về “vấn đề an ninh nhân loại tại châu Á” do Hiệp hội Nghiên cứu quốc tế tại châu Á (APISA) phối hợp với các đối tác đã diễn ra trong hai ngày 5 và 6-5-2016.

Các hành động bạo lực, mang tính đơn phương trên biển đang đe dọa kế sinh nhai của người dân. Trong ảnh: Các thuyền viên Việt Nam được lực lượng cứu hộ đưa lên bờ sau khi tàu của họ vừa bị đâm chìm trên vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam - Ảnh: Hữu Khá

Số phận những ngư dân trên Biển Đông cũng là một phần liên quan của “an ninh con người” mà hội thảo này đặt ra!

Trong bài viết trên Tuổi Trẻ về cuộc hội thảo này, tác giả Võ Minh cho biết cách tiếp cận “lấy con người làm trung tâm của sự phát triển là một cách tiếp cận mang tính giải pháp cho những xung đột nóng đang xảy ra gần đây” và Biển Đông là một thí dụ liên quan đến “”, từ việc tàn phá hệ sinh thái bao gồm nguồn cá, san hô và các sinh vật biển quanh các đảo ở Biển Đông - một trong những vùng đánh cá dồi dào nhất trên thế giới về sản lượng, chiếm 11% xuất khẩu thủy sản trên thế giới hằng năm.

Đặc biệt, thách thức trực tiếp đến vùng biển này bao gồm đánh bắt quá mức và xu thế quân sự hóa các vùng biển. Những hành động này ngày càng có xu hướng đơn phương, chủ yếu xuất phát từ Trung Quốc và chính sách Biển Đông của nước này.

Vấn đề an ninh và Biển Đông giờ đây không còn mơ hồ, mà vô cùng rõ ràng và cụ thể. Nếu tháng 4-2014, những tấm không ảnh đầu tiên từ Philippines tung ra cho thấy đá Gạc Ma của Việt Nam (bị Trung Quốc cưỡng chiếm tháng 3-1988, thảm sát 64 chiến sĩ hải quân Việt Nam) chỉ mới đang được những con tàu bơm cát vào để mở rộng diện tích thì đúng hai năm sau, tháng 4-2016 những tấm hình của các phóng viên Việt Nam ra Trường Sa gửi về đã cho thấy trên bãi cát ấy kịp mọc lên cả một “thành phố nổi” với tốc độ chóng mặt, có đủ đài không lưu, rađa, hải đăng, trung tâm chỉ huy...

Trước đó dịp Tết dương lịch 2016, Trung Quốc đã cho hai máy bay chở khách loại Airbus 321 bay ra đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Hôm 17-4, một máy bay vận tải quân sự Y-8 của Trung Quốc đã hạ cánh phi pháp xuống đây và mới nhất, dịp lễ Quốc tế lao động 1-5, tàu vận tải đổ bộ 998 hiện đại nhất của hải quân Trung Quốc đã chở đoàn văn công Hải chính ra biểu diễn văn nghệ phục vụ binh sĩ Trung Quốc đang chiếm đóng trái phép trên đá Chữ Thập. Rồi ở Hoàng Sa của Việt Nam, Trung Quốc cũng đã mang hệ thống tên lửa phòng không ra đây...

Cùng với việc gia tăng các hoạt động phi pháp tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam, việc những tàu cá của ngư dân Việt Nam bị đâm chìm thời gian qua càng lộ rõ dã tâm độc chiếm Biển Đông, biến Biển Đông thành ao nhà là tham vọng không gì cưỡng nổi của Trung Quốc.

Trong khi những diễn biến ngoài khơi đang khiến Biển Đông nóng lên từng ngày thì câu chuyện về dọc dài biển miền Trung từ Hà Tĩnh vào tới Thừa Thiên - Huế sau hơn một tháng vẫn chưa có câu trả lời xác đáng. Hàng vạn ngư dân đang lâm vào tình cảnh bất an do tù mù thông tin. Những hành động nhằm trấn an người dân như các lãnh đạo đi tắm biển hay ăn hải sản không thể là câu trả lời cho câu chuyện về những hiểm họa đối với môi trường biển.

Rõ ràng, ngôi nhà biển cả của ngư dân Việt đang rất bấp bênh...

LÊ ĐỨC DỤC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên