Ghi nhận của Tuổi Trẻ Online sáng 18-9, tại bãi biển Tam Thanh, TP Tam Kỳ, Quảng Nam trời mưa to, hàng chục chiếc thuyền đánh cá cỡ nhỏ đã được ngư dân tất bật đưa vào sát bờ.
Nhiều người dùng dây thừng để cột thuyền níu vào sát bờ đề phòng gió bão quăng quật làm hư hỏng, ngư lưới cụ được họ đem về nhà. Mấy ngày nay ngư dân ở đây cũng ngừng hẳn việc ra biển đánh bắt cá.
Ngư dân Huỳnh Diệt, thôn Hạ Thanh, xã Tam Thanh, cho biết mấy ngày nay nghe tin áp thấp nhiệt đới trên biển có khả năng mạnh lên thành bão, gia đình ông đã ngừng ra biển đánh bắt, đưa thuyền vào sát bờ, dùng dây thừng cột níu giữ.
"Thấy bão số 3 càn quét ở phía Bắc kinh quá nên ngư dân tụi tui không dám chủ quan, chủ động bảo vệ tài sản của mình" - ông Diệt nói.
Ở những khách sạn, nhà hàng ven biển Tam Thanh người dân cũng chủ động cắt tỉa cành cây để ứng phó với mưa bão.
Nhiều ngày qua, tại TP Tam Kỳ, lực lượng chức năng cũng cắt tỉa cây xanh ở thành phố này.
Theo Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam, thời điểm 8h cùng ngày áp thấp nhiệt đới hiện đang cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 220km về phía Đông, sức gió mạnh nhất cấp 7, giật cấp 9.
Trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão với cường độ cấp 8, giật cấp 10, sau đó suy yếu dần. Từ nay đến ngày 20-9 dự báo trên địa bàn tỉnh có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to, các sông khả năng xuất hiện một đợt lũ.
Còn Đài khí tượng thủy văn tỉnh này thì cho hay trong 24 giờ qua, các địa phương của tỉnh có mưa rào nhiều nơi, có nơi mưa to. Tổng lượng mưa từ sáng 17-9 đến sáng nay phổ biến 15 - 40mm, có nơi cao hơn như TP Hội An 62mm, thị trấn Núi Thành (huyện Núi Thành) 75mm, huyện Thăng Bình 69mm.
Dự báo từ hôm nay đến ngày 20-9, các địa phương trong tỉnh có mưa vừa, mưa to, đến mưa rất to. Tổng lượng mưa các địa phương trong tỉnh phổ biến từ 150 - 300mm, có nơi trên 400mm.
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng đã có công điện chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão. Yêu cầu các sở, ngành, địa phương tập trung triển khai ngay các biện pháp bảo đảm an toàn cho tàu thuyền, phương tiện và các hoạt động trên biển, ven biển.
Kiểm tra, rà soát, hoàn thiện kịch bản, phương án ứng phó với áp thấp nhiệt đới, bão, ngập lụt, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét... để chủ động di dời, sơ tán dân đến nơi an toàn, bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thiệt hại về tài sản của nhân dân.
Kiểm tra công trình đê điều, hồ, đập, cầu, cống, đặc biệt là các vị trí, công trình trọng điểm xung yếu, đang thi công, chủ động phương án đảm bảo an toàn về người và tài sản. Tổ chức vận hành điều tiết các công trình hồ chứa nước theo quy định.
Bên cạnh đó chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện, nhất là tại các địa phương dự kiến chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão, mưa lũ, địa bàn trọng điểm để sẵn sàng triển khai ứng phó áp thấp nhiệt đới, bão, mưa lũ, cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận