27/03/2012 07:51 GMT+7

Ngư dân phải chờ khảo sát

Tuanna
Tuanna

TT - Tàu đánh bắt xa bờ phải nằm bờ, tàu ra khơi không thể về bến, tàu về bến mắc cạn bị sóng đánh chìm vì cửa biển bị bồi lấp kéo dài từ nhiều năm nay, trong khi một giải pháp an toàn lâu dài cho ngư dân vẫn còn phải đợi... khảo sát.

6eXZewGK.jpgPhóng to
Một tàu cá bị sóng đánh vỡ ngày 24-3 tại cửa biển Đà Rằng - Ảnh: Danh Lê

Ðó là câu chuyện xảy ra ở cửa biển Ðà Rằng, phường 6, TP Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên) và cửa biển Tam Quan, xã Tam Quan Bắc, huyện Hoài Nhơn (tỉnh Bình Ðịnh).

Cửa biển cạn bất thường

Thiệt hại nặng nề

Ở cửa biển Đà Rằng, chỉ trong vòng hai tháng qua có 20 tàu mắc cạn bị sóng đánh hư hỏng; trong đó có hai tàu chìm hoàn toàn, năm ngư dân bị thương. Ở cửa biển Tam Quan, từ năm 2010 đến nay có 20 tàu bị mắc cạn, gãy chân vịt, bánh lái khi ra vào cửa biển, trong đó có bốn tàu bị vỡ hoàn toàn.

Do áp thấp gây sóng lớn tăng thêm lượng cát bồi nên những ngày qua tàu thuyền hoàn toàn không thể ra vào cửa Ðà Rằng. Lão ngư Trần Ðình Thống (82 tuổi, một trong bốn lão ngư đã bỏ công dựng lên một trạm hoa tiêu ở đây đã cứu được hàng trăm con tàu ra vào) - cho rằng: "Chưa bao giờ cửa biển này bị cạn như hiện nay, đã thế lại rất nguy hiểm bởi các doi cát ngầm thay đổi liên tục. Suốt mấy tháng nay, nếu dò luồng lạch hằng ngày không kỹ thì tàu mắc cạn bị sóng đánh vỡ ngay. Ðến bữa nay thì bó tay luôn, giữa mùa đánh bắt nhưng không tàu nào ra biển được vì cửa đã quá cạn".

Theo các lão ngư, hiện tại lạch ra vào cửa Ðà Rằng có độ rộng chưa đến 10m, thời điểm nước triều kiệt độ sâu chỉ còn 0,8m và khi triều lên cao nhất cũng chỉ hơn 1m khiến hơn 100 tàu trong cảng cá phường 6, TP Tuy Hòa không thể ra khơi, còn những tàu đã ra khơi lúc về phải tá túc bến khác.

Kỹ sư Trương Công Lư thuộc Công ty TNHH tư vấn xây dựng thủy lợi Phú Yên đang khảo sát cửa Ðà Rằng cho rằng do cửa nằm trên vùng biển bãi ngang, chịu áp lực trực tiếp của sóng biển, lại chịu chi phối bởi dòng chảy sông Ba, nên mỗi năm cửa biển này bị bồi lấp khoảng 2 triệu m3 cát. Nếu sông Ba có lũ lớn thì lượng cát này sẽ được đẩy ra biển. Nhưng mùa lũ năm 2011 không có lũ lớn nên toàn bộ lượng cát bồi lấp án ngữ ở cửa biển, gây ra tình trạng cạn cửa như hiện nay.

Ở cửa biển Tam Quan - một trong những cảng cá lớn nhất miền Trung với hàng nghìn tàu thuyền, trong đó có trên 500 tàu đánh bắt xa bờ thường xuyên ra vào - cũng đang phải nạo vét cát bồi. Từ sau tết đến nay, UBND xã Tam Quan Bắc đã giao cho Công ty TNHH Thiện Chánh nạo vét cát bồi để tàu thuyền ra vào an toàn, với tổng số tiền đầu tư trên 2 tỉ đồng, trong đó người dân đóng góp 700 triệu đồng. Ðến nay, Công ty TNHH Thiện Chánh đã nạo vét được 1.500m3 trên tổng số khối lượng dự kiến nạo vét 2.500m3.

Ông Ðào Duy Hội - chủ tịch UBND xã Tam Quan Bắc - cho biết đến tháng 4-2012 sẽ hoàn thành việc nạo hút cát, nhưng đến tháng 8, 9 khi xuất hiện gió mùa thì chắc chắn cát sẽ bồi lấp trở lại.

Theo lão ngư Trần Văn Bum (74 tuổi, ở thôn Thiện Chánh 1, xã Tam Quan Bắc), trước đây tàu thuyền ra vào cửa Tam Quan gặp khi nước cạn vẫn có thể cho tàu lách luồng mà đi, nhưng từ khi có kè chắn sóng dài 800m khiến đường dẫn từ cửa biển vào khu tránh trú bão trở thành một con lạch hẹp, cát bồi lấp ngày càng nhiều, tàu thuyền chạy vào rất dễ bị sóng đánh văng vào kè hoặc mắc cạn.

Chưa có giải pháp lâu dài

Cửa Ðà Rằng bị bồi lấp không phải lần đầu. Năm 2009, tỉnh Phú Yên đã cho doanh nghiệp tư nhân Bảo Châu tự đầu tư vốn thuê tàu chuyên dụng của nước ngoài thực hiện dự án nạo vét cửa biển và tận thu nguồn cát khoảng 300.000m3, nhưng sau đó cát đã bồi lấp trở lại.

Ông Lê Văn Trúc- phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, cho biết đã giao Sở Khoa học - công nghệ và Sở Tài nguyên - môi trường tổ chức hội thảo khoa học để có cơ sở làm dự án xây dựng các công trình cần thiết để tránh bồi lấp cho cửa Ðà Rằng. "Nhưng đây là việc làm công phu đòi hỏi phải có thời gian và kinh phí chưa thể tiến hành được ngay, mà phải thực hiện vào năm sau"- ông Trúc nói.

Còn đối với cửa Tam Quan, TS Lương Thị Vân, trưởng khoa địa lý - địa chính Trường đại học Quy Nhơn, cũng cho rằng để tìm nguyên nhân chính xác việc cát bồi, tỉnh Bình Ðịnh phải mời các chuyên gia và nhà khoa học để nghiên cứu, khảo sát một cách thật cụ thể, từ đó mới đưa ra giải pháp lâu dài.

Trao đổi về vấn đề này, bà Trần Thị Thu Hà - phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Ðịnh - cho biết tình trạng cát bồi lấp cửa biển không chỉ xảy ra ở Bình Ðịnh mà còn phổ biến ở một số cửa biển các tỉnh Nam Trung bộ. Riêng với cửa biển Tam Quan, Bộ Khoa học - công nghệ đã đồng ý cho thực hiện đề tài nghiên cứu tình trạng cát bồi lấp tại đây.

Vậy là hai cửa biển Ðà Rằng và Tam Quan lại phải tiếp tục nạo vét tạm thời, khi cát bồi trở lại phải nạo vét tiếp, vì các cơ quan chức năng vẫn còn đang nghiên cứu.

HU.H. - D.LÊ - N.TRẦN

Tuanna
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên