11/09/2024 21:13 GMT+7

Ngư dân mang... rác từ đại dương về bờ

Ngoài mang cá, mực... được đánh bắt trở về, những chiếc tàu của ngư dân tỉnh Phú Yên còn mang cả những túi rác sinh hoạt quay trở về đất liền, thay vì vứt xuống biển như thói quen trước đây.

Ngư dân mang rác về bờ sau mỗi chuyến biển dài ngày - Ảnh 1.

Ngư dân đem những túi rác về bờ - Ảnh: MINH CHIẾN

Sau mỗi chuyến biển dài ngày, những chiếc tàu đánh bắt xa bờ của ngư dân Phú Yên về lại cảng cá Đông Tác (phường Phú Đông, TP Tuy Hòa, Phú Yên) đều mang theo những túi rác chứa đầy vỏ chai, hộp nhựa...

Anh Võ Quốc Nguyện, thuyền trưởng tàu cá PY-90945TS, đưa túi rác lên bờ sau khi hoàn thành việc bán hải sản. Túi rác được cho vào các thùng rác được sắp dọc cảng cá.

"Hồi xưa giờ đi biển bà con mình cứ hay vứt lưới cũ, rác dưới biển, ít ai mang về bờ lắm... Sau khi được tuyên truyền là rác khi vứt dưới biển sẽ làm ô nhiễm môi trường, chúng tôi thực hiện việc gom lon bia, nước ngọt, chai nước suối cho vào bao dồn lại rồi mang về", anh Nguyện nói.

Rửa khoang chứa cá để chuẩn bị cho chuyến đi biển dài ngày, anh Nguyễn Văn Ái, ngư dân tàu cá PY-91223TS, cho hay ngư dân bây giờ dần có thói quen cho rác vào túi rồi đem về bờ.

"Chúng tôi coi mấy cái túi này như thùng rác vậy đó! Cứ để một góc trên tàu rồi cho rác vào, rất tiện lợi mà sạch sẽ, mấy vỏ lon còn được bán phế liệu", anh Ái nói.

Không chỉ vậy, ngư dân Phú Yên còn vớt rác trên biển, gom vào bao, chở về bờ với hy vọng góp phần nhỏ bé làm sạch biển.

Theo ông Hà Viên - giám đốc Ban quản lý các cảng cá tỉnh Phú Yên, mỗi tàu cá được phát 2 túi lưới để đựng rác thải. Dù chỉ mới triển khai thực hiện mô hình "Ngư dân Phú Yên đưa rác về bờ" nhưng đã được ngư dân hưởng ứng tích cực.

Khi rác được đem về bờ tại cảng, các thùng rác sẽ có hai loại là màu xanh (rác hỗn hợp) và vàng (rác có thể tái chế) để ngư dân đặt rác đúng theo quy định. Sau đó, các loại rác được phân loại này được xe vận chuyển đưa đi xử lý hoặc tái chế.

"Dự án được triển khai từ tháng 5-2024, đến nay đã có gần 700kg rác được mang về bờ. Chúng tôi thực hiện việc ký cam kết trước mắt với các tàu cá trên 15m, tàu đánh bắt xa bờ, sau đó sẽ nhân rộng mô hình. Từ khi mô hình được triển khai, nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường biển được nâng cao", ông Viên nói.

Cũng theo ông Viên, mục tiêu phấn đấu của mô hình là có khoảng 500 tàu cá cam kết đưa rác thải về bờ. Bên cạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của ngư dân, cơ quan chức năng cũng tăng cường kiểm tra, giám sát và xử phạt các hành vi xả thải ra môi trường biển.

Ngư dân mang rác về bờ sau mỗi chuyến biển dài ngày - Ảnh 2.

Ngư dân tại cảng cá Đông Tác chuẩn bị ra khơi - Ảnh: MINH CHIẾN

Ngư dân mang rác về bờ sau mỗi chuyến biển dài ngày - Ảnh 4.

Rác sau khi cho vào thùng sẽ được đem đi xử lý - Ảnh: MINH CHIẾN

Ngư dân mang rác về bờ sau mỗi chuyến biển dài ngày - Ảnh 4.

Những thùng rác được bố trí gọn gàng tại cảng cá Đông Tác - Ảnh: MINH CHIẾN

Ngư dân mang rác về bờ sau mỗi chuyến biển dài ngày - Ảnh 5.

Những hộp nhựa, vỏ chai được cho vào thùng rác - Ảnh: MINH CHIẾN

Ngư dân mang rác về bờ sau mỗi chuyến biển dài ngày - Ảnh 7.Cuộc thi Tái tạo xanh: Mỗi chung cư, trường học là một 'vựa ve chai' để phân loại rác tại nguồn

Ý tưởng rằng mỗi chung cư, khu dân cư và trường học xây dựng các điểm thu gom rác tái chế có thể mang lại nhiều lợi ích trong việc thu gom và tái chế rác thải.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên