20/06/2019 09:13 GMT+7

Ngư dân liên tục bị tàu Trung Quốc quấy phá

LÊ TRUNG
LÊ TRUNG

TTO - Thời gian gần đây, nhiều ngư dân Việt Nam than phiền liên tục bị tàu của Trung Quốc quấy phá, vây áp, cướp hải sản ở vùng biển Hoàng Sa.

Ngư dân liên tục bị  tàu Trung Quốc quấy phá - Ảnh 1.

Tàu cá của ông Nhân bị tàu Trung Quốc vây áp, cướp hết 2 tấn mực khô - Ảnh: LÊ TRUNG

Mới đây nhất, một tàu cá của ngư dân tỉnh Quảng Nam khi đang đánh bắt ở ngư trường truyền thống đã bị tàu Trung Quốc vây áp, cầm hung khí leo lên tàu và cướp hải sản.

Vây áp, truy đuổi cướp hải sản

Sau chuyến biển bị tàu Trung Quốc vây áp, cướp hơn 2 tấn mực vào ngày 2-6, tàu cá số hiệu QNa-91441 của ngư dân Trần Văn Nhân (42 tuổi, trú thôn Sâm Linh Đông, xã Tam Quang) lại soạn sửa để tiếp tục cho chuyến biển mới. 

Ông Nhân cho biết nhiều thuyền viên của tàu vẫn còn ám ảnh sau vụ cướp thiệt hại hàng trăm triệu và trở về bờ tay trắng.

Ông Nhân kể: khoảng 13h30 ngày 2-6, tàu của ông đang ở vị trí tọa độ 15o42’ Bắc - 111o34’ Đông, cách bờ 160 hải lý, cách đảo Tri Tôn (thuộc quần đảo Hoàng Sa) 22 hải lý - đây là vùng biển chung, ngư dân Việt Nam hay đánh bắt. 

Khi các thuyền viên đang nghỉ trưa thì bất ngờ một tàu treo cờ Trung Quốc số hiệu 46305 áp sát. Sau đó thả canô chở 6 người cầm súng, dùi cui leo lên tàu cá của ông. 

Có một người Trung Quốc nói bằng tiếng Việt: "Vùng biển này thuộc Trung Quốc nên yêu cầu tàu mấy ông không được đánh bắt ở đây". Sau đó họ buộc ông mở khoang tàu lấy hơn 2 tấn mực khô chở về tàu của họ. Một số mực trên giàn phơi cũng bị những người này đổ xuống biển.

Ông Nhân khẳng định tàu của mình đánh bắt ở vị trí tọa độ này là đúng quy định, có máy hành trình, thiết bị định vị tọa độ, cơ quan chức năng Việt Nam cũng giám sát vị trí, hành trình chặt chẽ nên ông biết rõ đây là vùng biển chung, ngư dân Việt Nam được đánh bắt. Đây là ngư trường truyền thống mà tàu ông thường xuyên đánh bắt hải sản.

Ông Nhân kể rằng sau khi bị cướp, ông có gọi cho nhiều tàu khác cũng đánh bắt ở khu vực trên thì được biết họ cũng gặp tàu Trung Quốc truy đuổi, vây áp. "Mặc dù vậy chúng tôi vẫn không sợ hãi, sẽ tiếp tục vươn khơi bám biển" - ngư dân Nhân khẳng định.

Ngư dân Trần Công Kỳ (52 tuổi, trú xã Tam Quang), chủ tàu vỏ thép QNa-90318, cũng than gần một tháng nay tàu của ông và nhiều tàu bạn khác liên tục bị tàu Trung Quốc đẩy đuổi, vây áp khi đánh cá ở vùng biển chung tại khu vực Hoàng Sa. "Cứ thả lưới xuống là nó dùng tàu đuổi gí khiến chúng tôi không thể đánh bắt được" - ông Kỳ than thở.

Vận động ngư dân yên tâm ra khơi

Ông Nguyễn Văn Thịnh - phó chủ tịch UBND huyện Núi Thành (Quảng Nam) - cho biết: "Thời gian qua, chúng tôi liên tục nhận được phàn nàn của ngư dân về việc bị tàu Trung Quốc đẩy đuổi, gây khó khăn. 

Việc Trung Quốc ra lệnh cấm đánh bắt như vậy là rất phi lý, chúng tôi phản đối kịch liệt chuyện đó. Tinh thần là địa phương động viên ngư dân vững tâm bám biển, tổ chức sản xuất đúng quy định, không phải lo sợ trước lệnh cấm phi lý của phía Trung Quốc" .

Ông Ngô Tấn - phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam - cho hay gần đây cơ quan quản lý nghề cá Trung Quốc đã thông báo tạm ngừng đánh cá có thời hạn từ ngày 1-5 đến ngày

16-8-2019 đối với tất cả các nghề, trừ nghề câu trên các vùng biển, trong đó có vùng đánh cá chung phía Trung Quốc (vùng biển phía đông đường phân định vịnh Bắc Bộ) và vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Theo ông Tấn, để đảm bảo ngư dân của tỉnh hoạt động đánh bắt trên biển bình thường, an toàn và kịp thời xử lý các tình huống phát sinh, sở đề nghị thông báo cho chủ tàu cá và ngư dân biết việc Trung Quốc thông báo tạm ngừng đánh cá trong vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam là không giá trị. 

Vì vậy yêu cầu tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn và thông tin về chủ quyền vùng biển Việt Nam cho bà con ngư dân biết để yên tâm đánh bắt. "Sở cũng đề nghị các ngành chức năng theo dõi tình hình khai thác của ngư dân, có biện pháp ứng cứu kịp thời khi ngư dân bị tàu nước ngoài đâm va, bắt giữ" - ông Tấn đề nghị.

Việt Nam kiên quyết phản đối

Không lâu sau khi lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc có hiệu lực, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nói: "Việt Nam phản đối và kiên quyết bác bỏ quyết định đơn phương này của phía Trung Quốc.

Quy chế này xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, vi phạm các quyền và lợi ích pháp lý của Việt Nam trên các vùng biển của mình, vi phạm luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS), đi ngược lại tinh thần và lời văn của Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông giữa ASEAN và Trung Quốc (DOC), trái với Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc".

Trung Quốc thường viện dẫn lệnh cấm này bằng lý do nhằm kiểm soát chặt chẽ ngư dân Trung Quốc, cũng như bảo vệ tính bền vững của nguồn hải sản ở Biển Đông.

Tuy nhiên, theo bà Hằng, Việt Nam cho rằng các biện pháp bảo tồn nguồn tài nguyên sinh vật cần được tiến hành phù hợp với các quy định của UNCLOS 1982 và không làm phương hại đến quyền chủ quyền và các quyền tài phán trên biển của các nước có liên quan.

NGUYÊN HẠNH

Phản đối tàu Trung Quốc cướp hải sản ngư dân Việt Nam

TTO - Hội Nghề cá Việt Nam kịch liệt phản đối hành động sai trái, ngang ngược của phía tàu Trung Quốc đã cướp phá tài sản của ngư dân Việt Nam, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa.

LÊ TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên