Ngư dân sửa ngư cụ khi vào cảng cá Cửa Hội trú bão số 2 - Ảnh: DOÃN HÒA
Ghi nhận của Tuổi Trẻ Online lúc 16h30 chiều 3-7 tại cảng cá Cửa Hội, phường Nghi Hải, thị xã Cửa Lò (Nghệ An), rất đông tàu cá đang hối hả chạy vào bờ trú bão. Không chỉ có tàu cá Nghệ An mà nhiều tàu cá của các tỉnh như Quảng Ngãi, Thanh Hóa, Hà Tĩnh… cũng đang neo đậu tại cảng này.
Mưa như trút do ảnh hưởng hoàn lưu trước cơn bão số 2. Với các thuyền lớn thì ngoài việc chằng an toàn, các chủ thuyền còn dùng lốp ôtô buộc vào thuyền để tránh va đập trong trường hợp sóng to, gió lớn. Các tàu hối hả vận chuyển những thùng cá vừa đánh bắt được lên bờ bán cho thương lái.
Tranh thủ sửa ngư cụ khi đưa tàu vào tránh bão, ngư dân Bùi Văn Phước (quê huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi) cho biết: "Từ đêm qua khi nghe tin áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão số 2 đang tiến vào vùng biển vịnh Bắc Bộ, tàu cá của tôi gồm 13 thuyền viên đã khẩn trương nhổ neo vào bờ trú bão để đảm bảo an toàn dù mới chỉ đánh bắt được 5 ngày, chưa đủ tiền dầu máy".
Ngư dân hối hả đưa cá lên bờ chiều 3-7 - Ảnh: DOÃN HÒA
Được dự báo là một trong những địa phương nằm trong vùng ảnh hưởng của cơn bão số 2 nên tỉnh Nghệ An đã kêu gọi tàu thuyền khẩn trương vào các khu vực tránh trú bão an toàn. Đến chiều nay, tỉnh Nghệ An đã kêu gọi gần 4.000 tàu cùng hơn 19.000 lao động đánh bắt cá trên biển vào bờ tránh bão.
Trong khi đó, tại khu vực nhà hàng dọc bãi biển Cửa Lò, hàng chục chủ cửa hàng cũng tất bật tháo dỡ mái tôn, đưa đồ đạc về nhà. Không chỉ di chuyển đồ đạc, neo đậu tàu thuyền, người dân ở đây cũng đang khẩn trương chằng chống nhà cửa để hạn chế thấp nhất thiệt hại do bão.
Các ngư dân neo đậu tàu thuyền trú bão số 2 - Ảnh: DOÃN HÒA
UBND tỉnh Nghệ An, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai tìm kiếm cứu nạn tỉnh cũng có công điện khẩn gửi các địa phương theo dõi, kiểm đếm, quản lý chặt chẽ việc ra khơi của tàu thuyền để kịp thời xử lý các tình huống xấu có thể xảy ra.
Trước dự báo là địa phương có mưa lớn do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, tỉnh Nghệ An chỉ đạo các địa phương rà soát, sẵn sàng triển khai các phương án ứng phó với mưa, lũ, lũ quét, sạt lở đất, các hồ chứa xung yếu, nhất là các hồ nhỏ đã tích đầy nước do địa phương quản lý đảm bảo an toàn công trình và vùng hạ du.
Liên quan đến vụ tàu NA 95899 TS bị chìm và 9 ngư dân huyện Quỳnh Lưu đang mất tích, ông Thái Thanh Quý - chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An - cũng vừa có công điện gửi các sở, ngành địa phương về các yêu cầu tổ chức tìm, cứu nạn các nạn nhân theo công điện của Thủ tướng Chính phủ.
Đến chiều 3-7, tỉnh Nghệ An đã kêu gọi gần 4.000 tàu cùng hơn 19.000 lao động đánh bắt cá trên biển vào bờ tránh bão - Ảnh: DOÃN HÒA
Không chỉ có tàu cá Nghệ An mà nhiều tàu cá của các tỉnh như Quảng Ngãi, Thanh Hóa, Hà Tĩnh… cũng đang neo đậu tại cảng Cửa Hội - Ảnh: DOÃN HÒA
Những mẻ cá tươi được chuyển lên bờ trước khi bão vào - Ảnh: DOÃN HÒA
Một ngư dân buộc lại thuyền đánh cá tại bến Giang, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh - Ảnh: DANH TRỌNG
Chiều 3-7 ngư dân ở các vùng ven biển của tỉnh Quảng Ninh như Hạ Long, Quảng Yên, Cẩm Phả… đã tất bật đưa các phương tiện đánh bắt hải sản vào bờ neo đậu an toàn. Nhiều ngư dân đã dùng thuyền nhỏ đưa các tài sản như máy móc, đồ đạc… trên các tàu lớn neo đậu tại cảng cá vào đất liền.
Bên cạnh đó, các chủ tàu cũng thả neo gần bờ và dùng dây thừng chằng chéo tàu thuyền để đảm bảo an toàn khi bão đổ bộ.
Vội vã chẳng chéo tàu cá vừa cập cảng cá Thống Nhất, anh Nguyễn Văn Dũng (Quảng Ninh) cho biết: "Từ khi biết tin cơn bão số 2 (Bão Mun) sẽ đổ bộ vào vùng biển vịnh Bắc Bộ, tôi đã cho tàu cá của mình đánh bắt ngoài khơi trở về neo đậu gần bờ tránh bão để đảm bảo an toàn cho người và tàu thuyền".
Người dân Quảng Ninh hối hả neo tàu tránh bão - Video: DANH TRỌNG
Do ảnh hưởng của cơn bão số 2, từ 19h trên địa bàn Quảng Ninh bắt đầu xuất hiện mưa lớn kèm theo gió giật mạnh.
Theo cơ quan thường trực phóng tránh thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, trong số hơn 8.000 tàu thuyền đăng ký hoạt động ở Quảng Ninh, có 258 chiếc đánh bắt xa bờ. Các tàu này đã nhận được thông tin và hướng đi của cơn bão số 2. Đến chiều 3-7, hơn 8.200 tàu đánh bắt gần bờ đã về nơi neo đậu tại các bến cá, các khu nuôi thuỷ sản và các khu tránh gió, bão ở địa phương.
Lực lượng bộ đội biên phòng Quảng Ninh huy động gần 700 cán bộ, chiến sĩ và hàng trăm phương tiện sẵn sàng ứng phó khi có tình huống xấu xảy ra. Từ tối 2-7, lực lượng biên phòng đã bắn 3 đợt pháo hiệu báo bão để các tàu, bè chưa nhận được tin báo về nơi neo đậu an toàn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận