14/10/2019 22:44 GMT+7

Ngư dân đi học thợ máy tàu cá: nặng thu tiền, nhẹ kiến thức

LỆ GIANG
LỆ GIANG

TTO - Phóng viên đi học lớp thợ máy dành cho ngư dân tại Khánh Hòa (theo thông tư số 22/2018 ngày 15- 11- 2018 của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn) và "ngã ngửa" với thực tế: không học gì đáng kể, chỉ nộp tiền... rồi thi (!).

Lớp học thợ máy cho ngư dân tại Nhà văn hóa xã Phước Đồng, TP Nha Trang - Clip: LỆ GIANG

8h sáng 13-10, phóng viên theo ông C.V.T., chủ tàu, thuyền trưởng ở TP Nha Trang (Khánh Hòa), vào vai người đi học lớp thợ máy cho ngư dân tại Nhà văn hóa xã Phước Đồng, TP Nha Trang.

Ấn tượng lớp học là giảng viên Nguyễn Thái Vũ, Viện Khoa học và công nghệ khai thác thủy sản (Trường ĐH Nha Trang), cầm micro đọc tên từng người điểm danh. Phía trên bục có hai chân loa làm trụ, phủ tấm bạt quảng cáo lật mặt sau làm màn hình máy chiếu.

Khoảng 8h30 có một phụ nữ đến ngồi phía trước thu tiền 850.000 đồng/người học, viết biên lai (loại tự mua) có đóng dấu treo của Viện Khoa học và công nghệ khai thác thủy sản. 

Ai đóng tiền xong là cầm tờ biên lai vào cho giảng viên Nguyễn Thái Vũ, ghi thêm vào danh sách lớp học. 

10h danh sách đã có 164 học viên đóng tiền xong, lúc này dưới lớp học viên đã bỏ về gần hết. Hơn 10h giáo viên lên giảng bài, trọng tâm bài giảng là cách thức chiều thi kết thúc chương trình học và cấp chứng chỉ thợ máy.

Ngư dân đi học thợ máy tàu cá: nặng thu tiền, nhẹ kiến thức - Ảnh 2.

Buổi chiều lớp học thợ máy làm bài thi kết thúc khóa học tại Nhà văn hóa xã Phước Đồng - Ảnh: LỆ GIANG

14h phóng viên có mặt ở lớp học, hai người (giảng viên Nguyễn Thái Vũ và Vũ Hoàng Thanh, cán bộ Chi cục Thủy sản tỉnh Khánh Hòa) bắt đầu làm thủ tục và phát bài thi trắc nghiệm cho lớp. 

Do lượng học viên quá đông, phải chia ra 3 đợt làm bài thi. Nhiều học viên cầm bài thi ra phía sau để làm bài "tập thể".

"Lớp đang thi đây là khai giảng ngày hôm qua (ngày 12-10), phần lớn thời gian thầy ghi tên học viên, không học được gì", học viên C.V.T. nói.

Thời gian 2 ngày học, giảng viên tập trung quá nhiều vào việc xử lý biên lai thu tiền để ghi tên học viên vào lớp học, giải quyết lộn xộn của lớp, kiến thức học thợ máy tàu đánh cá chỉ chiếm phần rất nhỏ.  

Vì sao lại tổ chức lớp học thiếu thực chất, chủ yếu thu tiền để thi như vậy?

Ông Nguyễn Trọng Chánh, chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Khánh Hòa, cho biết các lớp học thợ máy tàu đánh cá cho ngư dân tỉnh Khánh Hòa do Viện Khoa học và công nghệ khai thác thủy sản chủ trì tổ chức, giảng dạy, cấp chứng chỉ theo thông tư 22/2018 của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn. Chi cục Thủy sản chỉ phối hợp với viện này.  

Ngày 4-10-2019, Viện Khoa học và công nghệ khai thác thủy sản gửi thông báo cho Chi cục Thủy sản tỉnh Khánh Hòa, nêu rõ thời gian đào tạo lớp thợ máy là 24 tiết, học phí 700.000 đồng/người học. 

Ngư dân đi học thợ máy tàu cá: nặng thu tiền, nhẹ kiến thức - Ảnh 3.

Cán bộ (áo vàng) Viện Khoa học và công nghệ khai thác thủy sản (Trường đại học Nha Trang) thu 850.000 đồng/người tại Nhà văn hóa xã Phước Đồng, TP Nha Trang, Khánh Hòa - Ảnh: LỆ GIANG

(Nhưng thực tế ở lớp học, Viện Khoa học và công nghệ khai thác thủy sản đã thu 850.000 đồng/người). 

Chiều 14-10, chúng tôi đưa cho ông Trần Đức Phú, viện trưởng Viện Khoa học và công nghệ khai thác thủy sản, xem các ảnh chụp, video quay tại lớp học thợ máy ở xã Phước Đồng.

Ông Phú thừa nhận cách tổ chức lớp học như vậy không đạt hiệu quả. Về việc thông báo học phí 700.000 đồng nhưng thu 850.000 đồng, ông Phú giải thích: "Phần thu dôi ra 150.000 đồng/người  là tiền khám sức khỏe". 

"Sao không khám sức khỏe trước khi khai giảng lớp học?", phóng viên hỏi. 

Ông Phú trả lời: "Do ngư dân đi biển nên phải thu tiền trước, rồi chờ đợt sau mời bác sĩ xuống khám tập thể cho bà con". 

Làm khổ ngư dân

Theo quyết định 1481/QĐ ngày 2-5-2019 của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, cả nước có 31.541 tàu được cấp hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản tại vùng khơi.

Tất cả số tàu này dài trên 15m phải học qua lớp thợ máy. Ngày 15-11-2018, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn ban hành thông tư số 22/2018, quy định về thuyền viên tàu cá, tàu công vụ thủy sản.

Ông Nguyễn Trọng Chánh, chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Khánh Hòa, cho rằng thông tư 22 làm khổ ngư dân.

"Vừa rồi dự hội nghị thủy sản ở TP.HCM, tôi đã đứng lên phát biểu rằng thông tư 22 làm khổ bà con rất nhiều. Thời điểm này, các ông chủ tàu cá đi tìm đỏ mắt vẫn không đủ lao động khai thác nghề cá, biển lại đói triền miên. Bây giờ bắt họ tìm người đi học chứng chỉ thợ máy nữa, thì lấy đâu ra người học...".

Ông L.V.Q. chủ 3 chiếc tàu đánh cá xa bờ "lý luận":

"Trên mỗi tàu đánh cá đã có 1 bằng thuyền trưởng, 1 bằng máy trưởng, bây giờ lại "đẻ" ra thêm ông bằng thợ máy. Ngư dân nghĩ ra cách đối phó lại, một người học nhiều bằng. Lớp học thợ máy này, toàn là chủ tàu, thuyền trưởng... đi học. Chỉ khi xảy ra tai nạn tàu đánh cá, công ty bảo hiểm yêu cầu nộp đầy đủ các loại bằng có trên tàu, lúc đó nhiều chuyện phiền toái sẽ xảy ra vì một người một lúc có nhiều bằng là sai quy định, công ty bảo hiểm không chấp nhận".

LỆ GIANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên