TTCT- “Thức khuya hôm nay, ngủ bù ngày mai” - quan niệm khá phổ biến này vừa được các nhà khoa học chỉ ra là sai lầm. Quan niệm thức khuya hôm trước, ngủ bù hôm sau là sai lầm Đi ngủ mà không cần đặt báo thức để khỏi phải nghe tiếng chuông đầy ám ảnh vào sáng hôm sau là mơ ước của bao người. Ao ước này dễ thành hiện thực vào chủ nhật, và có khi cả thứ bảy với những người may mắn chỉ đi làm năm ngày một tuần. Vì lẽ đó, chúng ta thường có xu hướng thức khuya hơn vào đêm thứ sáu và thứ bảy, để xem phim lâu hơn hay vui chơi, tiệc tùng với bạn bè muộn hơn, tự tin rằng sáng thứ bảy và chủ nhật tha hồ “ngủ nướng” để cơ thể bù lại phần giấc ngủ bị mất. Nguy cơ bệnh tim Thật ra việc ngủ bù chỉ gây thêm mệt mỏi kinh niên và tâm trạng khó chịu, theo nghiên cứu mới đăng trên tạp chí Sleep. Nguy hiểm hơn, dựa trên kết quả khảo sát 984 người trưởng thành, nghiên cứu cảnh báo “thức khuya hôm nay, ngủ bù ngày mai” sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim thêm 11%. Theo các nhà nghiên cứu đến từ Đại học Arizona (Mỹ), quan niệm rằng ta có thể ngủ bù cho việc thức khuya đêm trước đó, miễn sao tổng số giờ ngủ là 7-8 tiếng, là sai lầm và sẽ “tàn phá đồng hồ sinh học” của chúng ta, dẫn đến hiện tượng “social jet lag”, tức cảm giác mệt mỏi như khi phải đi máy bay từ múi giờ này sang múi giờ khác. Ta không cần phải đi máy bay mà cũng mệt như bị lệch múi giờ, do lẽ nhịp xã hội - tức thói quen sinh hoạt (tiệc tùng, vui chơi) trong hai ngày cuối tuần đã lệch so với ngày còn lại trong tuần. Tiến sĩ Till Roenneberg, giáo sư Đại học Munich (Đức), giải thích: người “thức khuya hôm nay, ngủ bù ngày mai” từ đêm thứ sáu và phải trở về nhịp sinh hoạt thông thường vào sáng thứ hai “sẽ mệt mỏi giống như người phải bay từ Paris đến New York vào tối thứ sáu, rồi bay về vào đầu tuần”. “Những người này giống như phải sống trong hai múi giờ khác nhau, vì nhịp ngủ - thức vào cuối tuần lệch so với nhịp quen thuộc mà đồng hồ sinh học của họ đã ghi nhận” - tiến sĩ Roenneberg giải thích thêm. Tờ Independent của Anh gọi đây là “triệu chứng mệt mỏi ta mắc phải mà không hề hay biết” vì khi bắt đầu tuần mới uể oải ở sở làm, đa số chúng ta chỉ nghĩ là mệt mỏi bình thường mà không biết rằng “mỗi giờ ngủ muộn hơn bình thường sẽ bào mòn cơ thể của chúng ta”, như nghiên cứu trên Sleep cảnh báo. Trang Refinery29 dẫn các nghiên cứu trước đó cho biết những người mệt mỏi vì “ngủ lệch” vào cuối tuần có xu hướng hút thuốc, uống cà phê nhiều hơn và đây đều là những thói quen có hại cho sức khỏe. Trằn trọc đêm chủ nhật Một trong những hệ quả của ngủ bù và “social jet lag” là hiện tượng “trằn trọc đêm chủ nhật” (Sunday insomnia). Những người gặp hiện tượng này thường cảm thấy khó chợp mắt vào tối chủ nhật, dù biết họ cần phải ngủ sớm chừng nào hay chừng ấy nếu không muốn bắt đầu tuần mới bằng những cái ngáp dài nơi công sở. Forbes dẫn một thăm dò trực tuyến cho biết cứ bốn người được hỏi thì có một người khó ngủ vào đêm chủ nhật. Không khó nhận ra ta sẽ khó đi ngủ đúng giờ bình thường vào tối chủ nhật vì đồng hồ sinh học đang bị “lạc nhịp” do đã dậy trễ vào sáng hôm đó, tức hậu quả của “social jet lag”. Vì lẽ đó, các chuyên gia cho rằng khi trở thành nạn nhân của “trằn trọc đêm chủ nhật”, ta cũng chỉ có thể tự trách mình mà thôi. Một nguyên nhân khác là do chúng ta không phải làm việc đầu óc nhiều vào cuối tuần nên cơ thể tỉnh táo hơn bình thường và không chịu... ngủ, theo Wesley Delbridge - người phát ngôn của tổ chức chuyên về dinh dưỡng Academy for Nutrition and Dietetics (Mỹ). Delbridge cũng chỉ ra nguyên nhân khác là vấn đề tâm lý khi ta không thể ngủ ngon được vì nghĩ đến tuần mới đầy ắp công việc đã cận kề. “Khi vừa đặt mình xuống gối, não bạn bắt đầu xử lý, sắp xếp lịch làm việc cho tuần mới, giống một cái máy chạy mãi không ngừng” - chuyên gia này giải thích. Vậy làm sao để tránh thao thức vào tối chủ nhật để rồi phải “trả giá” vào sáng thứ hai? Tổ chức chuyên nghiên cứu rối loạn giấc ngủ American Academy of Sleep Medicine (Mỹ) khuyến cáo người lớn nên ngủ ít nhất 7 giờ mỗi đêm và giữ mức này đều đặn để bảo đảm sức khỏe. Còn Sierra B. Forbush, trưởng nhóm nghiên cứu về tác hại của “social jet lag”, cho rằng ngủ đủ giấc là quan trọng, nhưng đủ như thế nào còn quan trọng hơn. Ngủ điều độ và đủ giấc là phương thức hiệu quả, rẻ tiền và đơn giản để ngăn ngừa bệnh tim cũng như các vấn đề sức khỏe khác. Cuối cùng, các chuyên gia sức khỏe đều nhất trí rằng để tránh “social jet lag”, cần cố gắng cưỡng lại “cám dỗ” của việc ngủ nướng vào các sáng cuối tuần.■ Tags: Ngủ bùNgủ bù tác dụng gì
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
TP.HCM nằm trong nhóm 5 thành phố lún nhanh nhất thế giới THANH HIỀN 22/11/2024 Nghiên cứu mới đây của tạp chí khoa học Nature Sustainability cho thấy TP.HCM nằm trong nhóm 5 thành phố bị lún nhanh nhất thế giới.
VTV lên tiếng vụ xe biển xanh vượt 2 ô tô làm xe tải đi chiều ngược lại lao xuống cống HỒNG QUANG 22/11/2024 'Đài truyền hình Việt Nam lấy làm tiếc về sự việc nghiêm trọng này và sẽ chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng cùng gia đình tài xế xe tải để giải quyết vụ việc theo đúng tinh thần thượng tôn pháp luật', VTV thông tin.
Đình chỉ nhiều kiểm toán viên, có cả ‘phó tổng’ từng ký báo cáo tài chính SCB BÌNH KHÁNH 22/11/2024 Một số kiểm toán viên thuộc các công ty nổi tiếng như Ernst & Young Việt Nam, KPMG vừa bị đình chỉ đến hết năm 2024. Ngoài ra, Kiểm toán DFK Việt Nam và Moore AISC cũng có kiểm toán viên bị đình chỉ.
Nhân viên quán bia kể lúc đập khóa, dập tắt ngọn lửa trong căn nhà bốc cháy HỒNG QUANG 22/11/2024 Phát hiện đám cháy bùng lên trong căn nhà khóa cửa, 3 người đàn ông làm việc ở quán bia gần đó đã tiếp cận để phá khóa. Họ sau đó dùng bình cứu hỏa để dập tắt ngọn lửa.