Thức dậy sớm là một thói quen tốt - Ảnh: Science Daily
Trong nghiên cứu mới đăng trên tạp chí Circulation, Hiệp hội Tim mạch Mỹ (AHA) ghi nhận người lớn có thói quen ngủ lành mạnh có thể giảm đến 42% nguy cơ bệnh tim, bất kể các yếu tố rủi ro khác, so với người lớn có giấc ngủ không tốt.
Ngủ lành mạnh bao gồm thức dậy sớm vào buổi sáng, ngủ đủ 7-8 tiếng mỗi ngày, không bị mất ngủ thường xuyên, không ngáy thường xuyên, không bị cảm giác buồn ngủ hoặc thiếu năng lượng trong ngày.
Bệnh tim là một đại dịch, ảnh hưởng hơn 26 triệu người trên toàn cầu. Nhiều bằng chứng mới cho thấy các vấn đề về giấc ngủ có thể đóng vai trò gây ra bệnh tim.
Tổ chức AHA đã tiến hành theo dõi 408.802 người, tuổi từ 37-73, tham gia Ngân hàng sinh học UK Biobank. Họ thu thập dữ liệu về các trường hợp bệnh tim từ năm 2010 đến tháng 4-2019, tổng cộng có 5.221 trường hợp.
Tiếp theo, các nhà nghiên cứu phân tích chất lượng giấc ngủ và thói quen ngủ của các đối tượng. Thời lượng ngủ được chia làm 3 nhóm: ngắn - ít hơn 7 tiếng; vừa đủ - 7-8 tiếng; và dài - hơn 9 tiếng.
Sau khi điều chỉnh các nguy cơ như bệnh tiểu đường, cao huyết áp, dùng thuốc, khác biệt di truyền..., nhóm nghiên cứu kết luận những người có thói quen ngủ lành mạnh nhất giảm được 42% nguy cơ bệnh tim so với người ngủ không tốt.
Các yếu tố tác động được đánh giá độc lập, cụ thể: Dậy sớm giảm được 8% nguy cơ; ngủ đủ 7-8 tiếng giảm được 12% nguy cơ; không bị mất ngủ thường xuyên giảm được 17%; không bị mệt mỏi, buồn ngủ trong ngày giảm được 34%.
"Phát hiện của chúng tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cải thiện giấc ngủ, từ đó giúp tránh mắc phải bệnh tim", tiến sĩ Lu Qi, nhà dịch tễ học thuộc Đại học Tulane (Mỹ), đúc kết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận