11/12/2022 09:59 GMT+7

Ngọt và nhạc thiếu nhi siêu thực

HIỀN TRANG
HIỀN TRANG

TTO - Những đứa trẻ được sinh ra hồi thập niên 1980 và đầu 1990 đã lớn lên với chương trình Những bông hoa nhỏ hay những chiếc đĩa VCD in lậu hẳn sẽ thấy thời gian như tua ngược lại khi mở lên album Gieo của Ngọt.

Ngọt và nhạc thiếu nhi siêu thực - Ảnh 1.

Ngọt phát hành album thứ tư Gieo phiên bản đĩa vật lý trước khi phát hành trực tuyến 1 ngày và đã sớm “cháy hàng” - Ảnh: FACEBOOK NGỌT

Ngay phần nhạc dạo đầu tiên là giai điệu quen thuộc của bộ phim hoạt hình Liên Xô Hãy đợi đấy mà một thời ta từng ngóng đợi hằng ngày trong ca khúc Bạn thỏ ti vi nhỏ

Tuổi thơ của thế hệ sau không còn gắn với Hãy đợi đấy nữa, cho nên Gieo trở thành kiểu album retro cho một "hội" kín, và giai điệu này giống như mật khẩu riêng để bước vào.

1. Album phòng thu thứ tư của Ngọt ra mắt ngày 8-12 vừa qua, đúng 42 năm ngày mất của John Lennon - cựu thủ lĩnh ban nhạc The Beatles. Ngọt thần tượng The Beatles. 

Họ cũng không bao giờ che giấu sự tôn thờ ấy qua âm nhạc của mình, nhưng chưa bao giờ sự ảnh hưởng của nhóm nhạc nước Anh lên các sáng tác của Ngọt lại trở nên tinh tế và nhuần nhuyễn như trong Gieo.

Ngay từ bảng màu đậm chất psychedelic rock trên bìa của Gieo đã mang thẩm mỹ rock và pop art thập niên 1960. Đến khi những ca khúc tưởng là mang âm hưởng nhạc thiếu nhi nhưng lại được tô vẽ thêm những nét hóm hỉnh kỳ quái lần lượt vang lên thì không nghi ngờ gì nữa, Gieo gợi cho ta nhớ về bầu không khí trong Sgt. Pepper's Lonely Hearts Club Band của The Beatles.

Ngọt và nhạc thiếu nhi siêu thực - Ảnh 2.

Ngọt band

Cũng như Sgt. Pepper’s, Gieo không phải là một album hoài niệm tuổi thơ. Đúng hơn, nó nhìn lại tuổi thơ từ một khoảng cách nhất định, và nhờ khoảng cách đó, tuổi thơ không còn vẻ trong sáng hoàn toàn mà trở nên kỳ lạ, siêu thực, thậm chí là đầy ảo giác.

Chẳng hạn, trong Bạn thỏ ti vi nhỏ, khi phần âm nhạc bị làm nhiễu để tương ứng với phần lời về một đứa trẻ ngồi trước chiếc tivi thời tiền sử với chiếc ăng ten mất sóng khiến những nhân vật hoạt hình biến mất, đây không phải sự tiếc nuối quá khứ đơn thuần mà là một sự quan sát quá khứ để nhận ra những tính chất không thể giải thích của thế giới: sự mong manh của tồn tại, sự bất định không thể lường trước của biến cố, sự đánh mất tuổi thơ.

Hay trong Chào buổi sáng - một bản nhạc rất ngắn khi dài chưa tới 2 phút và chỉ gồm mấy câu đơn giản kiểu như "Chào buổi sáng, chào buổi sáng, cùng đánh răng thôi nào". 

Những câu hát ngỡ con nít, những hoạt động tưởng thường ngày, nhưng bản phối cùng giọng hát uể oải của Thắng lại mang vẻ nửa tỉnh nửa mơ tựa một giấc mơ sáng suốt (lucid dream) hệt như phần giữa của ca khúc A day in the life trong album Sgt Pepper’s của The Beatles về một buổi sáng như bao buổi sáng của một người lao động và ca khúc Good morning, good morning cũng nằm trong album ấy.

Vẻ siêu thực đi vào mọi hoạt cảnh thường nhật trong Gieo, từ như một người lái xe phải vòng qua những đám mây và dừng giữa không trung, đến một người xem đá tan trong cà phê mà ngỡ như thời gian cũng đang loãng ra.

Gieo kết thúc bằng Mất tích, như sự trở lại với chủ đề của ca khúc đầu tiên - sự biến mất - nhưng không còn ở dạng thức câu hỏi ngây ngô "Bạn thỏ đi đâu bao giờ về?" mà đã mang sự thích nghi của một người trưởng thành.

Ngọt và nhạc thiếu nhi siêu thực - Ảnh 3.

Ngọt band

2. Thắng từng nói trong một bài phỏng vấn gần đây rằng điều làm anh chán nhất trong âm nhạc là concept. Nên nhớ rằng The Beatles là ban nhạc khai sinh ra concept album. Khi concept album Sgt Pepper’s ra đời, đó là cuộc cách mạng về tư duy âm nhạc. Song khi nền công nghiệp biến concept trở thành mẫu mực thì nó lại trở thành sợi xích trói.

Nhưng bao giờ cũng thế, càng cố giống càng không giống mà khi không cố giống thì lại giống. Chính vì không áp đặt Gieo phải là một concept album, không buộc mình phải bắt chước y chang thần tượng mà ở đây, Ngọt cuối cùng cũng nắm bắt được phần nào cái tinh thần tự do thực thụ của The Beatles.

Không Làm Gì Nhạc & Lời: Vũ Đinh Trọng Thắng Phối khí: Ngọt Trình bày: Ngọt 

Những kỹ thuật phòng thu của Ngọt cũng đã đạt đến một trình độ mới để tạo nên những hiệu ứng âm thanh lảo đảo ảo giác nhưng vẫn duy trì được một sợi dây xuyên suốt nối từ bài này sang bài kia mượt mà, gần như không cảm giác bị ngắt quãng, như một dòng ý thức miên man.

Lá thư âm nhạc: Mùa hè của Bad Bunny Lá thư âm nhạc: Mùa hè của Bad Bunny

TTO - Dù còn lâu năm 2022 mới kết thúc nhưng người ta đã tin Bad Bunny sẽ là nghệ sĩ được stream nhiều nhất toàn cầu.

HIỀN TRANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên