Theo lời các nghệ sĩ danh tiếng cùng các KOLs, Influencers (người có tầm ảnh hưởng, có khả năng truyền cảm hứng - PV) đã được thưởng thức nghệ thuật tại Nhà hát Hồ Gươm, thì 'đây mới là lần đầu chúng ta có một nhà hát được thiết kế đúng chuẩn cho âm nhạc, được đưa vào sử dụng'. Vậy 'lần hai' có đến lượt TP.HCM?
Nhà hát 'City Tour'
Nghe đâu, Sài Gòn hồi xưa có hơn 3,4 triệu dân mà có hơn 60 rạp hát lớn nhỏ, trong đó có rạp 400 - 500 chỗ ngồi. Sau năm 1975, hơn 50/60 rạp hát đã gần như bị bỏ hoang, hoặc chuyển đổi thành nhà hàng, quán rượu, bãi đậu xe, quán cà phê.
Như rạp hát Majestic Sài Gòn (Đồng Khởi) trở thành nhà hàng Majestic. Rạp Eden (Đồng Khởi) hiện đã thành khu trung tâm thương mại. Rạp Đại Nam (Trần Hưng Đạo) được chuyển thành khách sạn Đại Nam...
Trong ba nhà hát có quy mô lớn (đều xây từ thời Pháp thuộc): Nhà hát Philharmonie (nay là Kho bạc thành phố), Nhà hát lớn (nay là Nhà hát thành phố) và Nhạc viện thành phố, thì chỉ còn Nhà hát thành phố vẫn giữ được tầm quan trọng cũng như chức năng nhà hát của nó. Các nhà hát xây mới sau giải phóng như: Hòa Bình, Bến Thành đều đã xuống cấp, và không còn đáp ứng các tiêu chuẩn biểu diễn quốc tế.
Nếu có dịp 'trà dư tửu hậu' cùng các 'bầu sô', đạo diễn, sẽ thấy đúng là giờ đây muốn tìm một nơi để làm sô, thật đau cái đầu. Nổi bật nhất là Nhà hát thành phố với vị trí thuận tiện, khán phòng chuẩn về âm thanh, thì số ghế chỉ được hơn 400.
Nhà hát này cũng phù hợp nhất với loại hình giao hưởng, vũ kịch theo phong cách hòa nhạc (concert) hơn là live show, với các tiết mục trình diễn lắm 'chiêu trò'.
Trong khi đó Nhà hát Hòa Bình có lợi thế về số lượng, với hơn 2.000 ghế cùng sân khấu quay. Tuy nhiên, với những vị trí lý tưởng để xem sô, dưới nhà chỉ đáp ứng được khoảng 1.000 ghế, và trên lầu là 100 ghế.
Sân khấu quay thì hầu như không còn bảo trì để vận hành. Và chỉ còn cánh gà bên trái mới có chỗ để vận chuyển cảnh trí vào. Diện tích và không gian Nhà hát Hòa Bình tuy rộng lớn, nhưng có nhiều cảnh trí cũ đã lưu giữ hơn 10 năm, khiến Hòa Bình rơi vào tình trạng 'nhà thì to mà không có chỗ để ngủ'.
Đây cũng là nhà hát khiến khán giả luôn có cảm giác bị... cà thọt khi bước chân vào, vì khoảng cách giữa những bậc thang lên xuống trong khán phòng thiết kế không hợp lý, quá dài so với một bước chân trung bình của người Việt.
Riêng Nhà hát Bến Thành có vị trí và số ghế lý tưởng, khoảng 1.200 ghế nhưng cũng xuống cấp, thiếu thốn các trang thiết bị, lại dư thừa các 'cụ Tý' chạy ra chạy vào.
Ngoài ba nhà hát này, TP.HCM hiện tại còn có vài nhà hát và khán phòng khác, tuy nhiên chẳng có cái nào đủ chuẩn để 'flex' với anh em bạn bè trong và ngoài nước. Nhà hát VOH (gần 300 ghế), Nhạc viện thành phố (khoảng 400 ghế), khán phòng IDECAF (hơn 250 ghế)...
Với những nhà hát thiếu trước hụt sau này, giới làm sô đôi lúc phải nương tựa vào sân khấu ca nhạc Lan Anh, nhà thi đấu Phú Thọ, sân vận động Quân khu 7, nhà thi đấu Quân khu 7, nhà thi đấu Nguyễn Du, Gem Center, trung tâm hội nghị White Palace... để thỏa chí sáng tạo.
Nhà hát hơn 20 năm chưa rục rịch
Kể dông kể dài như vậy, để thấy sự thiết yếu của dự án nhà hát ra ngô ra khoai cho thành phố. Thật ra, chính quyền thành phố từ hơn 20 năm trước đã sớm nhìn thấy vấn đề, và có kế hoạch xây nhà hát mới cho thành phố.
Nhiều phương án đã được đưa ra. Trong đó, cải tạo lại tòa nhà Công ty Xổ số kiến thiết TP.HCM (cũ) trên đường Lê Duẩn, hay xây mới nhà hát tại khu vực công viên 23-9, là hai phương án được đưa ra thảo luận sôi nổi nhất, hao tốn bút mực của báo chí thành phố nhất trong gần chục năm trước.
Đùng một cái, dự án Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch tại Thủ Thiêm (Thủ Đức) được HĐND TP.HCM thông qua chủ trương đầu tư hồi tháng 10-2018, với tổng kinh phí hơn 1.500 tỉ đồng (về sau chủ đầu tư đề xuất tăng lên gần 2.000 tỉ đồng).
Nhà hát trong mơ này có quy mô 1.700 chỗ, gồm hai khán phòng lớn và nhỏ được xây tại góc cầu Ba Son (hướng từ quận 1 qua Thủ Thiêm), kết nối với phố đi bộ Nguyễn Huệ bằng cầu đi bộ bắc qua sông Sài Gòn. Ngoài nhà hát, nơi đây còn có các công trình quan trọng như: quảng trường trung tâm, trung tâm hội nghị triển lãm, trung tâm triển lãm quy hoạch, bảo tàng...
Theo kế hoạch, công trình được thực hiện trong năm 2021 - 2022. Tuy nhiên, thành phố đã phải tạm dừng thực hiện dự án Nhà hát Giao hưởng, Nhạc, Vũ kịch ở Thủ Thiêm do cần ưu tiên cho các hoạt động an sinh xã hội và phục hồi kinh tế sau đại dịch.
Nhà nhà người người cũng bù đầu lao vào vực lại túi tiền, nên chẳng mấy ai còn nhắc hay nhớ đến 'giấc mơ nhà hát', cho đến khi Nhà hát Hồ Gươm rực rỡ sáng đèn. Dẫu vậy, trong niềm hân hoan ngắm nghía Nhà hát Hồ Gươm, cộng đồng đã không quên động viên: 'Sài Gòn không cần vội, từ từ sẽ có Nhà hát Hồ... Con Rùa!'.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận