Học sinh lớp 1 ở TP.HCM trong ngày khai giảng năm học 2020-2021 - Ảnh: B.C.
Hiện mới chỉ có vài tỉnh thành phía Bắc quyết định thời gian tựu trường vào ngày 1-9, trong đó tập trung học sinh lớp 1 vào ngày 23-8. Hầu hết các tỉnh thành còn lại đều trì hoãn việc này vì chưa lường được diễn biến của dịch. Do đó, cả nhà trường và phụ huynh đều... chờ đợi.
Chưa mua được sách giáo khoa
"Chưa năm học nào như năm nay. Tới giờ con tôi vẫn chưa nhận thầy cô, nhận lớp, chưa được bước chân đến trường mới, chưa mua đồng phục, sách giáo khoa. Đang giãn cách nên không có nơi nào để mua sách, vở, đồ dùng học tập. Nên nếu trường có dạy học trực tuyến thì cũng khó khăn" - chị Thu Hương, một phụ huynh có con sắp bước vào lớp 6 tại Hà Nội, chia sẻ.
Nhiều phụ huynh khác ở Hà Nội cũng cho biết năm học trước đã đặt sách giáo khoa theo lớp. Nhưng dịch bệnh bất ngờ nên phụ huynh không thể đến trường nhận sách. Kênh mua sách duy nhất là đặt online thì cũng có nơi nhận, có nơi không. Đặc biệt là sách của chương trình mới.
"Tôi đặt mua sách cho con theo trường. Nhưng hiện đang dịch nên sách vẫn chưa được nhận. Năm trước có sách sớm, bố mẹ còn cho con tiếp cận trước để chuẩn bị tâm thế nhưng hiện giờ thì chịu. Vì các cửa hàng bán sách, đồ dùng học tập đều đóng cửa hết. Ra đường lo không thông chốt và mua sách cũng không phải đồ thiết yếu. Tôi có đặt mua qua mạng nhưng vẫn chưa được chuyển sách" - chị Hằng, phụ huynh có con học lớp 2 năm nay, nói.
Tại TP.HCM tình hình cũng không khá hơn. "Năm học 2021 - 2022 con gái tôi sẽ vào lớp 1. Đến nay gia đình tôi vẫn đang chờ đợi trong lo lắng vì đã giữa tháng 8 mà tất cả vẫn trong im lặng. Tôi đã đăng ký nhập học trực tuyến cho con nhưng cháu vẫn chưa được xếp lớp, sách giáo khoa thì chưa mua được mà cũng không biết phải mua ở đâu vì nhà trường còn chưa có..." - chị Nguyễn Thị Hồng Thắm, phụ huynh ở quận Bình Thạnh, TP.HCM, bày tỏ.
Tương tự, phụ huynh có con sắp vào lớp 1, lớp 2 ở TP.HCM cũng cho biết hiện tại họ chưa mua được sách giáo khoa, đồ dùng học tập và đồng phục cho con. Chị Thu Hương - phụ huynh ở quận 3 - băn khoăn: "Học sinh tiểu học mau quên lắm. Con tôi năm tới vào lớp 2 mà bây giờ hỏi về kiến thức lớp 1 cứ quên trước quên sau. Tôi mong con được đi học trực tiếp ở trường để nếu có thiếu hụt phần kiến thức nào thì giáo viên sẽ kịp thời bù đắp cho học sinh. Nếu học trực tuyến sẽ rất vất vả cho cả học sinh và phụ huynh mà không đạt được hiệu quả như mong muốn vì các cháu còn quá nhỏ".
Trường chuẩn bị 2 phương án
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Văn Nguyện - hiệu trưởng Trường tiểu học Trần Quốc Toản, huyện Bình Chánh, TP.HCM - thông tin: "Trường chúng tôi vẫn đang được trưng dụng để làm khu cách ly. Hiện trường cũng mới tuyển sinh lớp 1 được 2/3 chỉ tiêu. Do dịch bệnh nên nhà trường cũng đang chờ quyết định và hướng dẫn của các cấp trên về việc thực hiện năm học mới".
Trong khi đó, nhiều hiệu trưởng trường tiểu học, THCS trên địa bàn TP.HCM cho hay năm học 2021 - 2022 sẽ có nhiều khó khăn hơn năm trước. "Hè năm 2020, giáo viên trường chúng tôi đã vào trường tập dạy chương trình lớp 1 rồi góp ý cho nhau. Vì vậy, khi vào năm học, dạy chính thức các thầy cô thực hiện khá tốt do đã được rút kinh nghiệm rồi. Năm nay, đa số các lớp tập huấn về chương trình, sách giáo khoa lớp 2 mới đều làm từ xa, các giáo viên cũng không thể lên tiết tập dạy rồi góp ý cho nhau. Thời điểm này thầy cô giáo vẫn phải xem sách giáo khoa lớp 2 mới bản điện tử chứ chưa có sách bản giấy nên mọi chuẩn bị không được chi tiết, kỹ càng như năm trước..." - hiệu trưởng một trường tiểu học ở quận 1, TP.HCM, thông tin.
Cô Bùi Thị Thanh - hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Huệ, quận 1, TP.HCM - cho biết: "Song song với việc chờ đợi quyết định kế hoạch thời gian năm học của UBND TP.HCM, trường chúng tôi đang chuẩn bị theo 2 phương án. Nếu có thể lùi thời gian khai giảng năm học mới thì quá tốt. Còn nếu không thể lùi thì chúng tôi vẫn chuẩn bị để dạy trực tuyến".
Theo cô Thanh, từ đầu tháng 8 các giáo viên của trường đã được tập huấn để có thể sử dụng thuần thục các công cụ dạy từ xa. Hiện nhà trường cũng đã bàn với các giáo viên về phương án dạy online cho học sinh lớp 1. Nếu phải thực hiện ngay từ đầu năm học sẽ phải có những clip hướng dẫn học sinh về cách cầm bút, tư thế ngồi, cách cầm sách để đọc, giữ khoảng cách từ mắt đến mặt bàn... Những clip này sẽ được gửi cho phụ huynh để họ hướng dẫn con em thực hiện tại nhà.
Phụ huynh rối khi con bị kẹt ở quê
Tại Hà Nội, khá nhiều phụ huynh gửi con ở quê nay không về đón con được. Thắc thỏm vì chưa biết bao giờ Hà Nội quyết định thời điểm tựu trường, nhiều người lo lắng nếu tình hình ở nhiều địa phương chưa kiểm soát được dịch mà trường tổ chức học online sẽ rất khó khăn khi không thể hỗ trợ con học tập và cũng không có đủ thiết bị để học.
Bộ GD-ĐT cần hướng dẫn sát sao
Trong việc triển khai nhiệm vụ năm học mới 2021 - 2022, Bộ GD-ĐT nhấn mạnh đến việc thực hiện "nhiệm vụ kép": vừa triển khai nhiệm vụ năm học vừa phòng chống dịch COVID-19.
Tuy nhiên, theo một số giáo viên, sẽ có nhiều khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ kép. Khó khăn nhất là ở bậc tiểu học. Các trường còn thiếu tính chủ động trong xây dựng kế hoạch khiến cho tình trạng quá tải, áp lực có thể xảy ra khi triển khai chương trình mới hoặc khi tổ chức dạy bù sau thiên tai, dịch bệnh. "Đó là những vấn đề các trường, giáo viên còn lúng túng từ năm học trước đòi hỏi Bộ GD-ĐT cần có hướng dẫn sát sao, lắng nghe ý kiến cơ sở để kịp thời điều chỉnh các bất cập ngay trong năm học" - một giáo viên kiến nghị.
Vượt qua bỡ ngỡ khi tiếp tục chương trình mới
Học sinh lớp 1 Trường tiểu học Lý Cảnh Hớn (quận 5, TP.HCM) năm học 2020 - 2021. Năm học tới, các em tiếp tục học chương trình mới ở lớp 2 - Ảnh: NHƯ HÙNG
Cùng với nhiều trở ngại do dịch COVID-19, ngành giáo dục gặp khó khăn khi tiếp tục phải thực hiện chương trình sách giáo khoa mới ở các lớp 1, 2 và lớp 6 trong năm học này. Gần như 100% giáo viên tập huấn chương trình (modun4) và dự tập huấn sử dụng sách giáo khoa mới bằng hình thức trực tuyến. Giáo viên không có điều kiện để thực hành, vận dụng dạy học theo chương trình sách giáo khoa mới trên lớp, hạn chế trong việc sinh hoạt chuyên môn, trao đổi chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ nhau trong các tổ chuyên môn.
Ở bậc trung học, các khái niệm như dạy học theo chuyên đề, dạy học tích hợp liên môn, dạy lồng ghép với hoạt động trải nghiệm, đặc biệt là dạy các môn tích hợp mới như khoa học tự nhiên, lịch sử và địa lý hiện đang là những điểm mới đối với giáo viên ở nhiều trường THCS khi năm đầu triển khai chương trình mới ở lớp 6.
Theo ông Nguyễn Xuân Thành - vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT), các trường có thể tiếp tục bồi dưỡng cho giáo viên triển khai chương trình mới qua hoạt động của tổ chuyên môn. Nhiều khả năng các địa phương sẽ phải bước vào năm học mới trong tình trạng "học từ xa". Việc chỉ đạo, quản lý chuyên môn của các trường, kiểm soát chất lượng dạy học sẽ khó khăn hơn và càng khó để giáo viên vượt qua bỡ ngỡ khi triển khai chương trình mới.
Ở bậc tiểu học, mặc dù Bộ GD-ĐT đã ban hành khung năm học trong đó có hai tuần cho học sinh lớp 1 làm quen với nề nếp, nhưng nhiều địa phương sẽ khó dành quỹ thời gian này cho học sinh lớp 1 khi ngày tựu trường có thể phải lùi sâu đến hết tháng 9. "Chúng tôi được tập huấn trực tuyến thôi, chưa có thời gian để quay lại trường nên việc trao đổi chuyên môn hay vận dụng những cái mới vào thực tế dạy học chưa làm được" - một giáo viên sẽ dạy lớp 2 ở Hà Nội cho biết.
Theo cô giáo này thì số giáo viên đã làm quen với chương trình ở lớp 1 năm trước năm nay vẫn đảm nhiệm lớp 1 vì đây là lớp đầu cấp quan trọng và cần đầu tư. Bởi thế, số giáo viên tiếp quản lớp 2 theo chương trình mới cũng lần đầu thực hiện.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận